Bảng quy định giờ thức dậy và đi ngủ cho trẻ theo độ tuổi
Nhiều bố mẹ bất ngờ vì trẻ cần dậy sớm và đi ngủ sớm hơn nhiều so với thói quen hiện tại.
Hôm 28/8, Stacy Karlsen, một giáo viên của trường Wilson Elementary ở Kenosha, Wisconsin (Mỹ) đã đăng trên trang cá nhân bảng thời gian thức dậy và đi ngủ theo từng độ tuổi vì cô nghĩ rằng nó sẽ giúp ích nhiều cho các phụ huynh có con đang tuổi đến trường. Nhưng chính bản thân cô giáo Karlsen cũng không thể ngờ được rằng thông tin đó đã nhận được sự quan tâm đặc biệt và có tới hơn 380.000 lượt chia sẻ.
Không chỉ với các bậc cha mẹ mà nhiều đồng nghiệp của Karlsen cũng đánh giá cao ý nghĩa của bảng quy định này. Nhiều phụ huynh còn thừa nhận rằng, trước khi xem bảng, họ chưa có quy định chính xác về giờ giấc cho con nên mỗi buổi sáng thường phải “hò như hò đò” để con không muộn giờ đến trường. Kết quả là con thì uể oải, còn bố mẹ lại có tâm lý không tốt trong buổi sáng sớm.
Thông tin về tầm quan trọng của giấc ngủ cho trẻ phát triển tốt không còn quá xa lạ với bố mẹ vì những bài viết liên quan lặp đi lặp lại trên báo chí, ti vi, mạng xã hội… Và các bác sĩ cũng luôn khuyến cáo rằng trẻ em cần được ngủ đủ giấc để phát triển toàn diện, từ cân nặng tới thể chất, cảm xúc và sức khỏe xã hội (khả năng xây dựng và duy trì các mối quan hệ xã hội). Cụ thể là trẻ trong độ tuổi 3-6 cần ngủ khoảng 10-12 tiếng mỗi ngày. Còn trẻ từ 7 tuổi đến 12 tuổi cần được ngủ 10-11 tiếng một ngày.
Thực hiện giờ giấc sinh hoạt theo bảng hướng dẫn trên sẽ đảm bảo cho trẻ đủ thời gian nghỉ ngơi để tái sản xuất sức khỏe. Còn làm thế nào để trẻ có được giấc ngủ đêm ngon lành thì theo bác sĩ nhi khoa Jennifer Shu, bố mẹ nên tạo thói quen tốt trước khi đi ngủ cho bé, chẳng hạn như thói quen 4 B’s: bathing, brushing teeth, books and bedtime (Tắm, đánh răng, đọc sách và đi ngủ).
Theo Ngôi sao