Dạy con lễ phép

Để dạy con biết lễ phép, nhiều bậc cha mẹ đã áp dụng phương pháp thưa dạ khi nói chuyện với bé tạo không gian cởi mở, gần gũi và thiết thực với trẻ.

 

Học từ điều đơn giản

Tình cờ ở siêu thị, bạn thấy một gia đình nhỏ đang đi mua sắm, trong khi người mẹ đang chăm chú chọn đồ thì người bố đi cùng với cô con gái nhỏ 4 tuổi dễ thương ríu rít trò chuyện cùng nhau. Hẳn bạn sẽ rất ngạc nhiên khi nghe câu chuyện của họ: Ba ơi!

– Dạ!

– Con vừa mới thấy một bạn khóc nhè đòi mẹ mua đủ thứ, vậy là không tốt đúng không?

– Dạ, đúng rồi. Con phải ngoan thì ba mẹ mới vui được. Con thích ăn bánh không? – Dạ có.

– Đây, con ăn đi.

– Con cảm ơn ba.

Bất cứ ai khi nghe mẩu đối thoại ngọt ngào kia đều tỏ vẻ ngạc nhiên trước sự lễ phép của cô bé 4 tuổi và đặc biệt là cách thưa, dạ của người cha. Anh Minh Luân, người cha của câu chuyện mỉm cười giải thích: Từ khi có cô con gái nhỏ, vợ chồng anh cẩn thận lời ăn tiếng nói, mọi thứ đều cố gắng diễn ra trong sự hòa nhã, thương yêu để con cảm nhận được không khí vui vẻ, lịch thiệp. Đặc biệt khi con gái bắt đầu có ý thức và tập nói, tiếp xúc với thế giới bên ngoài nhiều hơn, anh chị đã quyết định sẽ tập cho con biết thưa, dạ lễ phép bắt đầu từ chính những câu nói, hành vi, ứng xử của cha mẹ. Khi con gọi hay hỏi bất cứ điều gì, anh chị đều “dạ” như một phản xạ. Điều này dần trở thành một thói quen với bé, nó ăn sâu vào não trẻ và bé cũng sẽ trả lời lại tương tự như cách ba mẹ đang trò chuyện với mình. Nhờ thế nên vợ chồng anh Minh Luân hoàn toàn không gặp một trở ngại hay vất vả gì khi uốn nắn sự lễ phép ở con.

 

Cũng áp dụng bài học cảm ơn, thưa dạ khi con làm điều tốt, hỏi thưa, chị Ngọc Minh xem việc con trai mình, bé Gia Khánh (5 tuổi) biết lễ phép với ba mẹ, người thân và cả hàng xóm là điều khá nhẹ nhàng, không có gì phải quá “lên gân”. Chị luôn đối xử với con dịu dàng, ít khi to tiếng quát nạt và nhất là khi bé làm được một việc tốt, chị đều khen ngợi động viên con đúng lúc. “Đơn giản một chuyện như tôi đang vội đi làm nhưng quên điện thoại di động ở trên lầu, vậy là tôi nhờ con mang đến. Dù bé làm có hơi chậm chạp trong khi tôi đang rất vội, nhưng tôi không bao giờ tỏ thái độ cáu kỉnh, nhăn nhó mà vẫn vui vẻ, nở nụ cười với con. Cầm điện thoại trên tay, tôi sẽ cảm ơn con và nựng má cu cậu như một hành động biết ơn nho nhỏ. Tôi hiểu, con trai mình sẽ học những điều đơn giản như vậy qua chi tiết tưởng nhỏ mà không nhỏ ấy”. Quả thật, bé Gia Khánh trông có vẻ chững chạc và trưởng thành hơn so với những bạn đồng trang lứa. Bé tỏ ra ngoan ngoãn, hành động đúng mực khi nhận được một món quà ai gửi tặng, bé đều “cảm ơn” một cách chân thành và trân trọng.

Đừng nên bỏ rơi cơ hội vàng

Rất nhiều người than phiền rằng trẻ con ngày nay thật khó dạy và khó bảo. Chúng chỉ biết vùi mình trong thế giới game, đọc sách hoạt hình yêu đương hoặc xem những phim hoạt hình có robot, siêu nhân bạo lực. Xung quanh con, đầy rẫy sự nguy hiểm rình rập, khô khan và ít nụ cười. Từ đó kéo theo những tâm lý bất ổn, bé dễ cáu gắt, hờn dỗi, ăn vạ, cào cấu và tỏ thái độ hỗn xược khi không được đáp ứng điều gì đó. Việc nuôi dạy một đứa trẻ khó hơn cả cách bạn kiếm tiền. Không có cơ hội kiếm tiền lần này, bạn sẽ có những cơ hội hấp dẫn khác bằng cách nỗ lực và săn đón nó. Nhưng với một đứa trẻ, không thể chờ đợi cơ hội này đến hay cơ hội khác đi. Trẻ lớn mỗi ngày, tích lũy hàng giờ và khôn lên từng giây. Bạn bỏ lỡ những giai đoạn phát triển của con đồng nghĩa cũng sẽ đánh mất đi những cơ hội vàng để rèn nhân cách bé sau này.

 

Mẹ biết chưa?

Trẻ 5 tuổi thường vướng phải thói quen hỏi, nói trống không. Câu không có chủ ngữ sẽ dễ khiến người khác ít thiện cảm với bé. Vì vậy hãy hướng dẫn bé nói câu tròn vành rõ chữ, thưa gửi người lớn hơn như một cách tôn trọng họ.

Mỗi một đứa trẻ ra đời đều trong sáng như nhau. Theo thời gian, trẻ sẽ học cách để mình thích ứng và lớn lên phù hợp với môi trường. Ở xóm lao động, những đứa trẻ con được ví như cây cỏ dại có thể ở trần trùng trục phơi mưa nắng mà không hề đau ốm. Nhưng ngược lại, với những trẻ được cha mẹ bảo bọc kín cổng cao tường, nuôi như “gà công nghiệp” với lịch trình ăn, ngủ, chơi đều răm rắp, chúng sẽ có sức đề kháng yếu hơn, tư duy có thể khôn hơn nhưng phản xạ xử lý tình huống kém hơn. Hẳn nhiên, không ai muốn con mình là những cây cỏ dại, thả đâu sống đó mà không hề có một con đường rõ ràng để đi. Khi quan sát những đứa trẻ này, bạn dễ sốc khi thấy chúng ăn nói hồn nhiên, trống không như cách chúng đang lớn lên. Vì sao? Đó là do trẻ học từ ba mẹ, những người lao động tay chân vất vả, họ vùi mình đi kiếm ăn mà quên mất phải gần gũi, bảo ban con cái. Và trẻ sẽ là bản copy của họ khi cáu gắt, chửi thề, đánh đập nhau. Sống trong một môi trường luôn diễn ra những sự giằng xé, cau có, trẻ cũng tự dưng đổi mình không hề biết khuôn phép, mẫu mực là gì.

Phản xạ tự nhiên

Điều này cũng có thể thấy trong những gia đình học thức nhưng không đầm ấm. Đứa trẻ như một quả bong bong, khi phồng to, lúc xẹp xuống theo những cảm xúc tiêu cực từ người lớn tạo ra. Vì vậy, làm gương cho trẻ hoàn toàn không đơn giản. Nó không chỉ là một nghệ thuật sống mà còn là nỗ lực hoàn thiện mỗi ngày ở bạn, những người đang làm cha làm mẹ. Trẻ hoàn toàn không có lỗi khi vô lễ, nói năng cộc lốc, ứng xử ngang ngược, phần lớn chúng là tấm gương phản chiếu từ bậc sinh thành bởi trẻ rất dễ sao chép và bắt chước tính cách của bạn.

 

Để dạy trẻ ngọt ngào và ngoan ngoãn, phương pháp tự nhiên nhất là bạn nên học cách lễ phép với trẻ. Ban đầu trẻ sẽ rất thích thú vì mình được trân trọng và yêu quý như vậy, sau đó con sẽ thấy đấy là điều tốt ai cũng thích và mình nên học theo. Bé học theo lúc nào không hay và nó sẽ dần hình thành phản xạ cực kỳ tự nhiên mà không cần phải gò ép.

Áp dụng bài học cảm ơn, thưa dạ khi con làm điều tốt giúp trẻ tiếp thu sự lễ phép tự nhiên

Dạy thế nào?

Trẻ đang tập nói (2-3 tuổi): Dạy trẻ những cử chỉ giao lưu thân thiện với mọi người xung quanh như: cười, vẫy tay chào, vòng tay “ạ”.

Trẻ đã nói tròn câu (4-5 tuổi): Dạy trẻ cách thưa gửi, thói quen chào hỏi mọi người. Tập trẻ nói lời cảm ơn, xin lỗi và thưa dạ khi nói chuyện với người lớn.

Trẻ đã có ý thức (6-7 tuổi): Luôn thể hiện lòng tốt và lịch sự với mọi người. Giữ thói quen tôn trọng sự riêng tư như gõ cửa khi vào phòng, không ngắt lời người lớn khi đang nói chuyện.

Huyền My
Theo Gia Đình Trẻ

Có thể bạn muốn xem

Cha mẹ vất vả với “tuổi nói không” của con

Sau đây là 1 vài bí quyết giúp cha mẹ sẵn sàng “nói có”. Không...
Xem thêm

Dạy bé sử dụng nước thông minh

Dân số loài người hiện nay (chưa kể các sinh vật khác nữa) chắc hẳn...
Xem thêm

Trò chơi dạy con cách lắng nghe

Lắng nghe là một nghệ thuật đang dần bị mai một, không chỉ trẻ em...
Xem thêm

Mẹ nghỉ ngơi, bé chơi vui

Bọn trẻ con thật đáng yêu, nhưng nhiều khi bạn cũng kiệt sức vì phục...
Xem thêm
Hotline
Nhắn tin Zalo
Nhắn tin facebook
button