Lười học phải đâu là chuyện lớn

Bé của bạn vẫn đang tuổi ăn chơi, học hành nên việc trẻ lơ là, chưa hứng thú lắm với việc học cũng là điều dễ hiểu.

 

Đi học con có vui không?

Thay vì hỏi hôm nay con được mấy điểm, học giỏi như thế nào thì ca sĩ Hiền Thục lại hỏi bé Gia Bảo của mình một câu rất đơn giản: Đi học con có vui không? Người mẹ trẻ xinh đẹp cho biết, mình đã suy nghĩ rất nhiều khi quyết định hỏi con như vậy. Những câu hỏi kiểu “áp lực” như học được mấy điểm 10, học ngoan hay học giỏi đều khiến cho trẻ có cảm giác nặng nề và có tâm lý phòng thủ. Lâu ngày bé sẽ có cách đối phó nói dối mẹ khoe thật nhiều điểm 10 cho mẹ vui, còn điểm thấp thì giấu tịt đi. Nhưng với câu hỏi trên lại mang đến cho bé một cảm giác cởi mở hoàn toàn khác. Bé sẽ cảm thấy việc học không có gì nặng nề với các con số, con điểm, miễn bé vui vẻ ở lớp, ở trường và về nhà đã có người thân bên cạnh yêu thương mình. Nhờ tư duy đó mà con gái Hiền Thục đã xem mẹ như một người bạn thân, có thể thủ thỉ, tỉ tê tất cả mọi chuyện, chuyện ở trên lớp, kể cả việc bị điểm kém hoặc không hiểu bài.

Trở thành một người bạn lớn với con là điều không hề dễ dàng. Nhiều bậc phụ huynh khi thấy con xao lãng việc học hành, không ôn bài ở nhà hay phát hiện con bị điểm kém liền “gầm” lên khiến trẻ sợ tái xanh mặt mày. Tự trẻ sẽ sinh ra phản ứng đối phó với bạn để được lòng bố mẹ: Trốn học vẫn nói dối ba mẹ đi học, miễn cưỡng ngồi vào bàn học thay vì học bài cho hết giờ quy định lại làm trò khác giết thời gian, xé điểm xấu che mắt bạn… Nếu bạn phát hiện ra những sự thật đó rất dễ đau lòng. Đứa con bé bỏng của bạn đã biết nói dối và không còn hứng thú với việc học hành sao?

 

Luôn ở bên con

Đừng bi quan với những suy nghĩ tiêu cực như vậy. Trẻ con bao giờ cũng như tờ giấy trắng. Việc nói dối hay phản kháng lại bố mẹ chỉ là bản năng tức thời của trẻ mà thôi.

Anh Hữu Tài, phụ huynh của bé Quỳnh An, học sinh giỏi toán cấp Thành phố, cho biết, việc dạy con học của anh gần như… chẳng có phương pháp nào cả. Anh luôn khuyến khích con nói lên suy nghĩ của mình và thường đưa ra nhận xét sau khi đã lắng nghe hết câu chuyện của con. Trong những cuộc trò chuyện nho nhỏ hàng ngày, anh xen lẫn những bài toán đố, cách tư duy con số thông minh để dẫn dắt “cô trò nhỏ” của mình vào thế giới phép tính dễ hiểu, logic. Bé Quỳnh An hiện đang học lớp 3 nhưng không vì thế mà anh lại lo cuống cuồng việc học của bé. Mỗi ngày, bé học bán trú ở trường đủ 8 tiếng, về đến nhà anh trò chuyện cùng con, xem bài vở của bé. Nếu thấy bé chưa hiểu lắm một đề toán khó hay bài văn cần phân tích, anh sẽ ngồi cùng con tháo gỡ vấn đề. Việc học thường diễn ra khá nhanh vì sau đó anh còn hứa hẹn với con sẽ chơi những trò giải trí như chơi ô quan, đi nhà sách hoặc thư giãn một bộ phim hoạt hình thú vị.

Anh Tài chia sẻ nếu ép con học quá nhiều, bé cũng chỉ dung nạp ở một mức độ nào đó và mất hứng rất nhanh. Lúc đó, dù có ngồi học, trẻ vẫn không tài nào tiếp thu được bài và tốt nhất lúc này hãy “cởi trói” cho con, hướng bé vào niềm say mê thích thú nào đó thay vì phạt bé. Chính suy nghĩ cởi mở này nên bé gái nhà anh rất thoải mái khi học bài và chính bản thân anh cũng thấy nhẹ nhõm khi con có ý thức học và mình không phải bận tâm vì những ám ảnh sao con không chịu học bài.

Vậy làm sao để con tự giác học hành mà không phải nhắc nhở? Điều đó được ví như nhiệm vụ bất khả thi. Trẻ đang độ tuổi ăn học từ 6- 10 tuổi thường có khuynh hướng thích chơi nhiều hơn học. Ngay cả khi ôn bài, trẻ cũng không muốn có cảm giác quá căng thẳng với lời nhắc nhở của mẹ, cái nhăn trán của ba hay sự kè kè sát sao bên bàn học của những người thân. Tuy nhiên, nên rèn cho trẻ một thói quen có trách nhiệm với việc học của mình: Bé cần hoàn thành bài tập về nhà. Học xong mới có thời gian tận hưởng sự vui chơi.

 

Nghiêm khắc đặt sao cho đúng?

Với con trẻ, sự dịu dàng và nghiêm khắc được ví như cương – nhu đúng lúc. Để động viên trẻ có niềm vui trong học tập, bạn cần một thái độ vui vẻ, gần gũi và đôi khi cần đánh vào điểm yếu, điểm mạnh của con. Nếu bé là người hay lo xa, bạn khuyến khích tinh thần tự giác của bé. Nếu bé là người ham chơi hơn ham học, bạn cần có những phương pháp để con cân bằng trở lại. Ví dụ như kể những câu chuyện hiếu học cho con nghe, muốn làm siêu nhân hay tổng thống như con mong muốn cũng cần phải học giỏi mới làm được, hay đơn giản con muốn ăn kẹo thì phải học giỏi mới có thể kiếm tiền mua những thứ bé yêu thích.

Trước khi kịp phê phán sự không tích cực của bé trong việc học, bạn nên tìm hiểu rõ nguyên nhân để uốn bé trở lại. Những lời dịu dàng, ngọt ngào, khích lệ luôn là liều thuốc kích thích tinh thần của con. Trong sự mềm mỏng đó, bạn vẫn thể hiện tính nghiêm khắc của mình. Trong mọi tình huống nên giải quyết dứt khoát bằng nguyên tắc: Nếu con chưa học bài, con sẽ nhận kết quả… và ngược lại.

Một thực tế cho thấy, bé sống trong gia đình hòa thuận, êm ấm sẽ có xu hướng học tốt hơn những đứa bé có hoàn cảnh trục trặc. Tâm lý được đánh giá rất quan trọng. Khi bé sống đúng với lứa tuổi của mình, không lo lắng bất cứ điều gì, bên cạnh luôn có cha mẹ chăm sóc, trẻ sẽ có tâm lý cân bằng để phát triển toàn diện. Bạn là tấm gương để con soi vào. Hãy cho con thấy việc chăm học sẽ thu lại được những kết quả tốt đẹp như được thầy cô yêu mến, bạn bè khâm phục, ba mẹ vui vẻ…
 

Mỹ Khanh
Theo Ngôi Sao

Có thể bạn muốn xem

Cha mẹ vất vả với “tuổi nói không” của con

Sau đây là 1 vài bí quyết giúp cha mẹ sẵn sàng “nói có”. Không...
Xem thêm

Dạy bé sử dụng nước thông minh

Dân số loài người hiện nay (chưa kể các sinh vật khác nữa) chắc hẳn...
Xem thêm

Trò chơi dạy con cách lắng nghe

Lắng nghe là một nghệ thuật đang dần bị mai một, không chỉ trẻ em...
Xem thêm

Mẹ nghỉ ngơi, bé chơi vui

Bọn trẻ con thật đáng yêu, nhưng nhiều khi bạn cũng kiệt sức vì phục...
Xem thêm
Hotline
Nhắn tin Zalo
Nhắn tin facebook
button