Mắc bẫy

Doanh nhân triệu phú người Mỹ gốc Việt, tiến sĩ Alan Phan nói: ”Dạy con khó hơn chục lần điều hành doanh nghiệp và đau đầu hơn nhiều vì không thể làm lại được…”. 

 

Không riêng ông Phan, nhiều bậc cha mẹ nuôi con thời hiện đại cũng cảm thấy khó khăn và lúng túng giữa các phương pháp dạy dỗ chúng. Bảo bọc hay để con độc lập quá mức và dù theo phương pháp Âu, Mỹ, Nhật… cũng đều ẩn chứa yếu tố bất bình thường một khi những phương pháp ấy của cha mẹ không phù hợp với sở thích, cá tính, lứa tuổi… của trẻ. Chuyên đề kỳ này của TGGĐ sẽ cho bạn góc nhìn rõ hơn về việc giáo dục con cái.

 

 

Cuộc sống hiện đại mang đến nhiều kiến thức, phương pháp mới để nuôi dạy con cái. Tuy nhiên, nếu nghĩ luôn “tân thời” là đúng và ba mẹ cứ cố bám víu, máy móc ép con trẻ vào cái khuôn hiện đại, tân tiến đó thì sẽ dẫn đến những tác hại không nhỏ!
 

Hiện có không ít ông bố, bà mẹ trẻ ra sức “cách tân” chuyện nuôi dạy con cái. Họ mạnh mẽ khước từ cách nuôi dạy con của ông bà ngày xưa, chạy theo cái mình cho là đúng và thường được “dẫn chứng” bằng câu nói: “Bên Tây họ đều làm như thế cả, vậy con mới thành tài, nên người!”.
 

Ôi, bé sành điệu lắm!
 

Chưa đầy 8 tuổi, bé My, con gái “rượu” của vợ chồng anh Vinh – chị Thảo (Q. 1, TP. HCM) tỏ ra “sành điệu” trong chuyện ăn, mặc. Một bữa My được dì dẫn đi sở thú chơi, sợ cháu đói, dì dẫn tới một tiệm bánh mì tươi trên đường Mạc Đĩnh Chi để mua bánh thì bé My đứng khựng bảo: “Con chỉ ăn bánh của Paris Baguette thôi”. Dì sững sờ, trong bụng sực nhớ: “Mình quên là nó chỉ mặc đồ của Chloé, Old Navy, Zara…” và phải quay ra chở bé đi mua đúng hiệu bánh nó thích. Dì về kể cho mẹ Thảo nghe, mẹ Thảo cười sảng khoái: “Ôi, thế mới sành điệu chứ” làm cô em “đứng hình” 5 phút.

 

(Ảnh chỉ có tính chất minh họa)

Góc nhìn chuyên gia
 

Chuyên viên tâm lý Vũ Cẩm Vân, Hội quán Các bà mẹ, TP. HCM kể, chị từng tiếp xúc với một trường hợp khác, bé trai tên Vĩ, 12 tuổi, cục cưng của một gia đình kinh doanh lớn, không chỉ xài toàn hàng “xịn”, Vĩ còn tiêu tiền như nước. Khi bạn bè hỏi vì sao có nhiều tiền, Vĩ dõng dạc tuyên bố: “Tiền của ba mẹ tao xài chẳng bao giờ hết, tất cả đều cho tao!”.
 

“Việc cha mẹ tạo điều kiện để con có cơ hội thụ hưởng đời sống vật chất, văn hóa và tinh thần là không có gì sai. Tuy nhiên, bố mẹ cần biết đâu là những giới hạn để không làm ảnh hưởng đến sự phát triển nhân cách của trẻ. Một khi trẻ được đáp ứng thái quá, trẻ sẽ dễ nảy sinh thói quen hưởng thụ. Khi đó, trẻ sẽ không có sức đề kháng tốt nếu một mai gia đình thất thế”, chuyên viên tâm lý Cẩm Vân nhấn mạnh.

 

Công dân toàn cầu
 

Làm ăn thành công, tiền của dư dả nên vợ chồng anh Dũng – chị Hảo (Q. Hoàn Kiếm, Hà Nội) quyết định cho con vào học trường quốc tế. Mới 7 tuổi nhưng bé Minh đã nói tiếng Anh lưu loát. Chị Hảo tự hào khoe với hàng xóm: “Thời buổi này muốn con thành công thì phải nuôi con theo kiểu… công dân toàn cầu, tiếng Anh như gió, sống và tư duy kiểu mới, hiện đại chứ “nông nghiệp” hoài như mình sao được! Đến trường con tôi thấy nhiều trẻ như vậy lắm, nhìn lanh lợi phát mê!”.
 

Không chỉ học ở trường, bé Minh còn được bố mẹ tạo điều kiện học tiếng Anh ở nhà hết mức. Anh chị thỏa thuận, tivi ở phòng khách chỉ mở các kênh nước ngoài, nói tiếng Anh để bé xem và học. Năng lực nói và tư duy tiếng Việt của Minh vì vậy cũng kém xa khả năng dùng từ tiếng Anh. Còn cái khoản hiểu biết về công nghệ, Minh “ăn đứt” tụi bạn cùng trang lứa bởi anh Dũng, chị Hảo khá thoải mái với chuyện con lướt web, dùng iPad, iPhone…

 


 

Góc nhìn chuyên gia
 

Chuyên viên tâm lý Vũ Cẩm Vân chia sẻ, chẳng ai bảo việc trang bị cho con những kỹ năng tốt, hiện đại như giỏi tiếng Anh, rành công nghệ… để con tự tin hòa nhập thế giới là không đúng, vấn đề là nên làm việc đó cho con khi nào, ở mức độ ra sao và cần kết hợp giáo dục con những giá trị truyền thống thế nào cho cân bằng.
 

Cái gọi là “công dân toàn cầu” nghe rất hiện đại, hấp dẫn nhưng các bậc cha mẹ cần cân nhắc hợp lý, tránh thái quá, biến con thành một người trẻ mất căn bản, nguồn gốc. Người ta luôn đánh giá cao một con người ở chỗ anh có cái gì riêng và cái gì chung với thế giới? Người ta sẽ học được, khám phá được ở anh cái gì mà họ không có? Mỗi đứa trẻ là một tính cách khác nhau, vì vậy ba mẹ cần có những phương pháp giáo dục khác nhau. Trước khi cho con thụ hưởng bất kỳ phương pháp nào – dù Tây hay ta, ba mẹ đều nên chọn lọc kỹ, xem con có phù hợp với phương pháp ấy hay không. Chỉ nên áp dụng một cách từ từ, muốn con “hiện đại, toàn cầu” thì cần phải đúng lúc, đợi con trưởng thành nhất định để con biết mình là ai, mang bản sắc gì. Điều quan trọng là đừng quên giáo dục văn hóa Việt cho con, bởi đó mới là phần “gốc”.

 

Tự lập kiểu Tây
 

Vợ chồng anh Hùng – chị Mỹ (Q. 7, TP. HCM) khá thành đạt, cả hai đều có một thời gian dài du học ở Anh. Khi về nước cũng là thời điểm anh chị sinh bé Khoa. Áp dụng phương pháp nuôi con kiểu Tây, vợ chồng anh chị quyết cho con tự lập sớm. Bé Khoa trước 5 tuổi được vú em lo, sau đó thì chị Mỹ “tinh giảm nhân sự”, mọi việc liên quan đến con được anh chị lên danh sách trong đầu và thường xuyên nhắc nhở con phải thế này, phải thế kia. Bé Khoa tới giờ ăn là tự động ngồi vào bàn, tới giờ tự biết đi đánh răng, lúc ngã thì tự biết đứng dậy…
 

Khi bé Khoa được hơn 3 tuổi, anh chị tách hẳn bé ra, cho ngủ riêng, đặc biệt gần như không bao giờ ẵm bồng, dỗ dành, cưng nựng hay vui đùa cùng con. Anh chị sợ làm vậy con sẽ… “yếu đuối”! Thấy bé Khoa ít đòi mẹ, chị Mỹ nghĩ như vậy là con đã biết tự lập sớm, tự hào khoe với bạn bè. Nào ngờ, mới đây khi chị Mỹ lại gần nựng nịu con thì bị bé Khoa… hất ra, tỏ vẻ khó chịu. Cô giáo ở trường cũng phàn nàn bé Khoa hay lủi thủi chơi một mình, ít bạn bè nào thích chơi với Khoa vì cu cậu quá “khó tính”, cộc cằn.

 

 

Góc nhìn chuyên gia 
 

Nói về trường hợp này, chuyên viên tâm lý Vũ Cẩm Vân cho hay, khả năng tự lập của trẻ hình thành qua từng độ tuổi, thông qua những hành động thường ngày. Tập cho trẻ tự lập khác với việc để trẻ độc lập hoàn toàn. Trẻ tự lập bằng cách học hỏi dần dần và tự mình làm những công việc phù hợp với lứa tuổi. Trẻ tự lập vẫn rất cần đến sự định hướng của bố mẹ mà không dựa dẫm, ỷ lại.
 

Suy nghĩ để con tự làm mọi việc nhằm giúp bé tự lập; không nên gần gũi, chăm sóc sẽ khiến con yếu đuối, dựa dẫm vẫn có điểm đúng. Tuy nhiên, cần lưu ý, việc tách rời con quá sớm mà không căn cứ vào khả năng của trẻ cũng như trẻ chưa mang tâm thế sẵn sàng sẽ để lại những hậu quả khôn lường. Chẳng hạn, nếu cha mẹ cho trẻ ngủ riêng quá sớm, đồng thời không dành cho trẻ những cử chỉ ôm ấp, nựng nịu, gần gũi có thể sẽ ảnh hưởng đến việc hình thành nhân cách của trẻ.
 

Trẻ con không thể thiếu sự quan tâm, âu yếm của mẹ và trẻ cũng cần lắm hơi ấm và bờ vai của cha. Vì vậy, nếu bố mẹ không bày tỏ cảm xúc yêu thương con thì làm sao trẻ có thể cảm nhận được. Và khi bố mẹ đột ngột tách rời, trẻ cảm thấy bị bỏ rơi, cảm giác an toàn trong vòng tay chở che của bố mẹ không còn nữa, từ đó trẻ sẽ luôn trong trạng thái căng thẳng, bất an, dần dần trẻ có xu hướng tự cô lập mình và không quan tâm đến những người xung quanh.
 

Không ít ông bố, bà mẹ trẻ hiện nay cứ máy móc dạy con tự lập theo kiểu “đau không khóc, đói không la, khóc không dỗ”. Đúng là dạy con “tự thân vận động” từ nhỏ là việc nên làm nhưng tự thân không đồng nghĩa với việc bỏ mặc con. Một đứa con biết tự lập nhưng vẫn gắn bó, gần gũi với gia đình mới là thành công của cha mẹ.
 

HOÀI ÂN
Theo Thế giới Gia đình

Có thể bạn muốn xem

Cha mẹ vất vả với “tuổi nói không” của con

Sau đây là 1 vài bí quyết giúp cha mẹ sẵn sàng “nói có”. Không...
Xem thêm

Dạy bé sử dụng nước thông minh

Dân số loài người hiện nay (chưa kể các sinh vật khác nữa) chắc hẳn...
Xem thêm

Trò chơi dạy con cách lắng nghe

Lắng nghe là một nghệ thuật đang dần bị mai một, không chỉ trẻ em...
Xem thêm

Mẹ nghỉ ngơi, bé chơi vui

Bọn trẻ con thật đáng yêu, nhưng nhiều khi bạn cũng kiệt sức vì phục...
Xem thêm
Hotline
Nhắn tin Zalo
Nhắn tin facebook
button