Để mỗi bữa ăn của con là một trải nghiệm hạnh phúc
Mỗi lần con ăn hết được một bát bột đầy, chúng ta mừng húm. Nhưng có bao giờ các bà mẹ tự hỏi mình rằng con có hạnh phúc với bữa ăn đó hay không?
Nhắc đến chuyện ăn uống của con, nhất là khi bé ở độ tuổi 1-3 tuổi, không ít bà mẹ ngán ngẩm thở dài. “Nó ăn ít lắm, còi lắm, toàn phải ép ăn thôi…” là những câu than thở nghe rất quen tai từ những bà mẹ có con ở độ tuổi này.
Chúng ta còn lạ gì cảnh tượng con chạy đằng trước, mẹ cầm bát bột, bát cháo chạy đằng sau, hay con ngồi dán mắt vào xem hoạt hình, ca nhạc, còn mẹ tranh thủ xúc càng nhiều thìa bột càng tốt. Rồi khi con không muốn ăn thêm thì biết bao nhiêu âm thanh leng keng vang lên. Đó là khi ông bà gõ cốc, gõ bát, lôi cả nồi niêu xoong chảo ra gõ để mong cháu yêu ăn thêm một miếng bột nữa. Nếu không ăn đủ là sẽ bị đói, là không cao lớn, thông minh bằng…bạn hàng xóm. Ông bà già cả là vậy nhưng cũng trở thành diễn viên bất đắc dĩ, làm đủ trò hề, mặt cười, mặt mếu để thằng cháu há hốc mồm ra nhìn, mất tập trung, và trong lúc ấy, mẹ tranh thủ đút thêm thìa bột đầy ứ ự.
Có những bữa ăn chan cả nước mắt, tiếng quát tháo, dọa dẫm của mẹ. Con với cái bụng đã no hoặc vì lý do nào đấy không muốn ăn thêm vẫn phải chịu đựng và miễn cưỡng… ăn mà không có cảm giác ngon miệng.
“Con ăn thêm một thìa nữa đi mà…”
Chúng ta vốn đã quá quen với những cảnh tượng này nên cho rằng đó là chuyện bình thường khi ép con ăn. “Nó lười ăn lắm, nếu không ép thì nó không ăn, và sẽ bị còi dí còi di” – quan niệm này vô tình đẩy chúng ta vào những căng thẳng, mệt mỏi, stress vào mỗi bữa ăn của con.
Mỗi lần con ăn hết được một bát bột đầy, chúng ta mừng húm. Nhưng có bao giờ các bà mẹ tự hỏi mình rằng con có hạnh phúc với bữa ăn đó hay không? Những bữa ăn trệu trạo như tra tấn như này về lâu về dài sẽ khiến con không hứng thú với món ăn. Dù bé có tăng cân và mũm mĩm nhưng chán ăn sẽ ảnh hưởng đến sức khỏe.
Thôi ám ảnh về cân nặng của con
Thôi ám ảnh về cân nặng của con là điều đầu tiên bố mẹ cần làm nếu muốn tạo lập thói quen ăn uống chủ động và cũng để con ăn ngon miệng, hứng thú hơn với bữa ăn.
Chúng ta ép con ăn vì sợ con thiếu chất, không tăng cân và mũm mĩm như các bạn khác. Người Việt rất hay có thói quen gặp một đứa trẻ nào cũng hỏi bố mẹ nó: “Cháu được bao nhiêu cân rồi”, thay vì hỏi cháu biết làm những trò gì, nói được nhiều không…Dường như cân nặng được coi là thước đo chuẩn mực cho mọi mốc phát triển của bé. Bé nào bụ bẫm sẽ được mọi người khen và xuýt xoa “mẹ khéo chăm quá”, và ngược lại nếu bé “còi”, “gầy nhẳng” thì mọi lỗi lầm đều do mẹ “đoảng” không biết chăm con.
Hãy thôi ám ảnh về cân nặng của con, để chính bản thân mình nhẹ nhõm, vui vẻ. Con ăn ít một chút, gầy một chút cũng không sao, miễn là con vẫn chơi và phát triển bình thường.
Tập cho con ăn bốc từ 8 tháng tuổi
Không thể phủ nhận ưu điểm nhanh, gọn, tiết kiệm thời gian của phương pháp ăn dặm truyền thống. Tuy nhiên phương pháp này cũng có những nhược điểm nhất định. Một bát cháo đủ đầy dinh dưỡng nhưng mọi thức ăn từ thịt, cá, đến rau xanh đều được xay nhuyễn đến nỗi ta không thể phân biệt được từng hương vị riêng của các nguyên liệu. Xay nhuyễn thức ăn như vậy cũng vô hình tước đi cơ hội được tập luyện phản xạ nhai ở trẻ. Thế nên mới có chuyện nhiều trẻ đến 2,3 tuổi vẫn phải ăn cháo, vì nó không chịu nhai cơm và thức ăn.
Tập cho con ăn bốc từ 8 tháng tuổi.
Mẹ vẫn có thể kết hợp phương pháp ăn dặm truyền thống, nhưng nên xen kẽ những bữa ăn bốc. Có thể bắt đầu khi bé được 8 tháng tuổi vì lúc này bé đã có khả năng bốc nhón. Khi trẻ tự mình bốc thức ăn, dịch vị sẽ tiết ra tự nhiên và bé sẽ ăn ngon miệng hơn. Lúc đầu có thể bé sẽ chưa thể sử dụng thành thạo các ngón tay, có thể chưa muốn đưa thức ăn vào mồm mà còn vo viên, ném, nghịch trên tay. Hãy chuẩn bị tinh thần cho mọi thứ. Bé sẽ làm vương vãi thức ăn khắp nơi, bôi bẩn lên mặt, quần áo. Mẹ sẽ rất vất vả trong khâu dọn dẹp “bãi chiến trường” của bé sau mỗi bữa ăn. Nhưng đổi lại bé sẽ sớm tự chủ động trong việc ăn uống và yêu thích bữa ăn.
Phương pháp chế biến chính khi tập cho bé ăn bốc là hấp hoặc luộc. Sau đó cắt thành miếng nhỏ hoặc thành thanh dài cho bé cầm. Mẹ có thể thay đổi đa dạng thực đơn ăn bốc của bé theo các nhóm thực phẩm chính sau:
Protein: Thịt gà, thịt bò, thịt lợn nạc, cá hồi, các loại đậu…
Rau xanh: Cải bó xôi, bí ngòi, bí ngô, cà rốt, súp lơ…
Hoa quả: Chuối, bơ, lê, đu đủ, táo, xoài, thanh long…
Tinh bột: Gạo, ngô, khoai tây…
Tương tự như việc tập cho con ăn bốc, tập cho bé cầm thìa cũng rất quan trọng. Bố mẹ quan sát con, đến thời điểm con hứng thú với việc tập thìa, đũa, hãy đưa cho bé cầm. Bé sẽ sớm học được cách xúc thức ăn và đưa đúng vào miệng sau rất nhiều lần làm vương vãi ra sàn nhà.
Để bé ngồi ăn chung với gia đình
Bé sẽ có thái độ tích cực với ăn uống khi được tham gia vào bữa cơm gia đình, ngồi cùng bố mẹ, nghe bố mẹ nói chuyện, nhìn cách bố mẹ gắp thức ăn, nhai thức ăn. Bé sẽ cảm giác mình cũng là một phần của bữa ăn, giống như người lớn. Đừng để con ăn trước, cả nhà ăn sau. Khi cả nhà quây quần bên mâm cơm, con lại ngồi chơi một mình.
Ngồi ăn chung với gia đình sẽ tạo tâm lý tích cực với bữa ăn cho trẻ.
Khi ưu tiên cho con ăn trước, mẹ thường xúc cho con và giục con ăn nhanh lên. Như vậy trẻ không có cơ hội được nhai chậm rãi, thưởng thức món ăn. Trái lại nếu để trẻ tự đưa thức ăn vào miệng, dạ dày tiết dịch vị, trẻ được nhai chậm theo ý muốn của mình, do vậy tiêu hóa cũng tốt hơn. Trong thời gian con giải quyết đồ ăn, bố mẹ cũng ăn hết bát cơm của mình. Thay vì phải ăn vội ăn vàng, thì chính bố mẹ cũng được thoải mái, thư thái. Bữa ăn mang ý nghĩa thực sự là bữa ăn gia đình chứ không còn căng thẳng như trước.
Không coi con là trung tâm của bữa ăn
Một nguyên tắc khác nếu muốn con chủ động trong ăn uống là không coi con là trung tâm của bữa ăn. Khi đã sắp xếp chỗ ngồi và đeo yếm cho bé, mẹ đưa cho bé thức ăn và tập trung vào món ăn của mình. Hai bố mẹ có thể nói chuyện bình thường với nhau. Thi thoảng mới quan sát phản ứng của bé. Cách này khiến trẻ nghĩ việc ăn uống là chuyện bình thường.
Không hối lộ bé
Đừng bao giờ hối lộ con trẻ, dù trong bất cứ hoàn cảnh nào, đặc biệt trong chuyện ăn uống. Đừng nói với con rằng: “Con ăn nốt miếng này rồi mẹ cho xem ti vi”, “ăn thêm miếng nữa rồi mẹ cho chơi ipad nhé”… Trẻ sẽ coi việc ăn là miễn cưỡng, chỉ để thỏa mãn mục đích được xem ti vi hay chơi ipad – hai trò tiêu khiển luôn hấp dẫn mọi đứa trẻ. Hơn nữa việc hối lộ trẻ như vậy, khiến trẻ mất chủ động trong việc tự quyết định mình có nên ăn nữa hay không.
Hãy để trẻ có quyền được từ chối không ăn
Tôn trọng con và để con có quyền từ chối không ăn. Mẹ có thể là người quyết định khẩu phần dinh dưỡng cho con, quyết định món nào tốt cho con, nhưng con mới là người quyết định có ăn hay không, thậm chí là từ chối không ăn.
Hãy để con có quyền được từ chối không ăn.
Người lớn chúng ta có những lúc mệt, chán ăn và hôm đó chúng ta ăn ít đi một chút cũng không sao. Có khi nhịn hẳn cơm, húp xì xụp một gói mỳ tôm lại thấy ngon miệng. Trẻ con cũng như vậy. Vì thế nếu có bữa con ăn ít đi hoặc từ chối không ăn, thì điều đó cũng không ảnh hưởng đến sự phát triển toàn diện của con như bố mẹ nghĩ đâu. Cũng giống như người lớn, trẻ sẽ từ chối ăn thêm khi đã no. Đừng ép con ăn thêm khi con đã no và không có nhu cầu.
Ăn 4 bữa/ ngày
Tâm lý chung của các ông bố bà mẹ là luôn nghĩ con bị đói. Nên dễ hình thành thói quen cho con ăn vặt cả ngày, ăn bất cứ khi nào thèm ăn, không theo thời gian biểu định sẵn. Nếu vài tiếng trước bữa ăn chính, con đòi ăn hoa quả, mẹ cho con ăn. Thì sau đó đến bữa chính, con sẽ ngang dạ và không muốn ăn thêm gì nữa. Tuy nhiên qua bữa chính này, khi bố mẹ đã ăn hết thức ăn, thì con lại kêu đói và đòi ăn. Bố mẹ tiếp tục thỏa mãn con bằng cách cho con ăn đồ ăn vặt. Cái vòng luẩn quẩn này sẽ không bao giờ chấm dứt nếu bố mẹ không có thời gian biểu cho con rõ ràng.
Trẻ trên 1 tuổi có thể ăn 4 bữa/ ngày, trong đó có 3 bữa chính và 1 bữa phụ. Bữa phụ bé có thể ăn riêng, nhưng bữa chính thì nên ăn cùng bàn với gia đình.
Người Pháp có câu ngạn ngữ rất hay: “Một bữa ăn ngon bắt đầu từ một chiếc bụng đói”. Hãy cứ dựa vào ý nghĩa của câu ngạn ngữ này, mà đưa ra các nguyên tắc ăn uống cho con. Đừng để con lúc nào cũng có cảm giác no no, ngang dạ. Con đói con sẽ tự khắc ăn và ăn rất ngon nữa là đằng khác.
Lam Khê / Theo Congluan