Chăm sóc giấc ngủ trẻ sơ sinh: 9 sai lầm phổ biến nhất!
Ngoài ăn, phần lớn thời gian trong ngày trẻ sơ sinh đều dành để ngủ. Giấc ngủ có ảnh hưởng lớn đến sức khỏe, cũng như sự phát triển thể chất của bé. Tuy nhiên, không phải mẹ nào cũng biết cách chăm sóc giấc ngủ trẻ sơ sinh đúng cách. Thậm chí, nhiều mẹ còn thường xuyên mắc những sai lầm sau
Ngoài một chế độ dinh dưỡng hợp lý, chăm sóc giấc ngủ trẻ sơ sinh cũng là vấn đề quan trọng mẹ cần quan tâm. Vì giấc ngủ sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe, cũng như sự phát triển của trẻ. Hơn nữa, nếu bé ngủ không ngon, không đủ giấc sẽ làm suy giảm hệ miễn dịch, tăng nguy cơ mắc bệnh.
Dưới đây là 9 sai lầm phổ biến của các mẹ khi chăm sóc giấc ngủ trẻ sơ sinh. Tham khảo và kiểm tra xem mình có đang mắc phải lỗi nào không, mẹ nhé!
Giấc ngủ rất quan trọng đối với sức khỏe của trẻ sơ sinh
1/ Bỏ qua những thói quen cần có trước khi đi ngủ
Thử tưởng tượng, bạn vừa mới ăn no, hoặc mới tắm xong nhưng lại bị ép lên giường đi ngủ. Đừng nói những nhóc quậy, ngay cả những bé hiền lành nhất cũng có thể sẽ khó chịu. Chính vì vậy, thói quen trước khi đi ngủ rất quan trọng. Đây sẽ là bước chuyển giúp bé chuẩn bị tinh thần để “vào giường”. Hơn nữa, những thói quen này cũng là cách tốt để mẹ và bé tăng cường thêm tình cảm.
Tốt nhất, 1 tiếng trước giờ muốn bé đi ngủ, mẹ nên bắt đầu những hành động quen thuộc như: đọc sách cho trẻ, hát ru, thay tã hoặc lau người cho bé…
2/ Lịch ngủ lộn xộn
Không chỉ chăm sóc giấc ngủ trẻ sơ sinh, trong cả hành trình nuôi dạy trẻ, tính nhất quán luôn là “chìa khóa” quan trọng nhất. Ngủ đúng và đủ giờ sẽ giúp điều tiết hóc-môn theo đúng chu kỳ, đảm bảo sức khỏe của bé.
Chia thời gian ngủ cho bé, tránh mỗi ngày mỗi kiểu làm giờ sinh hoạt của bé bị lệch. Tùy theo thời gian bé ngủ vào buổi trưa, mẹ nên điều chỉnh thời gian ngủ buổi tối cho phù hợp nhất.
Lưu ý: Đồng hồ sinh học của trẻ sơ sinh vận hành theo đúng lịch trình. Dù mẹ cho bé ngủ vào giờ nào, sáng hôm sau bé cũng vẫn sẽ thức giấc. Vì vậy, mẹ nên tránh cho bé ngủ muộn vào buổi tối, sẽ làm bé thêm cáu gắt, mệt mỏi vào ngày hôm sau.
3/ Bỏ qua dấu hiệu buồn ngủ của trẻ
Ngáp, dịu mắt, trở nên chậm chạp hơn là dấu hiệu cho thấy trẻ sơ sinh đang buồn ngủ. Tuy nhiên, nhiều mẹ lại vô tình bỏ lỡ những tín hiệu này và không cho bé ngủ theo nhu cầu. Hệ quả, cơ thể sẽ sản sinh hormone gây khó ngủ, làm trẻ dễ cáu gắt, khó chịu.
4/ Cho bé ăn quá no trước khi ngủ
Sợ con đói sau một giấc ngủ dài nên nhiều mẹ có thói quen cho con ăn thật no trước khi ngủ. Thực tế, thói quen này chỉ làm bé thêm khó ngủ. Hơn nữa, khi ăn quá no, bé sẽ không kịp tiêu hóa hết thức ăn, dẫn đến đầy hơi, khó tiêu.
5/ Không để ý đến tư thế ngủ của trẻ
Với tư thế nằm ngửa, mũi của trẻ sẽ hướng lên, không bị vật xung quanh bé ảnh hưởng hay cản trở. Tuy nhiên, nếu nằm ngửa trong một thời gian dài sẽ ảnh hưởng đến dáng đầu của trẻ, có thể làm đầu trẻ bị méo. Hơn nữa, nếu trẻ bị nghẹt mũi, nằm ngửa cũng sẽ làm trẻ khó thở hơn.
Nằm sấp là tư thế yêu thích của nhiều trẻ, đồng thời cũng tạo điều kiện giúp trẻ nhanh biết lẫy, biết bò. Nhược điểm của tư thế này là dễ làm bé bị ngạt, nghẹt thở. Trong khi đó, nằm nghiêng sẽ ăn toàn hơn cho hệ hô hấp của trẻ, nhưng cũng dễ làm ảnh hưởng đến tai.
Mỗi tư thế nằm có ưu, khuyết điểm riêng. Tùy hoàn cảnh, mẹ có thể điều chỉnh tư thế ngủ của bé cho phù hợp.
6/ Quá nhiều “đồ thừa”
Dùng quá nhiều chăn, gối không giúp bé ngủ ngon hơn. Ngược lại còn làm bé cảm thấy bi bức, khó chịu. Đồng thời, đây cũng là một trong những nguyên nhân hàng đầu làm trẻ bị ngạt trong lúc ngủ. Gấu bông, đồ chơi cũng là những “đồ thừa” mẹ cần loại bỏ khỏi giường ngủ của trẻ sơ sinh.
7/ Thói quen bạ đâu ngủ đó
Một bên là giường, một bên là ghế salon, mẹ nghĩ bên nào sẽ dễ chịu hơn? Thực tế, trừ những giấc ngủ ngắn, các chuyên gia khuyến cáo mẹ nên cho bé ngủ đúng nơi để bé ngủ ngon và sâu hơn. Việc cho bé nằm đâu ngủ đó cũng sẽ ảnh hưởng xấu đến sự phát triển xương, đồng thời tăng nguy cơ đột tử trẻ sơ sinh.
8/ Rung lắc trẻ khi ngủ
Hầu hết trẻ sơ sinh đều thích được bế, được đung đưa trong lúc ngủ. Tuy nhiên, hành động rung lắc trẻ quá nhiều có thể gây ảnh hưởng nghiêm trọng lên não bộ. Thậm chí có thể dẫn đến những chấn thương suốt đời như mù, liệt. Hơn nữa, trẻ thường xuyên được đung đưa sẽ trở nên phụ thuộc, hình thành thói quen ỷ lại vào cha mẹ.
9/ Mở rộng “địa bàn” quá sớm
Cùng với sự lớn lên từng ngày của bé, mẹ cảm thấy chiếc cũi đã trở nên quá chật chội? Đừng vội mẹ nhé! Theo khuyến cáo, mẹ chỉ nên cho bé chuyển từ cũi sang giường trẻ em khi bé đã có thể tự mình leo ra khỏi cũi.
Thay đổi đột ngột khi bé chưa sẵn sàng sẽ làm bé lạ lẫm và trở nên khó ngủ hơn. Tốt nhất, mẹ nên cho bé làm quen từ từ. Tháo bớt một bên rào của cũi, đặt giường mới có độ cao vừa tầm bên cạnh. Cách sắp xếp này giúp bé “thân thiết” với “ổ” mới nhanh hơn. Mẹ nhớ rào quanh giường để đảm bảo bé không lăn xuống đất nhé!
Theo Marrybaby