Lợi ích và ‘độc hại’ của thiết bị thông minh với trẻ nhỏ
Với tốc độ phát triển về công nghệ như hiện nay thì tại các thành phố lớn việc mỗi gia đình trang bị cho con điện thoại thông minh hay máy tính bảng gần như trở thành việc bình thường.
Bản thân người lớn khi quá lạm dụng những thứ này sẽ tạo một thói quen lệ thuộc hay nói cách khác là nghiện… thiết bị. Bỏ nhiều thời gian trên một thiết bị thông minh liệu họ có cảm thấy đang hưởng thụ cuộc sống hay để thời gian trôi qua vô ích?
Ngoài việc để giải quyết công việc và trả lời những cuộc đàm thoại, thời gian còn lại để xem thông tin, giải trí chiếm trọn gần như quỹ thời gian trong ngày. Thời gian cho đầu óc nghỉ ngơi, dành cho gia đình dần dần bị thu hẹp.
Nhưng, người lớn có thể tự chủ để phân bổ quỹ thời gian sao cho hợp lý còn trẻ em thì sao?
Theo các chuyên gia tâm lý và thể chất, việc cho trẻ sử dụng thường xuyên những thiết bị này sẽ gây ảnh hưởng đến nhiều mặt trong cuộc sống của trẻ. Với những trẻ trong độ tuổi từ 2 – 5 tuổi, đây là giai đoạn trẻ hoàn thiện khả năng vận động các chi, việc ngồi lâu trước thiết bị, ít vận động vô tình tạo tác động ì lên cơ thể, dẫn đến việc trẻ sẽ khó khăn trong quá trình vận động như độ khéo léo, linh hoạt của tay chân sẽ không bằng những trẻ có nhiều thời gian vận động thân thể.
Đôi khi nó tạo thành quán tính là chỉ biết các động tác quét trên màn hình nhưng với các động tác cần sự linh động cao hơn khi cầm nắm các đồ chơi thì trẻ thật sự ngượng nghịu.
Đặc biệt có những kí ức tuổi thơ sẽ bị mai một và xóa mờ theo năm tháng do trẻ suốt ngày chỉ còn biết đến các kí ức được tạo ra trong quá trình sử dụng thiết bị…
Do dành thời gian quá nhiều cho các thiết bị này, khả năng tập trung để xử lý các tình huống ngoài đời thực của trẻ cũng bị hạn chế.
Khả năng tư duy, sáng tạo cũng bị ảnh hưởng rất nhiều do không được tiếp cận những trò chơi vận động, sử dụng chân tay và trí óc để hoàn thành trò chơi.
Từ những điều trên cũng dẫn tới việc hòa nhập vào cộng đồng kém. Đặc biệt có những kí ức tuổi thơ sẽ bị mai một và xóa mờ theo năm tháng do trẻ suốt ngày chỉ còn biết đến các kí ức được tạo ra trong quá trình sử dụng thiết bị…
Nhưng ảnh hưởng nặng nề nhất chính là sự liên kết giữa các thành viên trong gia đình sẽ ngày càng mờ nhạt. Những ngày cuối tuần, những lúc có thời gian rảnh rỗi, thay vì cha mẹ chơi đùa cùng con cái thì có nhiều vị phụ huynh đặt vô tay con mình cái máy tính bảng để con tự chơi rồi mình lại làm việc khác hay cũng sử dụng máy tính bảng như con.
Có nhiều đứa trẻ rất nhạy cảm, nó sẽ nhận ra đôi khi cha mẹ chúng rất yêu thích bên thiết bị thông minh còn hơn muốn chơi đùa với chúng.
Suy nghĩ trẻ rất ngây thơ, đã có nhiều nghiên cứu cho thấy, trẻ theo thời gian sẽ thần tượng thiết bị thông minh và coi nó là vật thần thánh, bất ly thân không thể tách rời cuộc sống.
Dĩ nhiên nếu tình trạng này cứ tiếp diễn mà không có sự quan tâm từ cha mẹ, trẻ sẽ tự xây cho mình “lô cốt” trong không gian ảo và tự nhốt mình, hay nói đúng hơn là cô lập mình với thế giới xung quanh, dẫn đến bệnh tâm lý như tự kỷ là rất cao.
Việc trẻ sử dụng thiết bị thông minh như máy tính bảng hay điện thoại di động là việc tất yếu sẽ đến trong thời buổi công nghệ hôm nay. Nhưng sử dụng thế nào cho hợp lý mà không ảnh hưởng đến thể chất và tâm lý lại phụ thuộc hoàn toàn vào phụ huynh.
Do đó, phụ huynh cần phân bố thời gian xem truyền hình, thời gian sử dụng thiết bị thông minh cho trẻ không nên quá 2 tiếng trong ngày và không nên sử dụng liên tục trong 2 tiếng mà nên chia theo thời gian biểu một cách khoa học.
Điều quan trọng là cha mẹ hãy là chỗ dựa vững chắc cho con, để con trẻ có thể chơi đùa, chia sẻ những niềm vui, nỗi buồn trong giai đoạn mầm non, hình thành nhân cách.
Theo Một Thế Giới