Bướng bỉnh là cách con trưởng thành hơn?
Con luôn thích gì làm nấy, cãi mẹ nhem nhẻm, làm nhà cửa loạn hết cả lên… đó là cách con trưởng thành và tự đứng vững?
Mẹ có muốn một đứa con lúc nào cũng ngoan, răm rắp theo lời mình không? Không, mẹ không muốn con lớn lên thành một cây Bonsai đẹp nhưng yếu ớt, còi cọc, không thể đứng vững trong gió bão.
Con mới 3 tuổi mà lắm lúc mẹ đã phát cuồng vì con thích gì làm nấy, cãi mẹ nhem nhẻm, làm nhà cửa loạn hết cả lên.
Buổi chiều đi làm về, mẹ bảo con ngồi chơi xếp hình để mẹ nấu nướng. Mải mê rửa rau, kho cá, làm nem rán, ngoảnh ra thì con mở ngăn kéo, lôi ra một đống lọ gia vị, nào xúp nào muối, lấy tay chấm mút.
Giờ ăn, bố mẹ chấm nem vào nước mắm cay xè, con nhất quyết phải chấm cho bằng được. Bố bảo cứ cho con thử, mẹ không cho vì sợ con lại khóc lóc ầm ĩ vì cay. Con cứ đi lòng vòng quanh mâm, đòi lao vào chấm. Mẹ lại càu nhàu, con với cái, đến là mệt, bữa ăn cũng không được yên.
Ăn cơm xong, mẹ cho con chơi với bố để ngồi gập quần áo. Trong lúc bố mải xem tivi, con chạy lại đống đồ mẹ gập, leo lẻo cái miệng “cho con gập với”, hậu quả là đống đồ mẹ vừa xếp gọn gàng bị xới tung, mỗi nơi một thứ. Bế con lại giao cho ba “canh giữ”, mẹ phải ngồi gập lại đống đồ.
Giờ đi ngủ, đọc hết bộ 10 cuốn nhỏ rồi, mắt mẹ đã díp hết cả lại mà con vẫn “đọc tiếp”, “đọc tiếp” mẹ ơi, bảo thế nào cũng không được. Mẹ lại hét lên, con lại khóc, 10h đêm cả nhà vẫn ầm ĩ chiến sự.
Con ngủ rồi mà mắt vẫn còn đẫm nước, cái miệng bé xíu hồng hồng thì bĩu lên, bướng bỉnh. Nhìn con ngủ mẹ mới nhận ra, nguyên nhân những trận chiến giữa hai mẹ con ta không chỉ vì con bướng, con lì, con chỉ thích làm theo ý mình mà chính mẹ cũng vậy, mẹ muốn con làm theo ý mình. Cứ nghe lời mẹ, làm theo mọi điều mẹ nói, không làm phiền nhiễu mẹ, sẽ được gọi là ngoan.
Nhưng liệu mẹ có muốn một đứa con lúc nào cũng răm rắp nghe lời mình, bảo gì nghe nấy, không chính kiến, không lập trường không? Không, chắc chắn là không.
Có một điều mâu thuẫn mà chính mẹ cũng như nhiều ông bố bà mẹ khác thường mắc phải. Khi còn nhỏ, chúng ta muốn con cái nghe theo lời mình, làm những điều mà bố mẹ chỉ bảo, không phản kháng, không cãi cọ. Thế rồi, đến lúc con tự mình bước ra cuộc đời, ta lại muốn con mình tự lập, tự quyết định và tự chịu trách nhiệm về cuộc đời mình. Như thế, chẳng khác gì mong con bơi giỏi, thả chúng ra biển lớn, trong khi chẳng bao giờ dạy con cách bơi.
Thạc sĩ Trần Thị Ái Liên từng so sánh đứa trẻ bị uốn nắn làm theo mọi điều bố mẹ yêu cầu, bất chấp sở thích, lập trường của nó như một cây Bonsai. Con sẽ có hình dáng đẹp, nhưng theo khuôn mẫu, còi cọc và yếu đuối. Nhưng rõ ràng con cũng không thể là cái cây mọc trong rừng, phát triển tự do thế nào cũng được.
Con mình nên được lớn lên giống như một cái cây trong vườn quốc gia, có không gian, môi trường tốt để phát triển, phát huy hết khả năng, sở trường của mình, mà không bị nguy hiểm.
Thế thì, trong chừng mực nào đó, hãy để con làm những điều con muốn: cho con chọn sẵn quần áo từ tối hôm trước, gõ nhạc trên nồi niêu miễn là con sẽ cất lại như cũ sau khi chơi xong, học cách gập quần áo dù lúc đầu sẽ phá tung đống đồ mẹ gập, thử ăn món nước chấm cay xè để rồi lần sau không bao giờ dám khóc đòi nữa…
Bởi vì nếu con được lựa chọn, được làm theo ý mình, được trải nghiệm, để rồi chịu trách nhiệm, nhận kết quả về hành vi của mình, trong chừng mực không gây nguy hiểm cho con và ảnh hưởng đến người khác, là cách con lớn lên, tự đứng vững trên chân của mình để bước ra cuộc đời.
Theo Hanhphucgiadinh