Cho con thức khuya có hại như thế này mà chẳng bố mẹ nào chịu thay đổi
Mới đây, một nghiên cứu chụp cắt lớp não đã cho thấy rằng mức độ tổn hại não ở trẻ em do thức khuya, thiếu ngủ nguy hiểm hơn nhiều so với những gì chúng ta từng biết.
Các nhà khoa học từ lâu đã cảnh báo rằng tất cả chúng ta cần phải có một giấc ngủ kéo dài ít nhất 8 giờ đồng hồ, kể cả người lớn, để ngăn ngừa sự tổn hại ở vùng não trước – nơi chịu trách nhiệm lưu trữ thông tin, trí nhớ. Thế nhưng không dừng lại ở đó, một nghiên cứu mới được thực hiện bởi Bệnh viện Đại học Zurich đã phơi bày những thiệt hại do thiếu ngủ, ảnh hưởng đáng kinh ngạc đến tất cả các vùng não bộ đang phát triển của trẻ em. Đặc biệt, các nhà nghiên cứu còn thấy được những tổn hại đáng kể ở vùng não sau – nơi chịu trách nhiệm cho những hoạt động có chủ đích, lý luận về không gian và sự tập trung.
Salome Kurth – tác giả cuộc nghiên cứu được xuất bản trên Frontiers in Human Neuroscience – đồng thời là nhà nghiên cứu ở Bệnh viện Đại học Zurich đã cảnh báo những thương tổn này tuy không thể hiện ngay nhưng sẽ có ảnh hưởng lâu dài. “Trong thời thơ ấu, quá trình ngủ có thể đóng vai trò trong sự hình thành các mối nối của não, từ đó ảnh hưởng đến sự tăng trưởng của não. Nghiên cứu này cho thấy ngủ đủ giấc rất cần thiết cho sự phát triển vùng não phía sau của trẻ em”, Kurth giải thích.
Khi ngủ trễ, cả người lớn và trẻ em cần một khoảng thời gian ngủ sâu để phục hồi. (Ảnh: Internet)
Khi ngủ trễ, cả người lớn và trẻ em cần một khoảng thời gian ngủ sâu để phục hồi. Giai đoạn phục hồi này được quyết định bởi sự gia tăng của các sóng điện trong não được gọi là hoạt động “slow-wave” (sóng chậm), có thể đo được bằng kĩ thuật điện não đồ. Được sự hỗ trợ của nhóm sinh viên, Kurth và các cộng sự như Giáo sư Monique LeBourgeois đến từ Đại học Colorado Boulder, Giáo sư Sean Deoni đến từ Đại học Brown, đã nghiên cứu về những ảnh hưởng của sự thiếu ngủ trong một nhóm 13 trẻ có độ tuổi từ 5 đến 12.
Đầu tiên, các nhà nghiên cứu tính toán giai đoạn ngủ sâu trong một giấc ngủ buổi tối bình thường của trẻ. Sau đó, họ tìm cách cho trẻ thức qua giờ ngủ bằng cách đọc sách hay chơi trò chơi nào đó, rồi tính toán và đánh giá lại kết quả. Sau khi chỉ được ngủ một nửa giấc ngủ buổi tối, não bộ của nhóm trẻ em được nghiên cứu đã xuất hiện hoạt động sóng chậm nhiều hơn ở vùng đỉnh chẩm. Điều này cho thấy rằng các mạch máu não ở những khu vực này có thể đặc biệt nhạy cảm với sự thiếu ngủ.
Nhóm nghiên cứu cũng đo lường sự tương quan giữa giấc ngủ sâu với lượng myelin của não – nền tảng cho sự phát triển của não. Myelin là một vi cấu trúc béo trong chất trắng của não bộ, cho phép thông tin điện giữa các tế bào não di chuyển nhanh hơn. Nó có thể được đo bằng kỹ thuật chụp cộng hưởng. “Kết quả cho thấy rằng những ảnh hưởng lên não do mất ngủ là khác nhau đối với từng khu vực nhất định, và điều này tương quan với lượng myelin trong các khu vực liền kề: càng nhiều myelin trong một khu vực cụ thể, càng có nhiều ảnh hưởng”, Kurth chia sẻ.
Nhưng cũng có thể những ảnh hưởng này là tạm thời và chỉ xảy ra trong giai đoạn “nhạy cảm” khi não trải qua những thay đổi phát triển. Cần phải có nhiều nghiên cứu hơn trước khi rút ra kết luận rằng việc thiếu ngủ ảnh hưởng lâu dài đến quá trình phát triển não sớm. Nhưng hiện nay, các kết quả trên đây gợi ý rằng đi ngủ quá muộn có thể tác động đến não của trẻ em nhiều hơn với người lớn.
Theo Afamily