Học lỏm mẹ thông thái dạy con tự vệ
Dạy con tự vệ theo quy tắc ‘Luật bàn tay’, các mẹ đã biết chưa?
“Tôi đang ở chỗ làm việc , điện thoại bỗng reng, số gọi đến là 01649930***. Tôi alo, đầu dây bên kia hỏi: “Chị Vân phải không ạ?” Tôi chưa kịp trả lời thì đầu bên kia cắt máy. Lúc này là 10 giờ 50 phút. Tôi không có thói quen gọi lại cho những cuộc nhá máy hay hỏi rồi cắt máy như vậy nên thôi. 2 phút sau, điện thoại lại reo, tôi cầm lên alo, và họ cũng hỏi: “Chị Vân phải không ạ? “Rồi lại nhanh chóng cúp máy. Số gọi đến cho tôi kỳ này là số 0164687****. Tôi đang bận rộn nên cảm thấy hơi bị làm phiền.
Chỉ vài phút sau, con trai ở nhà gọi cho tôi và hỏi: Mẹ có gọi ai tới nhà phun thuốc diệt muỗi không? Linh tính báo điều không hay, tôi hỏi dồn: “Không! Mẹ không kêu ai hết. Có chuyện gì?” – Cháu bảo: “Có hai chị gọi cửa nói mở cửa để họ vào nhà phun thuốc trừ muỗi” – Tôi hốt hoảng la lên: “Không, mẹ không gọi ai hết, đừng nghe lời họ!” – Cháu nói: “Con biết rồi!” rồi bỏ máy. Quá hoảng sợ tôi gọi lại cho cháu. Lúc này họ đã đi và cháu mới thong thả kể lại. Sau khi đòi vào mà bị cháu từ chối, thì họ móc điện thoại ra gọi ngay cho mẹ cháu, chính xác số điện thoại di động của tôi và nói câu đầu tiên là “Chị Vân phải không ạ?” (Cũng chính xác tên tôi). Nhưng khúc sau họ cúp máy và tự huyên thuyên nói trước mặt con tôi như thể đang nói chuyện với mẹ của chúng. Con tôi vẫn ngần ngừ thì chúng lại bồi tiếp cú thứ hai rất nhanh chóng. Sau khi giả vờ nói chuyện xong, chúng cho con tôi nhìn thấy thực sự là cuộc gọi đi của họ là tới số của mẹ cháu để củng cố thêm niềm tin cho cháu. Rất may là cháu gọi điện thoại cho tôi ngay lập tức để kiểm tra thông tin. Biết không thể gạt được cháu, họ vội vã bỏ đi.
Trên đây là một câu chuyện có thực được một phụ huynh chia sẻ và đã nhanh chóng lan truyền với tốc độ chóng mặt ra cộng đồng. Khi đọc những câu chuyện tương tự như vậy, hẳn chúng ta – những người làm cha mẹ không tránh khỏi mối lo lắng: Làm sao đây để bảo vệ con em mình trước những thủ đoạn ngày càng trở nên tinh vi như vậy? Câu trả lời là: Hãy dạy cho trẻ cách tự bảo vệ lấy mình. Bởi không phải lúc nào người lớn chúng ta cũng có thể ở bên cạnh để theo dõi, để mắt đến bé.
Trích cuốn sách “Các người không lừa được con đâu”.
Nguyên tắc cần dạy trẻ tự bảo vệ bản thân
Một trong những quy tắc tối quan trọng bất kỳ cha mẹ nào cũng cần dạy con là “Quy tắc đồ lót”. Về cơ bản, đấy là việc dạy con ý thức rằng trên cơ thể có những ‘điểm kín’ mà không ai được phép đụng chạm vào, trừ người thân khi vệ sinh cho con. Nếu có ai chạm vào, nhất là khi không có người khác bên cạnh, thì đó là hành vi xấu chứ không phải thể hiện tình yêu thương; cần phản đối một cách kiên quyết. Trong những tình huống khẩn cấp, có thể làm bất cứ điều gì để được an toàn như gào to, kêu khóc, cắn… và bỏ đi ngay để thoát thân.
Ngoài ra, cuộc sống sẽ có rất nhiều cạm bẫy mà ‘yêu râu xanh’ hoặc những kẻ đồi bại giăng ra để lừa bịp trẻ. Vì thế, mẹ cũng cần dạy con thêm một số nguyên tắc sau:
– Không bao giờ lên xe của một người mà con không biết hoặc cảm thấy không an toàn, cho dù họ có một chiếc xe rất đẹp và cho con quà bánh.
Vậy con sẽ làm gì khi có người mời con lên một chiếc xe rất đẹp và cho con quà bánh?
Hãy la lên: “KHÔNG” và chạy càng nhanh càng tốt
– La lên “KHÔNG” và chạy đi, dù cho người lạ có nói với con rằng ba mẹ đang bị ốm và họ sẽ đưa con về nhà.
– KHÔNG CHO người khác ngoài cha/ mẹ cởi áo, quần, sờ vào những điểm nhạy cảm của cơ thể.
– Không bao giờ bước vào nhà ai vì bất kỳ lý do gì, trừ khi ba mẹ con biết người đó và đồng ý cho con vào nhà họ chơi. Ngay cả lúc con đang buồn chán, không có ai chơi cùng và người đó có những món đồ chơi rất thú vị, con cũng không được vào vì như thế không an toàn cho bản thân con.
– Dặn con KHÔNG mở cửa hay trả lời điện thoại cho người khác biết là đang ở nhà một mình.
– Thỉnh thoảng sẽ có người dùng Internet để dụ dỗ con. Nếu ai đó trên internet nói điều gì làm con thấy không thoải mái hoặc hẹn gặp con ở một nơi nào đó, con không được trả lời lại. Lúc đó, con phải NÓI VỚI BA MẸ NGAY LẬP TỨC!
Lưu ý: Tuyệt đối không để trẻ một mình với bất kỳ ai, dù đó là bạn rất thân của cha mẹ. Thực tế đã có nhiều vụ lạm dụng tình dục trẻ em mà thủ phạm là người thân, bạn bè cha mẹ, hàng xóm…
Tuyệt đối không để trẻ một mình với bất kỳ ai (Ảnh minh họa).
Cách của mẹ thông thái
Dạy con biết tự vệ, tránh bị những tên ‘yêu râu xanh’ lạm dụng chính là cách bảo vệ con. Vì thế, mỗi người mẹ thông thái lại có cách riêng của mình.
Một độc giả có nickname matongnghe chia sẻ trên diễn đàn WTT kinh nghiệm ‘huấn luyện’ con khá hay là: khi tắm cho con, 2 vợ chồng luôn dạy con phải tự vệ sinh chỗ kín, ba và mẹ chỉ giúp khi con cần chứ không chạm vào ‘chỗ riêng tư của con’. Để con nhớ, vợ chồng chị luôn nhắc chỉ có ba, mẹ hay bà ngoại (bà là người hay tắm cho con) mới được chạm vào ‘chỗ kín’ của con, ngoài ra khi có ai khác chạm vào thì con phải thông báo ngay. Thế là con nhớ.
“Có 1 lần chị giúp việc tắm xong, tay ôm bé luồn qua háng, vô tình chạm vào chỗ kín thì bé đã la lên “Mẹ dặn chị không được chạm vào ch*m em”. Thôi coi như là con cũng có ý thức bảo vệ mình ban đầu, từ từ ba mẹ sẽ dạy con”, bạn matongnghe nói.
Cũng đặc biệt quan tâm đến việc dạy con tự vệ từ sớm, chị chị Tuyết (Khu Đô thị Văn Quán, Hà Đông, Hà Nội) tâm sự: “Từ khi con gái 3 tuổi, mình đã dạy con rằng cơ thể là ‘sở hữu riêng’ của con và không ai được phép động vào nếu con chưa đồng ý. Đặc biệt khi cha mẹ không có nhà, con không được tự ý mở cửa cho khách vào dù là người quen biết, mà hãy gọi anh chị hoặc người lớn hơn, hoặc gọi điện cho cha mẹ để thông báo…
Không biết có phải được mẹ dạy kỹ mà bé có vẻ ‘khôn’ hơn so với trẻ cùng tuổi. Người lạ động vào người là phản ứng ra mặt ngay”
Chị Tuyết chia sẻ thêm: Không ai nhạy cảm với những biểu hiện bất thường của con tốt hơn mẹ. Vì thế, khi thấy trẻ tỏ thái độ khó chịu với người quen biết nào đó hoặc nói rằng chúng cảm thấy không thoải mái khi ở một mình với người đó, thay vì trách mắng, phê phán con là hư, hỗn… mẹ nên để ý kỹ xem cách cư xử của người đó với con mình thế nào, hỏi con lý do và tỏ ý sẵn sàng trợ giúp nếu con gặp vướng mắc.
Riêng chị Q.N (nhân viên ngân hàng Techcombank) lại học lỏm và áp dụng ‘Luật bàn tay’ để dạy cô con gái tuổi tiểu học về khoảng cách đúng mực trong giao tiếp, giúp con biết cách ứng xử phù hợp với những người xung quanh, đồng thời cảnh giác và phòng tránh nguy cơ bị xâm hại.
Theo đó, bàn tay được chia làm 5 vòng tròn đồng tâm. Vòng tròn nhỏ trong cùng thể hiện mối quan hệ thân thiết, ruột thịt của trẻ như cha mẹ: trẻ có thể ngồi gần, ôm chặt, để người thân bế ẵm (cha mẹ ôm con và con vòng tay ôm cha mẹ, nói với con rằng chỉ ôm ấp âu yếm những người thân của mình như cha mẹ, ông bà thôi).
Ở vòng tròn thứ 2 (tiếp theo vòng tròn trong cùng), trẻ có thể nắm tay. Đó là những người họ hàng, thầy cô, bạn bè. Trẻ có thể bắt tay với người quen trong vòng thứ 3 và vẫy tay với những người không quen biết ở vòng thứ 4.
Ở vòng tròn ngoài cùng, trẻ sẽ xua tay với những người xa lạ và “đáng ngại” nếu họ đến gần trẻ và có những hành động thân mật. “Đáng ngại” ở đây không hẳn là mặt mũi đáng sợ hay râu ria dữ dằn mà còn nằm ở cảm nhận vốn rất nhạy bén của trẻ. Nếu con cảm thấy sợ hãi hay bất an, cùng với xua tay không cho người lạ lại gần, dạy con hét to và bỏ chạy.
Để bé thực hành và ghi nhớ, cha mẹ nên thường xuyên hỏi những mẫu câu như: Nếu chú hàng xóm muốn ôm con con đồng ý không? Một người lạ lại bế hay dắt tay con, con cảm thấy rất sợ, con sẽ làm gì?
Theo Eva