Dạy trẻ tự tin và tôn trọng người khác
Sự tự tin và thái độ tôn trọng người khác không đến trong ngày một ngày hai, đó là cả một quá trình. Rèn luyện cho trẻ điều này không phải quá khó.
Trẻ em ngày càng có nhiều cơ hội tiếp xúc với thế giới bên ngoài, chính vì vậy các bậc phụ huynh nên sớm bắt tay vào việc dạy trẻ về sự tôn trọng và xây dựng cho trẻ sự tự tin ngay từ khi các em còn nhỏ.
Tôn trọng trẻ
Nếu bạn không tôn trọng trẻ, trẻ sẽ không bao giờ học được cách tôn trọng người khác và bản thân. Tôn trọng trẻ không có nghĩa là cho trẻ bất cứ thứ gì chúng muốn, tùy tiện khen ngợi chúng hoặc cho chúng quyết định mọi việc. Bạn vẫn phải là người nắm quyền quyết định đối với những vấn đề quan trọng.
Tuy nhiên, con trẻ cũng có những quan điểm riêng. Hãy lắng nghe ý kiến của trẻ và cho chúng sự lựa chọn bất cứ khi nào có thể. Ví dụ ngay từ bé, bạn hãy để trẻ lựa chọn những đồ vật trẻ thích ví dụ như màu giầy, màu/kiểu quần áo, các lớp học năng khiếu… Sau đó, bạn hãy đưa ra những đánh giá tích cực về sự lựa chọn của trẻ để trẻ thấy bản thân có khả năng ra quyết định đúng đắn và được bạn tôn trọng quyết định đó.
Trao cho trẻ trách nhiệm
Khi bạn làm mọi thứ cho trẻ, có 2 điều xảy ra: thứ nhất, trẻ tin rằng em không có khả năng tự làm mọi thứ cho bản thân. Thứ hai, em cảm thấy bạn không đánh giá cao khả năng của em.
Rõ ràng là làm mọi thứ cho trẻ sẽ nhanh hơn việc dạy trẻ cách làm hoặc để trẻ tự làm. Tuy nhiên, cho trẻ chịu trách nhiệm là một trong những cách tốt nhất xây dựng sự tự tin ở trẻ và khiến trẻ thấy rằng bạn tôn trọng trẻ. Mặc dù còn nhỏ nhưng các trẻ hoàn toàn có thể giúp bạn để quần áo bẩn vào giỏ đựng đồ đi giặt hoặc tự thu dọn đồ chơi. Hãy để trẻ làm những việc đó và tự chịu trách nhiệm với những việc trong khả năng của trẻ. Khi trẻ trưởng thành, điều này càng trở nên cần thiết hơn vì nó giúp trẻ rèn luyện kỹ năng tự giải quyết vấn đề trong cuộc sống, từ đó tăng sự tự tin ở trẻ.
Dạy trẻ coi nhẹ thất bại
Khi bạn trao trách nhiệm cho trẻ, ít nhất trong thời gian đầu, có thể trẻ sẽ thất bại nhiều hơn thành công. Phản ứng phù hợp với sự thất bại không chỉ giúp khôi phục sự tự tin mà còn dạy trẻ tôn trọng người khác khi họ thất bại. Bạn không nên hạ thấp giá trị của trẻ khi chúng đối mặt với thất bại, thay vào đó, bạn hãy giải thích cho trẻ cái sai bắt đầu từ đâu, đồng thời khuyến khích trẻ chia sẻ cảm xúc về sự thất bại và nên thay đổi như thế nào để thành công cho lần tiếp theo. Đừng nói rằng trẻ cần làm cái gì, hãy để trẻ tự tiêu hóa sự thất bại đó. Một điều cũng không kém phần quan trọng là bạn cần phải nắm bắt những ý kiến riêng của trẻ để định hướng cho trẻ.
Gương mẫu
Nếu bạn thiếu tự tin và không tôn trọng người khác, con bạn sẽ chú ý và bắt chước cư xử theo những gì bạn làm chứ không phải những gì bạn nói. Nếu bạn yêu cầu trẻ tốt với người khác nhưng lại la mắng trẻ khi trẻ làm sai, không quan tâm khi trẻ trò chuyện với bạn hoặc bỏ qua cảm xúc của trẻ, bạn đã thể hiện rằng bạn không tôn trọng trẻ. Trẻ em cần nhận được tình yêu vô điều kiện cho dù trẻ cư xử như thế nào. Chính vì vậy, khi bạn thiết lập kỷ luật với trẻ, bạn nên cho trẻ biết bạn không thích cách cư xử của trẻ chứ không phải bản thân trẻ.
Huyền Lưu
Theo Đẹp/ Livestrong.com