Chế độ nghỉ thai sản: quyền lợi mẹ cần biết
Chế độ thai sản là quyền lợi hợp pháp của người lao động nữ làm việc tại các cơ quan nhà nước hoặc doanh nghiệp nếu ký hợp đồng lao động vô thời hạn hoặc có thời hạn từ 3 tháng trở lên, đã đóng bảo hiểm xã hội ít nhất 6 tháng trong thời gian 12 tháng trước khi sinh.
Mẹ được nghỉ thai sản bao lâu?
Theo quy định của Bộ luật lao động năm 2012, thời gian lao động nữ được nghỉ trước và sau khi sinh con là 6 tháng, trong đó thời gian nghỉ trước sinh không quá 2 tháng. Thời gian nghỉ thai sản được tính theo ngày làm việc không kể ngày nghỉ lễ, nghỉ Tết và nghỉ cuối tuần.
Bạn có thể kết hợp với các dịp nghỉ lễ dài ngày (như nghỉ Tết), nghỉ phép năm, nghỉ ốm hay nghỉ không lương tùy theo chế độ chính sách ở doanh nghiệp bạn đang làm việc và các kỳ nghỉ đặc thù của ngành nghề (như nghỉ hè nếu bạn là giáo viên) để có thể có được số ngày nghỉ nhiều hơn.
Chế độ nghỉ thai sản là quyền lợi hợp pháp của tất cả các mẹ
Khi nào nên bắt đầu nghỉ thai sản?
Không có thời điểm chính xác để bạn nghỉ sinh. Một số phụ nữ nghỉ sinh từ tháng thứ 7 hoặc 8 trong khi số khác làm việc đến sát ngày sinh. Bạn sẽ cần theo dõi tình trạng thai để quyết định thời điểm thích hợp để nghỉ thai sản. Bạn cần tuân theo chỉ định của bác sĩ nếu được yêu cầu nghỉ ngơi hoàn toàn trên giường hoặc có những biến chứng bắt buộc bạn phải ngưng làm việc trước khi sinh. Do đó, bạn nên xem xét hoàn cảnh và sức khỏe bản thân cũng như tình hình nơi bạn làm việc để quyết định nghỉ sinh khi nào là tốt nhất.
Sau kỳ nghỉ thai sản, bạn đừng ngạc nhiên nếu thấy khó rời xa bé và quay trở lại với công việc. Đa số phụ nữ phải quyết định rất khó khăn để quay lại làm việc, chỉ một số ít nói rằng họ sẵn sàng.
Làm thế nào để thảo luận với sếp về việc nghỉ thai sản?
Trước hết hãy đọc lại sổ tay nhân viên, hỏi bộ phận nhân sự về các chính sách và quy định của công ty liên quan đến chế độ thai sản dành cho nhân viên. Bạn cũng có thể hỏi thăm đồng nghiệp đã có kinh nghiệm về việc này.
Sau đó suy tính xem bạn sẽ muốn có bao nhiêu thời gian nghỉ. Nếu dự tính cả thời gian nghỉ không lương, hãy cân nhắc cẩn thận về tình hình tài chính của gia đình. Và nhớ so sánh với lịch làm việc và lợi ích của cả chồng bạn nữa.
Để gia tăng cơ hội đạt được những gì bạn mong muốn, bạn không nên làm khó sếp của mình. Hãy chuẩn bị sẵn kế hoạch bàn giao công việc trong thời gian bạn nghỉ sinh.
Hãy tham khảo cách những bà mẹ khác đã làm để có được những kinh nghiệm hữu ích nhất.
Cần biết được chính xác những câu hỏi nào bạn nên tìm hiểu ở đồng nghiệp và bộ phận nhân sự về nghỉ thai sản để lên kế hoạch tốt nhất.
Theo Marrybaby.vn