Chiêu trả lời các câu hỏi của bé về Tết

 Trong mắt trẻ, Tết là một dịp lễ rất kỳ diệu vì các bé vừa được nghỉ học, được bố mẹ mua sắm quần áo Tết và còn tha hồ vui chơi nữa chứ. Với các bé nhỏ, các bé sẽ đưa ra rất nhiều câu hỏi ngộ nghĩnh khiến mẹ phải đau đầu, hãy cùng Yahoo tham khảo các tuyệt chiêu trả lời sau nhé:

 

“Mẹ ơi, vì sao Tết gọi là Tết hả mẹ?”

Tết có nguồn gốc từ chữ “Tiết” đó con, nghĩa là mùa. Một năm sẽ có 4 mùa là Xuân, Hạ, Thu, Đông tương ứng với thời tiết ấm áp, nóng nực, mát mẻ và lạnh. Khi hết 4 mùa thì chúng ta sẽ chuyển sang năm mới, nghĩa là con sẽ lớn hơn một tuổi. Để chúc mừng một năm mới bắt đầu, chúng ta mới có Tết – là dịp để mọi người trong gia đình nghỉ ngơi, vui chơi vào chào đón năm mới.

“Mẹ ơi, sao mình phải dọn dẹp nhà cửa đón Tết, con thấy Trung Thu cũng vui vậy mà mình không cần dọn dẹp?”

Khác với Trung Thu diễn ra ở trong năm, Tết là để mọi người mừng năm mới. Trong những ngày Tết, cả nhà chúng ta sẽ đi thăm ông bà nội, ông bà ngoại, rồi mọi người lại đến nhà chúng ta chơi. Chúng ta cần dọn dẹp nhà cửa sạch sẽ để đón khách nè. Ngoài dọn dẹp thì truyền thống Tết của chúng ta còn có trang trí hoa mai, hoa đào, mâm trái cây, chữ thư pháp để nhà mình thêm đẹp và cũng để hi vọng năm sau có thêm nhiều điều tốt đẹp đến với gia đình mình.

 

“Mẹ ơi, sao mâm trái cây chỉ có năm loại quả mà không phải sáu ạ? Nhà mình chỉ có 4 người thôi mẹ ơi

Mâm ngũ quả không phải tượng trưng cho số người trong gia đình mình đâu con yêu ạ!. Trong các vật phẩm cúng tết không thể thiếu Mâm Ngũ Quả. Mâm Ngũ Quả gồm năm loại trái cây thể hiện năm màu (đen – đỏ – xanh – trắng – vàng) tượng  trưng cho năm hành cấu tạo nên vũ trụ Thủy – Hỏa – Mộc – Kim – Thổ. Năm lọai quả màu sắc khác nhau tạo nên mâm ngũ quả xum xuê, tượng trưng cho ước vọng gia đình bước sang năm mới được no đủ và sung túc. Hơn nữa, mâm ngũ quả thể hiện ngũ hành linh thiêng trên bàn thờ giữa nhà còn có sức mạnh bảo vệ gia đình mình được bình an trong những ngày lễ tết và suốt cả năm.

Mẹ ơi, mẹ nói mình cúng ông Táo, ông Táo là ông bán táo hả mẹ? Mà sao ông bán táo lại đi bằng cá chép chứ không phải bằng xe máy ạ?

Đây là một tập tục lâu đời của người Việt mình để tiễn ông Táo về trời đó con. Ông Táo chính là vị thần cai quản bếp núc, giữ gìn sự đầm ấm của gia đình, phù hộ cho gia đình mình có những bữa cơm nóng ngon. Thường vào dịp cuối năm, ông Táo sẽ cưỡi cá chép bay về trời để báo cáo với ông trời – Ngọc Hoàng về tình hình ở trần gian, cả tình hình nhà mình nữa. Do đó, vào ngày ông đi, nhà mình sẽ cúng ông và đi thả cá chép để giúp ông bay về trời dễ hơn. Con biết điều kỳ diệu là khi vượt qua cổng trời, cá chép sẽ hóa thành con rồng đó con.

 

Mẹ ơi, sao bạn Mai nói Tết bạn chỉ đi siêu thị mua bánh chưng với mẹ thôi, chứ không cần phải nấu. Sao mình không mua mà lại phải tự nấu vậy mẹ?

Nấu bánh chưng là truyền thống Tết của người Việt mình con ạ. Vào đêm cuối cùng của năm, mẹ muốn cả nhà mình cùng ngồi với nhau và cùng nấu bánh chưng. Bánh mà cả nhà mình làm ra hẳn phải ngon hơn bên ngoài chứ vì mỗi người trong gia đình mình đều có công làm nên bánh mà. Mẹ sẽ chuẩn bị các vật liệu nấu bánh, con sẽ giúp mẹ múc nếp bỏ vào khuôn, ba sẽ nhóm lò và gói bánh. Trong lúc chờ bánh chín, cả nhà mình sẽ ngồi chơi với nhau, trò chuyện và canh chừng lửa. Khi giao thừa vừa đến, cả nhà mình sẽ lấy bánh vừa chín ra để cúng rồi ăn thử. Năm nay con đã lớn, mẹ sẽ hướng dẫn con làm một cái bánh chưng mini để con khoe với ông bà nha!.


Hải Yến
Theo Yahoo

Có thể bạn muốn xem

Cha mẹ vất vả với “tuổi nói không” của con

Sau đây là 1 vài bí quyết giúp cha mẹ sẵn sàng “nói có”. Không...
Xem thêm

Dạy bé sử dụng nước thông minh

Dân số loài người hiện nay (chưa kể các sinh vật khác nữa) chắc hẳn...
Xem thêm

Trò chơi dạy con cách lắng nghe

Lắng nghe là một nghệ thuật đang dần bị mai một, không chỉ trẻ em...
Xem thêm

Mẹ nghỉ ngơi, bé chơi vui

Bọn trẻ con thật đáng yêu, nhưng nhiều khi bạn cũng kiệt sức vì phục...
Xem thêm
Hotline
Nhắn tin Zalo
Nhắn tin facebook
button