Bí quyết ăn dặm giúp trẻ khỏe mạnh, chóng lớn
Sai lầm của nhiều cha mẹ là chỉ cho trẻ nhỏ ăn thực phẩm chế biến sẵn. Chuyên gia dinh dưỡng khuyên nên sớm tập cho bé làm quen với thức ăn tươi như chuối chín, khoai lang luộc, bơ, đậu nghiền nhuyễn.
Bác sỹ Patty Lammatteo thực hiện nhiều nghiên cứu khoa học cho thấy việc tập cho trẻ nhỏ ăn thực phẩm tươi mang lại nhiều lợi ích cho sức khỏe, đặc biệt tốt cho hệ tiêu hóa. Ảnh: Kidsmebaby.
Bác sĩ Patty Lammatteo, một chuyên gia trong lĩnh vực chăm sóc dinh dưỡng cho trẻ nhỏ tại Mỹ chia sẻ trên Kidsmebaby rằng sai lầm của nhiều phụ huynh là chỉ cho con bú sữa hoặc ăn dặm với thực phẩm dạng bột, cháo đóng hộp mà không tập dùng thực phẩm tươi khi còn nhỏ. Hậu quả là hệ tiêu hóa của trẻ không được “trải nghiệm” đa dạng thức ăn và dần trở nên yếu ớt.
“Nhiều đứa trẻ lớn lên chỉ thích dùng thức ăn chế biến sẵn nghèo dinh dưỡng và quay lưng lại với thực phẩm tươi như rau, củ, quả vốn rất giàu các chất dinh dưỡng cần thiết cho cơ thể. Chưa kể thực phẩm đóng gói luôn có lượng chất bảo quản nhất định không tốt cho trẻ nếu sử dụng lâu dài”, bác sĩ khuyến cáo.
Theo bác sĩ Patty, phụ huynh có thể tập cho con làm quen với thực phẩm tươi ngay ở giai đoạn ăn dặm chứ không cần chờ đến khi bé mọc đủ răng. Chú ý dấu hiệu con muốn ngậm một thứ gì đó trong miệng tức là bé có thể bắt đầu ăn dặm được rồi. Ở giai đoạn đầu, hãy thử với các loại thức ăn dễ tiêu, giàu dinh dưỡng như chuối nghiền, khoai lang chín, bơ nghiền, đậu mềm, thịt gà luộc nguyên chất mềm… Khi con bắt đầu quá trình ăn dặm, hãy cho bé dùng cùng một loại thức ăn từ một đến hai lần trong một ngày.
Cha mẹ có thể đút cho con ăn hoặc đựng thức ăn vào một chiếc túi nhai chống hóc để bé mút giống như bú bình sữa. Khi trẻ bắt đầu quen dần và cảm thấy thú vị, hãy cho ăn thường xuyên hơn và ngồi vào bàn ăn cùng cả nhà. Giữ nhịp độ như thế cho đến khi các em có thể tự ăn bằng tay hoặc thìa, nĩa.
Cha mẹ có thể dùng muỗng đút cho trẻ ăn thực phẩm tươi nghiền nhuyễn hoặc cho vào một chiếc túi nhai chống hóc để bé tự cầm mút như bú sữa bình. Ảnh: Kidsmebaby.
Việc tập một thói quen ăn uống lành mạnh đòi hỏi phải kiên nhẫn, không nên nóng vội. Nếu trẻ chưa chịu ăn thực phẩm tươi như hướng dẫn trên, cha mẹ hãy cố gắng chờ thêm một hoặc hai tuần bởi con bạn có thể chưa sẵn sàng hoặc cần thêm thời gian để phát triển hơn một chút. Hãy tạo cơ hội cho con được chủ động hoặc thử một món khác. Nếu bạn tiếp tục cho ăn và con bạn vẫn không hứng thú hoặc không có khả năng tự nhai, hãy nói chuyện với bác sĩ chuyên khoa để được tư vấn.
Lưu ý khi sử dụng túi chống hóc nếu thấy thức ăn có vẻ khô hoặc khó thoát ra khỏi túi, hãy ngâm với một chút nước, sữa hoặc sữa công thức để làm mềm. Lúc đó thức ăn sẽ dễ thoát ra ngoài hơn. Hãy tập cho bé làm quen với thức ăn ở nhiều độ nhiệt khác nhau, có thể làm lạnh hay nóng hơn một chút. Hãy dùng mỗi loại thức ăn mới ít nhất 3 ngày trước khi chuyển sang loại khác.
Theo VNE