Dạy trẻ kỹ năng đặt câu hỏi giúp phát triển tư duy
Cách dạy đơn giản nhất là khuyến khích trẻ hỏi thật nhiều: Ai, cái gì, ở đâu, khi nào, tại sao, như thế nào? (5W + 1H). Đây là sáu dạng câu hỏi cơ bản nhất để khám phá thế giới xung quanh.
Thạc sĩ Phạm Thị Thúy, Giảng viên Học viện Hành chính Quốc gia TP HCM cho rằng việc đặt câu hỏi là kỹ năng quan trọng nhất để khám phá thế giới xung quanh, giúp con người hình thành khả năng học hỏi đến suốt đời. Đặc biệt giai đoạn lên ba là thời điểm tốt nhất để dạy trẻ kỹ năng này.
Cha mẹ hãy cùng trẻ thực hành kỹ năng này hàng ngày, mọi nơi mọi lúc có thể.
“Chỉ khi cha mẹ thường xuyên hỏi và trả lời thì con mới học được thói quen hỏi – trả lời. Có thể những dạng câu hỏi của trẻ còn ngây ngô nhưng tuyệt đối không chê bai trẻ, cần khen ngợi và giúp bé đặt lại câu hỏi cho đúng và trả lời trẻ đơn giản, dễ hiểu”, bà Thúy lưu ý.
Thực tế, nhiều em vừa hỏi xong đã hỏi lại ngay cũng là một hiện tượng bình thường ở trẻ lên ba. Vì thế cha mẹ không nên bày tỏ thái độ bực dọc với con. Có thể trẻ chưa nghe rõ, chưa hiểu ý trả lời của người lớn, có thể đơn giản là trẻ muốn nói chuyện với người khác, muốn gần gũi cha mẹ, muốn cha mẹ quan tâm.
“Nền tảng của giáo dục chủ yếu được xây dựng từ khi trước 5 tuổi, nó chiếm tới 90% chất lượng của quá trình giáo dục. Từ sau 5 tuổi trở đi, tất nhiên vẫn phải tiến hành giáo dục, con người sẽ trưởng thành thêm một bước để rồi đơm hoa, kết trái, nhưng bông hoa mà bạn dày công vun trồng, chăm sóc thực sự đã có nụ từ khi trước 5 tuổi”, (Nhà giáo dục A. X. Macarenco). |
Đặc biệt những trẻ lên ba đã đi nhà trẻ, cả ngày xa nhà, các em rất nhớ và thấy thiếu tình yêu, sự quan tâm của cha mẹ. Trẻ có nhu cầu muốn được cha mẹ ôm hôn, nói cười, nhìn vào mắt trẻ. Khi được thỏa mãn sự quan tâm, trẻ sẽ chơi ngoan và đỡ quấy rầy người lớn.
Cha mẹ hiểu được đặc điểm tâm lý trên, nên cố gắng dành từ 5 đến 10 phút trọn vẹn cho con: Ôm trẻ vào lòng, hỏi chuyện trẻ về những gì bé thấy ở trường, và nói rằng “Ba (mẹ) nhớ con, yêu con lắm” sẽ giúp trẻ thấy thỏa mãn, yên tâm chơi để cha mẹ làm việc nhà.
Nếu cha mẹ quá tất bật với công việc, không chú ý đến trẻ, các em sẽ tìm mọi cách quấn chân người lớn rồi ôm chân, nhõng nhẽo, đòi hỏi cái này, cái kia, hỏi liên tục để được cha mẹ nói chuyện cùng…
“Khi đặt câu hỏi và được người lớn giải đáp, trẻ sẽ học được điều hay. Vì thế cha mẹ nên gieo hạt giống kỹ năng hỏi cho con, đồng thời nuôi dưỡng hạt giống ấy thì sẽ gặt được trái ngọt trong tương lai. Hãy giúp con muốn hỏi, dám hỏi và biết hỏi!”, thạc sĩ Phạm Thị Thúy khuyên.
Thi Trân
Theo VnExpress