Cần phải làm gì cho trẻ sau khi sinh
Mẹ bầu cần chuẩn bị danh sách những việc cần làm sau sinh để chăm sóc con tốt nhất có thể mà không bị lúng túng, bỡ ngỡ.
Ngay sau khi sinh
Sau khi sinh bé sẽ được làm rốn, tiêm ngừa xuất huyết não bằng vitamin K1 và ủ ấm bằng hơi ấm của mẹ, bú sữa mẹ. Sang những ngày tiếp theo bé được bú sữa mẹ hoàn toàn ngày đêmvà theo nhu cầu của bé. Thời gian trung bình giữa hai lần bú cách nhau từ 2 – 2,5 giờ.
24 giờ sau sinh, rốn của bé để hở hoàn toàn mà không cuốn băng để giúp rốn mau khô và tránh nhiễm trùng. Phơi nắng sớm cho trẻ và ủ ấm cho bé ở nhiệt độ thích hợp là 27 – 280C. Cần quan sát bé khi ngủ và để bé nằm trong tư thế ngủ thoải mái nhất bằng cách cho bé nằm ngửa cạnh mẹ.
Bé tiếp tục được tiêm ngừa lao và viêm gan siêu vi B. Đến ngày thứ 3 trở đi bé được lấy máu gót chân, để tầm soát hai bệnh lý dễ mắc phải, đó là suy giáp trạng bẩm sinh và thiếu men G6PD.
Ảnh minh họa
Ngày thứ 4 trở đi từ khi sinh, nếu xuất hiện hiện tượng vàng da ở bé thì cần báo bác sĩ để được theo dõi. Đối với bé gái, bộ phận sinh dục ngoài có ra huyết đỏ sậm loãng thì chớ lo lắng quá, đấy là điều khá bình thường bởi do nội tiết tố được truyền từ mẹ qua bé.
Đối với trẻ hơn nửa tháng trở đi từ khi sinh
Bổ sung vitamin D cho trẻ sơ sinh
Khi mới sinh khoảng nửa tháng, các bác sĩ khuyên nên cho bé uống mỗi ngày 400 đơn vị quốc tế vitamin D.
Lý do đưa ra là bởi vì cơ thể bé dưới 6 tháng tuổi có ít cơ hội để tiếp xúc với ánh nắng mặt trời vì thế khả năng tổng hợp vitamin D sẽ rất kém. Chính vì thế nên bé cần được bổ sung vitamin D bằng đường uống nhằm củng cố và bổ sung, nuôi dưỡng xương cốt của trẻ, hỗ trợ cho việc phòng ngừa bệnh ung thư và tiểu đường.
400 đơn vị quốc tế vitamin D được chứa chỉ trong 1 giọt, mẹ bé chỉ cần nhỏ trực tiếp vào miệng bé là được. Nếu pha lẫn với sữa để cho bé uống thì khả năng không hấp thụ được hết rất cao bởi chưa chắc bé đã uống hết sữa.
Cắt móng tay cho trẻ sơ sinh
Nhiều người ngại cắt móng tay cho trẻ bởi suy nghĩ sợ làm tổn thương ngón tay nhỏ xíu ấy nhưng nếu không cắt, móng tay dài ra dễ khiến trẻ bị thương khi tay chân trẻ cùa quạng chưa ý thức được.
Muốn cắt móng tay cho trẻ cũng phải cẩn thận, sử dụng chiếc kéo hoặc chiếc bấm móng chuyên dụng cho trẻ con, dụng cụ phải thật sạch. Đợi khi bé ngủ rồi cắt theo độ cong của móng, mài dũa lại mịn màng, cẩn thận, tuyệt đối không được để móng có góc cạnh hoặc sắc nhọn.
Đọc truyện
Tuy ở thời điểm này khả năng nhận thức của trẻ còn chưa rõ nhưng một điều đặc biệt là trẻ dễ bị thu hút bởi giọng nói và khuôn mặt của bạn. Đây chính là điểm gây hứng thú nhất với trẻ.
Hãy vừa ôm trẻ vừa đọc truyện, hoặc nói chuyện, thủ thỉ cùng trẻ. Khả năng nhận thức của trẻ sẽ sớm được khai sáng.
Tắm cho trẻ
Không nhất thiết ngày nào cũng phải tắm cho trẻ, mẹ bầu cũng có thể dùng khăn xô thấm nước ấm rồi lau cổ, khu vực đóng bỉm và những chỗ bẩn của bé. Lưu ý trước khi tắm cho bé thì cần phải chuẩn bị hết mọi thứ đặt trong tầm tay với, tay còn lại bế bé. Điều này nhằm không làm ngắt quãng thời gian tắm khiến bé bị hụt, bị lạnh. Vừa tắm cho bé vừa trò chuyện giúp bé tận hưởng thời gian tắm nhẹ nhàng nhất.
Để trẻ nằm ngủ nghiêng
Tập cho trẻ nằm nghiêng từ khi còn trong nôi nhằm ngăn ngừa hội chứng đột tử và nghẹt thở ở trẻ sơ sinh.
Tập cho trẻ nằm sấp
Khi bé được 3 tuần tuổi thì mỗi ngày bé nên được nằm sấp 1 lúc để tăng cường lực ở cổ và thân trên cũng như tăng cường lực cho cánh tay của bé. Nằm sấp cũng giúp giảm bớt áp lực cho não sau, ngăn ngừa đầu phẳng. Lưu ý điều này chỉ được thực hiện khi thể trạng bé khỏe mạnh mà không ho, ốm. Nếu bé chưa muốn nằm sấp hoặc tỏ ra khó chịu khi nằm sấp thì mẹ bé không nên ép và từ từ thực hiện theo từng ngày một. Thời gian nằm sấp của bé được chia nhỏ trong 1 ngày và tổng thời gian lag 60 phút.
Theo Tú Liên / Gia Đình Việt Nam