Kinh nghiệm cúng giao thừa cho mẹ
Cúng giao thừa là một nghi thức có tính truyền thống trong thời khắc giao thoa giữa một năm âm lịch cũ và một năm âm lịch mới. Không phải mẹ nào cũng nắm rõ những thứ cần chuẩn bị và cần phải tiến hành những bước gì. Mời mẹ tham khảo
Ý nghĩa của mâm cúng giao thừa
Theo giân dan lưu truyền, mâm cúng giao thừa có ý nghĩa tiễn đưa người nhà trời đã cai quản nhân gian trong năm cũ và cũng là đón người mới đến làm “nhiệm vụ”. Ngoài ra, mâm cúng giao thừa gắn liền với lễ trừ tịch, là nghi thức để trừ bỏ những điều xui rủi, không trọn vẹn trong năm vừa qua và mở màn cho một năm mới với những mong ước, hi vọng cho một năm mới sung túc, an khang.
Nên chuẩn bị những gì trong mâm cúng giao thừa?
Thông thường, các gia đình sẽ thực hiện 1 mâm cúng ngoài sân, đặt ngay trước cửa chính để cúng trời đất và một mâm cúng trong nhà để cúng tổ tiên.
Mâm cúng ngoài trời thường đặt ở hướng Bắc (tượng trưng cho trời) hoặc hướng Đông (tượng trưng cho nhà vua). Trên mâm cúng có rát nhiều loại lễ vật khác nhau như thủ (đầu) lợn, bánh chưng, mứt kẹo, trầu cau, rượu, trà, hoa quả… Nhiều gia đình người Việt cúng gà trống thay cho thủ lợn và xôi thay cho bánh chưng và những lễ vật này cũng đã thay đổi theo thời đại. Người ta cũng tùy theo hoàn cảnh của mỗi gia đình mà thực hiện mâm cúng thế nào cho thích hợp.
Mâm cúng tổ tiên thường gồm có những món của ngày Tết như: bánh chưng, thịt gà, xôi gấc hoặc xôi đậu xanh và những món ăn khác.
Một mâm cúng giao thừa thường bao gồm nhiều món ăn tùy theo điều kiện của các gia đình
Cách thức cúng giao thừa
Cúng giao thừa ngoài trời
Đúng vào thời khắc giao thừa, người chủ gia đình thắp đèn, nến, rót rượu, rót trà, rồi khấn vái trước mâm lễ. Sau khi tàn nhang, nếu viết bài văn khấn trên giấy và có bày vàng mã trên mâm thì chủ nhà sẽ đem đốt (hóa) những món lễ vật này.
Theo các chuyên gia phong thủy, mâm cúng ngoài trời cần được thực hiện dưới mặt đất, nơi giao thoa đủ các yếu tố trời-đất và con người. Do đó, các gia đình hiện đại sống ở trong các khu chung cư không có không gian đất đai rộng có thể tập trung nhiều hơn vào mâm cúng trong nhà.
Cúng giao thừa trong nhà
Thời khắc giao thừa vừa đến, các thành viên trong gia đình sẽ nghiêm trang đứng trước bàn thờ để tiến hành nghi lễ cúng giao thừa với các lễ vật đã chuẩn bị sẵn trên bàn thờ gia tiên. Sau đó, người chủ gia đình sẽ thắp hương trên bàn thờ và các thành viên trong nhà cầu khấn cho một năm mới nhiều sức khỏe, vạn sự như ý, tốt lành, còn người chủ gia đình sẽ đọc bài văn khấn. Sau khi tàn nhang, nếu viết bài văn khấn trên giấy và có bày vàng mã trên mâm thì chủ nhà sẽ đem đốt (hóa) những món lễ vật này.
Ngoài những điều trên, các mẹ có thể tham khảo trước nội dung các bài khấn giao thừa từ những bậc cao niên trong gia đình. Bên cạnh đó, việc chuẩn bị lễ vật hay tiến hành các nghi thức cúng giao thừa trong các gia đình nhiều thế hệ cùng sinh sống nên được thống nhất từ trước để tránh những xích mích không cần thiết trong dịp năm hết, Tết đến.
Theo Marrybaby