Được mẹ yêu, giá bao nhiêu?
Từ hồi còn nhỏ xíu, tôi và các bạn luôn được nghe, nghe suốt ngày: “Ngoan nhé, mẹ mới cưng”, “Hư là ba không thương đâu”. Lớn lên một chút, nghe nhiều hơn: “Học giỏi ông mới yêu”, “Ngồi im nhé, phá phách bà ghét lắm”… Ở một góc thật sâu trong tâm tưởng con trẻ, luôn hồi hộp phập phồng sợ phạm lỗi là không được yêu thương nữa!
Con sinh ra đời là để được yêu thương. Nhưng với cách ra điều kiện “con phải thế này, thế kia mẹ mới thương”, tình yêu của mẹ bây giờ đã được định giá cụ thể, trở thành một thứ để trao đổi. Bà mẹ ấy trở thành chủ tiệm, và đứa con bất đắc dĩ trở thành khách hàng thân thiết, vì không thể tìm “món hàng tình yêu của mẹ” ở một nơi nào khác!
Kỹ năng bắt chước để học hỏi ở trẻ lại rất tuyệt vời, do đó, khi ai cân đong đo đếm với con, thì con cũng lập tức cân đong đo đếm lại với người đó. Con cũng bắt đầu ra điều kiện: “Con được 10 điểm thì mẹ cho đi công viên nước nhé”, “Con đậu đại học thì thưởng xe tay ga đi mẹ”… Sòng phẳng!
Nhạc sĩ Y Vân từng viết nên những ca từ bất hủ: “Lòng mẹ bao la như biển Thái Bình…” Tấm lòng của mẹ cũng như biển cả bao la, mang tính vô điều kiện, và đó là tính chất tối thượng làm cho gia đình trở nên thiêng liêng. Mất đi sự độc đáo này, gia đình không còn là nơi đặc biệt nữa, mà cũng bình thường như những chỗ khác vậy thôi. Khi đó, sự luyến lưu gắn bó sẽ không xuất hiện: vui thì con ở nhà, không thích thì… nhấn nút biến! Rồi do vậy, con cũng ít khi chịu cân nhắc về những việc có thể ảnh hưởng đến hạnh phúc – danh dự của gia đình.
Con ngoan mẹ yêu đã đành, con chưa ngoan mẹ vẫn yêu – đó mới là động lực tốt để những đứa con lỡ lầm biết quay đầu hướng thiện. Chẳng có đứa con nào, dù chỉ một lần thôi, muốn thầm tự hỏi trong u uẩn: “Được mẹ yêu, giá bao nhiêu?”.
Lê Thị Phương Nga
Chuyên gia nghiên cứu trẻ em và trẻ chậm phát triển
Theo Sài Gòn Tiếp Thị
Có lúc làm những việc cho ba mẹ vui mà em không thích
Ba mẹ em không hay áp đặp em phải làm việc này việc kia, ba mẹ cho em làm những việc em thích nếu là việc tốt, nhưng thỉnh thoảng ba mẹ em có so sánh kết quả học tập của em với các bạn gần nhà làm em hơi buồn và thấy bị áp lực. Khi bắt đầu làm một việc gì đó, em nghĩ trong đầu “Ba mẹ sẽ nghĩ gì, nói gì, phản ứng ra sao trước việc mình sẽ làm?” Vì mọi việc, em thường hay hỏi ý kiến ba mẹ. Gia đình em rất dân chủ, mọi thành viên đều có thể bình luận, đưa ra ý kiến của mình. Khi em định làm gì, em sẽ nói với gia đình để mọi người cùng góp ý. Cũng có những lúc em phải làm những việc cho ba mẹ vui mà bản thân không thích như em thích xem phim hoạt hình trên tivi lúc 6 giờ tối nhưng ba mẹ em không thích xem truyền hình trong lúc ăn cơm, em đành phải tắt chương trình yêu thích của mình. Hay em thích học văn nhưng ba mẹ muốn em dành nhiều thời gian học toán nên em phải tập trung cho môn toán nhiều hơn. Khi làm điều gì không tốt như bị điểm kém, sợ bị ba mẹ la là lười học em thường giấu điểm xấu ấy đi, hoặc là khoe điểm tốt mà mình đã đạt được để không bị ba mẹ hỏi đến. Khi gặp thất bại nào đó, em cảm thấy rất buồn. Những lúc như thế, em chỉ muốn ba mẹ hiểu, không la mắng mình và không nhắc đi nhắc lại chuyện ấy nữa. Ý Nhi (ghi)
|
Khi gặp thất bại, em cần ba mẹ khuyên dạy nhẹ nhàng
Ba mẹ luôn muốn hướng cho con những điều tốt đẹp nhất, đưa ra yêu cầu hay điều kiện gì đó để con trẻ có thêm động lực thực hiện tốt những định hướng của ba mẹ. Nhưng nếu như ba mẹ đưa ra yêu cầu mà không thực sự hiểu con mình muốn gì thì sẽ làm cho trẻ thấy mất tự do, bị áp lực và bó buộc trong một khuôn khổ nhất định. Theo em nghĩ thì 90% trẻ em từng rơi vào hoàn cảnh đó (tuỳ theo cách giáo dục của mỗi gia đình). Tất nhiên là không một ai cảm thấy thoải mái khi bị ép buộc làm việc mà mình không thích. Khi bắt đầu làm một việc gì đó, em sẽ vạch ra phương hướng, cách thực hiện và dự đoán kết quả. Bình thường thì ba mẹ sẽ góp ý và chỉnh sửa lại những điều còn sai sót trong kế hoạch em sẽ làm. Em cũng từng làm những việc cho ba mẹ vui mà bản thân không thích. Theo em thấy thì hầu như ai cũng đã từng như vậy. Khi kết quả công việc em làm không được như ý muốn, em sẽ rất buồn. Khi ba mẹ la mắng, có người im lặng chịu đựng, có người trao đổi, nói chuyện thẳng thắn và nghiêm túc với ba mẹ, em thuộc vào loại trao đổi thẳng thắn. Khi gặp thất bại, em thích được ba mẹ quan tâm, tâm sự và khuyên dạy nhẹ nhàng từ tốn, chứ không phải nhìn vào thất bại đó mà chỉ trích hay la mắng thêm. Vì làm như vậy, không những không giúp ích được gì mà còn gây thêm áp lực cho con. Điều quan trọng là lúc đó con cái rất cần sự yêu thương và che chở của ba mẹ. Ý Nhi (ghi)
|