Dạy con cách xử trí khi đi lạc

Lạc con lạc mẹ là một trong những cơn ác mộng lớn nhất của các bậc phụ huynh. Bạn rất dễ lạc con trong đám đông, trong những nơi như trung tâm thương mại, công viên giải trí, bến tàu xe… Lý tưởng nhất là mỗi người lớn chỉ chịu trách nhiệm và luôn theo sát 1-2 đứa trẻ, nhưng thực tế điều này không phải dễ. Điều tốt nhất bạn có thể làm là dạy cho con những kỹ năng an toàn để kể cả khi trường hợp xấu xảy ra, bé vẫn không hoảng loạn và có thể xử trí đúng.

Dạy con cách nhờ giúp đỡ:

Nguyên tắc “Không nói chuyện với người lạ” có thể khá nguy hiểm, nó có thể làm cho con bạn ngần ngại, không dám nhờ giúp đỡ trong khi bản thân bé không tự xoay sở được. Đã có trường hợp người ta phải mất 4 ngày đêm mới tìm thấy một đứa bé chỉ vì bé đã cố gắng trốn tránh đội tìm kiếm. Thay vào đó, bạn hãy cho con chỉ dẫn cụ thể hơn: con nên tìm đến ai để nhờ giúp đỡ và nên nói như thế nào? Hãy dặn con tìm đến những người có mặc đồng phục, đeo bảng tên (bạn nên chỉ cho bé thấy để dễ nhớ) đó là những người làm việc tại công viên hay cửa hàng… Bé cũng có thể tìm công an, bảo vệ của trung tâm hay bà mẹ có con nhỏ để nhờ giúp.

Về phía bố mẹ, bạn cũng cần nhanh chóng đi nhờ giúp đỡ khi không tìm thấy con. Nếu nghi ngờ con mình đã bị ai đó bắt đi, hãy báo công an ngay lập tức!

Dạy con: bé có thể tin tưởng ai khi bị lạc (Ảnh: Getty Images)

Dạy con cảnh giác và từ chối:

Dạy con kỹ năng này đòi hỏi thời gian và sự khéo léo của bạn, bởi nó có vẻ mâu thuẫn với một số cách ứng xử trong những tình huống thông thường.

Tuy vậy, bạn cũng đừng quá căng thẳng. Không phải trẻ con là không biết gì đâu, đôi khi chúng có thể cảm nhận được nguy hiểm từ người lạ. Bạn hãy bảo với con nếu bé cảm thấy không thoải mái với người lớn nào đó, bé hoàn toàn có thể từ chối sự giúp đỡ của họ. Dặn con cẩn trọng với những người cứ dụ cho bé ăn quà, cho quà, hay nhờ bé giúp làm gì đó – bởi người lớn thường sẽ chỉ nhờ một người lớn khác giúp mình. Bạn hãy dặn con giữ khoảng cách với người đó, đồng thời thu hút thật nhiều sự chú ý của những người lớn khác vào mình; bé cũng có thể bỏ chạy – luôn chạy về hướng đông người, sáng sủa, quang đãng.

Bạn hãy dựng những tình huống mà con có thể gặp phải khi đi lạc một mình, chẳng hạn như bé không biết đường hoặc có người lạ đề nghị chở bé về… Đây là cách giúp con tập luyện trước để có thể đưa ra được những lựa chọn đúng trong trường hợp thật sự bị lạc.

Những thông tin con cần nhớ:

Bạn có thể dạy con nhớ tên tuổi, địa chỉ, điện thoại của bạn để liên lạc; tuy nhiên không nên trông cậy hoàn toàn vào trí nhớ của một đứa trẻ, nhất là khi bé đang hoảng sợ. Hãy luôn để con đem theo bên mình một mảnh giấy ghi tên và số điện thoại của bạn và của một người thân khác có thể liên lạc trong trường hợp khẩn cấp. Nhắc con nhớ rằng tờ giấy này bé phải cất kỹ và chỉ đưa cho người có trách nhiệm, có thể giúp bé. Về phần bạn, hãy đặt mức chuông điện thoại cao một chút để bạn có thể nghe thấy trong đám đông.

Nếu con bạn đã lớn một chút, hãy định ra một nơi để tập trung lại trong trường hợp bị lạc nhau. Địa điểm này nên dễ tìm, dễ đến (có thể ở quầy hướng dẫn, quầy thu ngân siêu thị…) Và không phải là thừa đâu nếu mỗi khi đến nơi công cộng, bạn đều lặp lại công đoạn định địa điểm này. Nếu con bạn còn nhỏ, hãy dặn bé đứng yên tại chỗ và chờ. Cho con biết rằng bạn sẽ đi tìm nếu bé bị lạc, nên bé cần đứng nguyên tại chỗ để bạn có thể tìm thấy thay vì cố gắng đi tìm bạn.

Công cụ hỗ trợ:

Đưa cho con một cái còi hay một dụng cụ tạo tiếng ồn để khi bị lạc, bé có thể dùng nó để tạo tín hiệu về vị trí của mình, giúp bạn tìm kiếm dễ hơn. Nếu con bạn đã lớn một chút, hãy trang bị cho bé một chiếc điện thoại để nếu bé bị lạc thì có thể gọi cho bạn hay người thân trong gia đình. Hướng dẫn con cách gọi đến những số điện thoại khẩn cấp (cảnh sát, cứu thương) nếu cảm thấy mình đang gặp nguy hiểm. Nhiều loại điện thoại còn có chức năng định vị, cũng có thể giúp bạn được khá nhiều.

Bạn hãy cố gắng giữ bình tĩnh, đừng phát hoảng lên (Ảnh: Getty Images)

Bạn đừng phát hoảng lên khi con bị lạc, và dạy bé cũng làm như vậy. Giữ bình tĩnh là điều quan trọng nhất. Phát hoảng lên sẽ khiến bạn đưa ra những quyết định không tốt và có thể làm cho tình huống trở nên xấu hơn đi. Hãy càng sớm càng tốt, tìm đến những người có trách nhiệm như quản lý quầy hàng hay bảo vệ, và bình tĩnh cung cấp cho họ những thông tin mô tả, tên, tuổi, nơi cuối cùng bạn thấy bé… Luôn giữ trong ví ảnh gần nhất của con để việc tìm kiếm dễ dàng hơn. Ngoài ra, nếu có thể thì hãy cho con mặc quần áo sáng màu, dễ thấy khi đến nơi đông người.

Điều cuối cùng, bạn hãy nhớ rằng: mặc dù bạn rất hoảng sợ, thậm chí hết cả hồn vía khi con đi lạc nhưng sau đó đừng mắng mỏ, nhiếc móc con. Đi lạc không phải là tội. Tuy nhiên, bạn cần thiết phải cho con biết việc đó nguy hiểm thế nào và dặn con thật chú ý trong lần sau, và nhớ dạy lại cho con những kỹ năng an toàn nữa nhé!

Nguồn: Webtretho (tổng hợp)

 

.itemComment{ border-bottom: 1px dotted #cccccc; margin-top: 10px; } #listComment{ margin-bottom: 20px; }

Có thể bạn muốn xem

Cha mẹ vất vả với “tuổi nói không” của con

Sau đây là 1 vài bí quyết giúp cha mẹ sẵn sàng “nói có”. Không...
View more

Dạy bé sử dụng nước thông minh

Dân số loài người hiện nay (chưa kể các sinh vật khác nữa) chắc hẳn...
View more

Trò chơi dạy con cách lắng nghe

Lắng nghe là một nghệ thuật đang dần bị mai một, không chỉ trẻ em...
View more

Mẹ nghỉ ngơi, bé chơi vui

Bọn trẻ con thật đáng yêu, nhưng nhiều khi bạn cũng kiệt sức vì phục...
View more