Hãy tin con vừa đủ

Một chị phụ huynh trong lớp 6 của con trai tôi đã cương quyết bảo với cô giáo chủ nhiệm rằng chị không thể tin con trai mình. Vì với một đứa trẻ nghiện game, cha mẹ không thể nào giao cho nó một cái laptop. Và thế là dù nhà trường có cho bài tập về nhà làm trên máy, chị cũng không cho cháu đụng vào máy tính. Tôi đã khuyên chị hãy tin bọn trẻ và cho chúng cơ hội sửa sai. Hãy cho chúng niềm tin rằng chúng có khả năng siêu phàm thay đổi để trở nên tốt hơn.


Chị vẫn một mực giữ lập trường cha mẹ không thể tin con, vì điều này chỉ khiến trẻ hư. Câu chuyện của chị phụ huynh và cậu con trai luôn không làm bài tập về nhà trên máy tính – dù ngôi trường cậu bé học là trường đầu tiên tại Việt Nam được Microsoft tài trợ để học sinh tiếp cận sớm với công nghệ – khiến tôi tự hỏi tại sao cha mẹ luôn sợ con cái và ảm ảnh bởi chuyện nếu chỉ sơ sảy tin chúng là chúng ắt sẽ hư. Liệu niềm tin cha mẹ dành cho con có là xa xỉ trong xã hội đầy rẫy những cám dỗ khiến trẻ hư? Hay một câu hỏi mà tôi vẫn thường tự hỏi ngược lại chính mình đó là làm sao để bọn trẻ có thể tin cha mẹ, để chúng đừng cảm thấy sợ hãi cha mẹ hay bất lực vì cha mẹ không bao giờ chịu tin chúng?

 

Tại sao ba phải sợ con?

Là câu hỏi mà Norman – nhân vật chính trong bộ phim “Norman và giác quan thứ sáu”- đã hỏi lại mẹ sau khi nghe mẹ an ủi và giải thích chính vì ba sợ con trai nên mới la mắng, làm tổn thương cậu bé. Norman đã không hiểu tại sao ba mình lại có thể sợ mình, tại sao ba lại luôn cấm mình làm chuyện này chuyện kia. Và Norman càng ngạc nhiên hơn khi mẹ cậu giải thích thêm “Ba không sợ con, ba sợ cho chính ba, ba sợ cho những nguy hiểm có thể xảy ra cho con”. 

Câu chuyện của cậu bé Norman trên phim thật sự là câu hỏi mà mọi đứa trẻ trong độ tuổi từ 6 đến 15 vẫn thường hay thắc mắc trong gia đình mỗi chúng ta. Chúng luôn tự hỏi tại sao ba mẹ lại không tin chúng có những khả năng đặc biệt. Những cậu bé, cô bé luôn cảm thấy buồn bã vì ba mẹ không chịu tin những câu chuyện trẻ chia sẻ về suy nghĩ hay thậm chí về sự thật mà chúng nhìn thấy, nghe thấy. Phải chăng chính vì quá yêu thương, vì lo lắng cho những hiểm nguy đe dọa đến con trẻ mà phụ huynh đã trở nên độc đoán, thiếu niềm tin và đầy sợ hãi đến mức cấm đoán và bịt tai với mọi điều trẻ cầu xin. Người mẹ trong câu chuyện có con trai nghiện chơi trò chơi điện tử đã không tin con mình có thể vượt qua được cám dỗ. Chị sợ hãi nếu chỉ cần 5 phút rời mắt khỏi con là con có thể đăng nhập vào mạng chơi game để thỏa cơn ghiền được đánh kẻ ác và giải cứu thế giới. Chị có lý và có đủ bằng chứng về việc tại sao chị không thể tin con trai. Nhưng phải chăng chị đang dần xa cách với con và khiến con trở nên mặc cảm tự ti với bạn bè khi luôn không thể làm bài tập trên máy tính. Và thậm chí, dù rất giỏi về mạng và máy tính, nhưng khi được giao công việc quản trị trang facebook của lớp, cậu bé dù thích nhưng vẫn phải buồn bã từ chối do mẹ không cho sử dụng máy tính. Vô tình phải chăng người mẹ ấy đã xây dựng hình ảnh của con trai như là một tội phạm không thể cải tạo? Liệu chúng ta, những người làm cha mẹ có đang đẩy trẻ đến những hành động nông nổi như bỏ nhà ra đi, tập tành chửi thề, trầm cảm hay thậm chí là quyết định tìm đến cái chết chỉ vì chẳng có việc gì trẻ làm, trẻ nói, trẻ hứa được ba mẹ tin tưởng? Và việc luôn là một đứa con nít trong mắt cha mẹ không phải điều mà một đứa trẻ trên 6 tuổi cảm thấy thích thú.

Tin con và để con tin mình, chuyện chẳng dễ dàng

 

Tôi tin cậu con trai 11 tuổi của tôi, tôi trao cho cháu thông điệp cháu là một đứa trẻ ngoan, có hiểu biết và cần có trách nhiệm với chính cuộc đời mình. Một lần tôi cho cháu mượn điện thoại để chơi trong lúc ngồi chờ tôi, cháu đã hỏi đi hỏi lại nhiều lần: “Mẹ có tin con không? Mẹ không sợ con làm mất, làm rớt điện thoại mắc tiền của mẹ hả?”. Tôi khá ngạc nhiên khi con trai không tin vào bản thân và cần tôi khuyến khích bởi câu nói đơn giản “Mẹ tin con”.

Tuy nhiên, một người mẹ tuyệt đối tin con, luôn khuyến khích con tin vào giá trị bản thân chưa hẳn là điều kiện đảm bảo để con cái ngoan ngoãn. Tôi thật sự sốc khi một lần vào phòng đánh thức con, tôi đã đọc được một đoạn trò chuyện qua tin nhắn giữa con và các bạn cùng lớp. Cậu con trai mà tôi vẫn tin tuyệt đối ngoan hiền, lễ phép đã văng tục với đủ loại từ bậy đến mức không thể bậy hơn. Khi con thức dậy nhìn thấy tôi cầm trên tay chiếc điện thoại, cháu đã vội vàng giật ngay chiếc điện thoại trên tay mẹ. Con trai hoảng hốt đến mức rớt nước mắt vì biết mẹ đã thấy được sự thật trần trụi của tuổi mới lớn, tuổi muốn chứng tỏ với cả thế giới rằng chúng đã  trưởng thành, đã là người lớn.  Tôi chẳng thể nói một câu hài hước hay làm một bà mẹ hiện đại đến mức xem chuyện con trai tuổi mới lớn chửi bậy, chửi tục là chuyện bình thường. Tôi lạnh lùng nói với con rằng tôi quá thất vọng về cháu. Sau đó, khi bình tâm lại vì con im lặng xấu hổ đến mức cứ cúi gằm mặt lúc chạm mặt tôi, tôi nhận ra mình đã sai khi nặng lời và làm lớn chuyện con trẻ chửi thề. Khi trao niềm tin cho con trẻ thì chúng ta nên chừa một chỗ cho sự thay đổi, cho sự thể hiện cá tính riêng, cho những khác biệt và những sai phạm mà bản thân trẻ sẽ có thể phạm phải. Tin con không có nghĩa là bắt chúng phải sống theo chuẩn đạo đức hay hành vi mà xã hội và bản thân cha mẹ cho là đúng. Khi con đi lệch sang hướng mà chúng ta tin là không tốt cho con, hãy tìm ra cú hích để chúng tự tìm về hướng mà ta nghĩ sẽ tốt, hãy thảo luận, trao đổi chân tình và cởi mở. Khi một đứa trẻ chửi thề, hãy hỏi thử ba chúng hay bạn bè là những ông bố ngày xưa khi học cấp 2 họ có chửi thề không? Và chửi thề có phải hoàn toàn là sai trái, là việc xấu xa thể hiện nhân cách tồi tệ?

Tin con và để con tin lại là chuyện hoàn toàn không dễ dàng chút nào với cha mẹ. Tin con thế nào là vừa đủ để còn có thể luôn mỉm cười bao dung và chia sẻ khi con có lỗi lầm? Hãy tin con vừa đủ để khi con làm điều tốt thì cha mẹ không cần là người bên cạnh để khen con, vì đã có bạn bè khen ngợi, thầy cô khích lệ, ông bà tán dương. Hãy tin con vừa đủ để khi con làm điều sai thì cha mẹ sẽ là người vỗ vai, xoa đầu, ôm con một cái thật chặt rồi nói “Con sai rồi, sửa chữa đi “

Một khi đứa trẻ nhận được thông điệp từ cha mẹ đó là dẫu chúng có lỗi lầm, dẫu chúng có đi lạc hướng thì cha mẹ vẫn luôn tin tưởng chúng có thể sửa sai, có thể tốt hơn thì chúng sẽ chia sẻ, tin tưởng lại cha mẹ mà kể chuyện hay tìm lời khuyên từ ba từ mẹ.

Khi con trẻ có thể òa khóc và nhận lỗi với bạn mà không hề sợ hãi sự trách phạt thì xin chúc mừng, vì đó là chuyện khó khăn mà không phải cha mẹ nào cũng làm được “Tin con và làm cho con tin mình”.

 

Trần Thị Nhung
Theo Đẹp

Có thể bạn muốn xem

Cha mẹ vất vả với “tuổi nói không” của con

Sau đây là 1 vài bí quyết giúp cha mẹ sẵn sàng “nói có”. Không...
View more

Dạy bé sử dụng nước thông minh

Dân số loài người hiện nay (chưa kể các sinh vật khác nữa) chắc hẳn...
View more

Trò chơi dạy con cách lắng nghe

Lắng nghe là một nghệ thuật đang dần bị mai một, không chỉ trẻ em...
View more

Mẹ nghỉ ngơi, bé chơi vui

Bọn trẻ con thật đáng yêu, nhưng nhiều khi bạn cũng kiệt sức vì phục...
View more