Được – mất khi để ông bà chăm cháu
Khi ông bà tham gia chăm sóc cháu, mặt được nhất ở đây là gắn kết tình cảm gia đình, tình cảm của ba thế hệ đặc biệt là tình cảm giữa ông bà và các cháu…
Thời xa xưa, xã hội chưa phát triển, chưa có trường lớp mầm non, việc ông bà chăm cháu gần như lẽ đương nhiên, những ai may mắn còn ông bà nội ngoại chăm sóc các cháu đỡ đần cho bố mẹ cháu thật là hạnh phúc.
Thời nay đã khác, nhiều quan điểm trái ngược nhau, một số bậc cha mẹ vẫn hoàn toàn tin tưởng và phó mặc việc chăm sóc cháu cho ông bà, thậm chí nhiều bố mẹ đi làm ăn xa quê, sinh con xong là gửi con về quê nhờ ông bà chăm. Trái lại, một số phụ huynh khác (thường là có điều kiện kinh tế tốt hơn) thì lại muốn giành quyền độc lập nuôi dạy, chăm sóc con, không muốn có sự tham gia của ông bà. Đương nhiên, sẽ có 2 luồng ý kiến trái ngược nhau, người thì cho rằng ông bà chăm cháu sẽ tốt hơn, số khác lại cho rằng không phải vậy. Thực tế, điều này cũng có những mặt hay, mặt tốt và hiện hữu những hạn chế riêng…
Khi ông bà tham gia chăm sóc cháu, mặt được nhất ở đây là gắn kết tình cảm gia đình, tình cảm của ba thế hệ đặc biệt là tình cảm giữa ông bà và các cháu. Bản thân tôi từ bé nhà rất gần ông bà nội (nhà ông ngoại xa hơn, bà ngoại mất sớm), tôi được bà nội chăm sóc nhiều, gần như ngày nào cũng qua lại gặp bà nên khi lớn lên tôi có tình cảm nhất với bà nội. Đến thế hệ con chúng tôi, hai cháu lại ở rất gần ông bà ngoại (ông bà nội các cháu ở miền Nam) nên bây giờ các con tôi lớn lên cảm thấy có nhiều tình cảm với ông bà ngoại hơn, tôi nghĩ điều này hoàn toàn bình thường.
Ảnh minh họa.
Thứ hai, ông bà chăm cháu sẽ an toàn hơn, bố mẹ cũng yên tâm hơn so với việc phải giao con mình cho người giúp việc hay cô trông trẻ vì ông bà bao giờ cũng có tình cảm ruột thịt với cháu mình.
Thứ ba, ông bà đỡ đần về mặt kinh tế cũng như thời gian cho bố mẹ các cháu. Thứ tư, ông bà truyền lại cho thế hệ tiếp nối một số kinh nghiệm dân gian, truyền thống gia đình, truyền thống dân tộc,…
Bên cạnh mặt được thì cũng có một số hạn chế sau:
Thứ nhất, ông bà sẽ giáo dục cháu theo kiểu giáo dục đối với người trưởng thành nên sự phát triển của trẻ sẽ có phần lệch lạc, tính cách cháu có thể sẽ “già dặn” hơn so với tuổi.
Thứ hai, ông bà là người của thế hệ trước nên nhiều khi không cập nhật hết những thông tin tri thức nuôi dạy trẻ con thời hiện đại. Ví dụ, ngày trước chưa có các máy xay, máy nghiền thức ăn, cha mẹ buộc phải nhai cơm cho con cái, thực ra đây là cách cho ăn rất mất vệ sinh nhưng ngày nay nhiều bà già vẫn thích áp dụng…
Thứ ba, ông bà thường hay nuông chiều các cháu, chẳng hạn theo bố mẹ các cháu thì không được ăn ngọt vào buổi tối nhưng nhiều ông bà chiều cháu vẫn cho cháu ăn, hoặc các ông bà hay xem ti vi nên cũng cho cháu xem thoải mái.
Thứ tư, người lớn tuổi thường hay bảo thủ, áp đặt, muốn con mình cũng phải nuôi dạy cháu theo cách mà mình đã nuôi dạy con. Chẳng hạn, các ông bà hay nói “ngày xưa chúng tôi nuôi năm, sáu đứa con theo cách này chúng vẫn lớn, vẫn khỏe, vẫn nên người đó thôi”.
Tuy nhiên, thời nay đã có nhiều đổi khác, khi công nghệ thông tin truyền thông phát triển, nhiều ông bà của thế hệ mới vừa có kiến thức tinh thông vừa rất cập nhật thông tin mới, nhiều ông bà vẫn vào google, vào facebook,… để tìm kiếm, kết nối, chia sẻ thông tin nên việc chăm sóc các cháu vẫn rất cập nhật và khoa học.
Để trẻ phát triển tốt cả thể chất và trí tuệ đó là nghệ thuật kết hợp một cách khéo léo giữa ông bà, bố mẹ và người thân trong môi trường đầy ắp tiếng cười và sự yêu thương!
Theo Nhà giáo ưu tú, Tiến sĩ Đặng Thị Thu Thủy / Theo Congluan