Chữa ngọng thành công cho trẻ bị rối loạn phát âm
Thính lực bình thường nhưng phát âm ngọng khó nghe, bé Bo thường bị các bạn trong lớp chọc ghẹo.
Đến Bệnh viện Nhi đồng 1 (TP HCM) lúc hơn 6 tuổi, học lớp 1, tình trạng phát âm của Bo rất tệ. Các phụ âm đầu thì hoàn toàn xem như mất, ví dụ “châu” thì bé nói thành “âu”, hoặc chuyển thành âm khác như “tay” thành “cay”. Có lúc từ bị phát âm móp méo như “bò” thành “moe”. Được chẩn đoán là rối loạn âm lời nói, Bo bắt đầu hành trình điều trị tập chỉnh âm.
“Mong muốn có một toa thuốc cho Bo uống vài ngày hay vài tuần, thậm chí vài tháng để có thể nói rõ ràng ngay”, mẹ bé Bo chia sẻ. Bác sĩ âm ngữ trị liệu giải thích kết quả lượng giá lời nói của bé, tư vấn kỹ thuật điều trị, mẹ Bo lên tinh thần cho công cuộc “gian nan” lâu dài.
Sau mỗi tháng điều trị tập nói và tập chỉnh âm, Bo tiến bộ dần. Phương pháp và kỹ thuật tập cũng thay đổi theo sự tiến bộ của bé. Hiện nay Bo 7 tuổi và học lớp hai. Sau 8 tháng kiên trì điều trị, bé có lời nói rõ ràng, không còn nói kiểu mất, thay hoặc móp méo phụ âm như trước đây nữa.
Chuyên viên âm ngữ trị liệu Hoàng Văn Quyên, Bệnh viện Nhi đồng 1 cho biết gần đây bệnh viện tiếp nhận rất nhiều trường hợp trẻ có rối loạn âm lời nói (nói ngọng) đến khám và điều trị chỉnh âm. Theo thống kê năm 2015, tại bệnh viện có 1.458 trẻ gặp vấn đề về nghe – nói, ngôn ngữ và giao tiếp đến khám và điều trị âm ngữ trị liệu. Trong đó 364 trẻ bị rối loạn âm lời nói.
“Nói ngọng ở trẻ em có thể điều trị khỏi hoàn toàn bằng phương pháp âm ngữ trị liệu chỉnh âm nếu trẻ được tiếp cận sớm và đúng chuyên khoa”, ông Quyên nhấn mạnh. Trẻ đến khám được các chuyên viên âm ngữ trị liệu lượng giá lời nói từ đơn của trẻ thông qua bộ công cụ để lượng giá từ đơn bằng hình ảnh. Từ kết quả lượng giá, mỗi trẻ được áp dụng kỹ thuật điều trị chỉnh âm một cách phù hợp, hiệu quả và tối ưu nhất.
Theo VNE