Mẹ cứ ngỡ con có lỗ nhỏ ở vành tai là thông minh nhưng sự thật lại rất nguy hiểm
Hiện tượng trẻ sơ sinh có một lỗ nhỏ trên vành tai khiến nhiều mẹ thích thú nhưng thực ra nó có thể gây ra biến chứng nguy hiểm.
Xuất hiện trên nhiều diễn đàn hay các fanpage, một số bà mẹ trẻ truyền tai nhau câu chuyện trẻ sơ sinh chào đời với một dấu hiệu đặc biệt đó là có lỗ nhỏ trên vành tai “tiên đoán” đứa trẻ ấy lớn lên là người con hiếu thảo, thông minh nhanh nhẹn và có số giàu sang.
Nhiều người đùa vui rằng bé sơ sinh có lỗ nhỏ ở vành tai thường rất thông minh. Ảnh minh họa
Tuy chỉ là một câu chuyện mang tính chất giải trí nhưng lại trở thành đề tài bàn tán xôn xao bởi không phải đứa trẻ nào sinh ra cũng sở hữu dấu hiệu đặc biệt đó. Vậy thực chất, lỗ nhỏ trên vành tai đó là gì và nó có ảnh hưởng như thế nào đến sức khỏe của trẻ?
Lỗ nhỏ trên tai trẻ là dị tật bẩm sinh
Lỗ nhỏ này có tên khoa học là preauricular sinus hay còn gọi là rò luân nhĩ , thường nằm phía trước vành tai, tại điểm nối giữa tai và mặt.
Rò luân nhĩ là một loại dị tật bẩm sinh hiếm gặp.
Rò luân nhĩ lần đầu được đưa ra vào năm 1864, bởi nhà khoa học Van Heusinger. Theo tài liệu được ghi lại, đây thực chất là một dị tật bẩm sinh, thường xảy ra ở tuần thứ 6 của bào thai, tạo một lỗ nhỏ vùng trước vành tai đi sâu vào trong để bám vào màng sụn. Đường rò là một ống được lát bởi biểu mô có khả năng chế tiết. Rò luân nhĩ hình thành do sự kết hợp không hoàn chỉnh giữa cung mang thứ nhất và cung mang thứ 2 để tạo ra tai ngoài.
Vì là dị tật nên tất nhiên không phải ai cũng có cái lỗ này. Các thống kê cho thấy chưa đầy 1% người châu Âu và châu Mỹ sở hữu nó. Tuy nhiên, ở người châu Phi thì tỉ lệ này lên tới 10%.
Những biến chứng nguy hiểm trẻ có thể gặp phải
Nếu không bị nhiễm trùng thì lỗ rò luân nhĩ hoàn toàn không gây ảnh hưởng gì đến sức khỏe và cơ thể. Đã có nhiều trường hợp người bị dị tật rò luân nhĩ có thể sống chung với nó cả đời mà không cần can thiệp y tế.
Trong trường hợp trẻ sơ sinh bị rò luân nhĩ có các dấu hiệu: ngứa, sưng; có rỉ dịch ở lỗ rò; tiết chất bã đậu trắng đục ở lỗ rò do trẻ gãi, bóp, nặn…; trẻ bị sốt, đau, lỗ rò viêm sưng đỏ do bị nhiễm khuẩn tạo thành một ổ áp-xe ngay tại lỗ rò hoặc lan ra những vị trí khác sau tai thì cần phẫu thuật loại bỏ đường rò.
Ngoài ra, nếu con bị rò luân nhĩ , bố mẹ chỉ cần lưu ý vệ sinh sạch sẽ vùng tai cho con, tuyệt đối không nặn, bóp sẽ gây viêm.
Khi thấy trẻ hay đưa tay gãi hoặc lỗ rò có những triệu chứng như rỉ dịch nhờn, quanh lỗ rò phình lớn hơn thì cha mẹ cần cho trẻ đi khám ngay tại các cơ sở có bác sĩ chuyên khoa tai mũi họng để có cách điều trị sớm.
Theo Emdep