Nuôi con kiểu ‘gà công nghiệp’
Bê bát cơm chạy theo bón cho con trai gần 6 tuổi, chị Thu (Hà Đông, Hà Nội) chốc chốc lại kêu to “không chạy nữa con, ngã giờ”. Khi cậu nhóc không muốn ăn nữa, chị lắc đầu “bụng chưa căng, chưa no đâu, phải ăn thêm”.
Đang mang bầu đứa con thứ hai, chị Thu (32 tuổi) thường than thở quá mệt khi chăm sóc cậu con đầu dù bé sắp bước sang tuổi thứ 6. Sáng nào cũng vậy, chị gọi mãi cậu nhóc mới uể oải dậy, đợi mẹ đánh răng rửa mặt rồi xúc cho ăn, đưa đến lớp. Chiều đón con về, chị Thu lại tất bật tắm, đút cho ăn rồi cả buổi tối chạy theo hò hét cậu nhóc chạy nhảy, nghịch ngợm khắp nhà.
“Thằng cu nhà mình từ bé khó ăn, khó ngủ nên hơi còi, mình phải cố đút cho cháu ăn được càng nhiều càng tốt”, chị Thu lý giải khi có người bạn hỏi sao không để cho con trai tự xúc ăn. Chị cũng không dám để con tự tắm vì “làm sao bằng ngần đấy mà tự tắm được, vào nhà tắm một mình là nó lại nghịch thôi, vầy nước lâu ốm thì khổ”.
Chị Bích (Hoài Đức, Hà Nội) thì sáng nào cũng dậy sớm ninh nồi cháo, cho vào cặp lồng để cậu con trai 4 tuổi rưỡi mang tới trường. “Cháu nó chỉ ăn cháo thôi, ăn cơm lâu lắm, vài tiếng mới được bát”, chị giải thích.
Theo lời chị Bích kể, con chị hồi nhỏ hay nôn trớ nên tất cả đồ ăn của con chị đều phải xay mịn. Lớn lên, cậu nhóc cũng chỉ ăn những thứ thật nhuyễn, không thích nhai. Lúc bé 4 tuổi, chị Bích mới cho con đi học mầm non vì lúc nào cũng lo đến trường con không được chăm kỹ, lại dễ lây bệnh.
“Mình phải xin cho bé vào trường có người quen, rồi tháng tháng gửi thêm tiền cô giáo, để cô chăm con hơn, nhờ cô đút cháo cho con ăn hộ, ở nhà bé chưa tự xúc bao giờ. Cô nói các bé 4 tuổi đều đã ăn cơm nên mình nấu riêng cháo mang tới cho bé”, chị Bích kể.
Cũng vì không lúc nào yên tâm về con, chị Đào (Tây Hồ, Hà Nội) 7 năm qua chưa bao giờ dám đi đâu xa nhà tới vài ngày. Những dịp cơ quan đi nghỉ mát, bà mẹ hai con không tham gia vì “đưa con đi cùng sợ bé mệt, ốm, để con ở nhà thì thấp thỏm, không yên, lại mang cảm giác có lỗi với con”. Những đợt cơ quan cử đi công tác hay tham gia khóa học nhiều ngày, chị đều nhờ đồng nghiệp đi thay hoặc xin phép ở nhà với lý do “bận con nhỏ”, dù hai bé con chị một đã vào tiểu học, một đang theo lớp mẫu giáo lớn.
“Đêm đến không có mẹ là các cháu không ngủ được. Sáng mở mắt ra mà không thấy mẹ đâu là cô út khóc ngay. Mẹ phải vào kéo dậy, đưa đi đánh răng, thay váy cho”, chị Đào kể.
Nhà tâm lý Văn Thanh Sỹ, chuyên gia tư vấn tổng đài 1088 TP HCM cho biết, cha mẹ nào cũng yêu thương con cái, nhưng không hẳn lúc nào cũng cần ôm ấp, bao bọc trẻ như khi mới lọt lòng. Cách yêu thương, chăm sóc con ra sao phải tùy từng độ tuổi. Trẻ dưới một tuổi luôn cần được vỗ về trong vòng tay mẹ. Nhưng bé 3 tuổi trở lên thích được tự làm mọi việc và đã có thể tự phục vụ được bản thân (tự xúc ăn, đánh răng, mặc đồ…). Trẻ 16 tuổi có thể phản ứng bực tức khi mẹ vỗ về, cưng nựng.
Ông Sỹ cho rằng, khi bố mẹ chỉ muốn giữ con trong vòng tay mình, trong ngôi nhà mình là không tạo điều kiện cho con khám phá thế giới, học cách phản xạ với môi trường mới, với cuộc sống xung quanh. Điều này chẳng khác gì chú chim nhỏ bị nhốt vào lồng, sau đó không thể bay được, ngay cả khi đã được thả. Cũng như khi bé trên một tuổi, mẹ phải dứt tay ra để con tập đi và tự đi. Khi không có tay mẹ dắt, con có thể ngã, mẹ có thể dang tay hai bên khi con đi để sẵn sàng đỡ khi con ngã, chứ không thể lúc nào cũng ẵm bế bé.
Theo ông, trong quá trình phát triển của trẻ, có một số giai đoạn phụ huynh cần quan tâm đặc biệt như: Khi bé 1 tuổi (khi trẻ bắt đầu tự đi, tự khám phá thế giới xung quanh), 3 tuổi (trẻ tự khẳng định mình và có thể tự phục vụ, học cách tự lập, trẻ dễ rơi vào “khủng hoảng” do mâu thuẫn giữa khả năng và nhu cầu), 11-12 (trẻ chuẩn bị dậy thì), 18 tuổi (trưởng thành) và 23 tuổi (định hình bản chất). Đây là những bước ngoặt trong cuộc sống của con cái, cần sự chú ý của bố mẹ.
“Điều quan trọng là bố mẹ phải biết con cần gì ở mỗi độ tuổi, để biết chuẩn bị cho con cách bước vào đời tốt nhất. Nếu phụ huynh không biết, có thể tìm hiểu tài liệu, hỏi ý kiến chuyên gia”, nhà tâm lý chia sẻ.
Ông cho rằng thương con đúng cách là cho con bài học để sống. Khi luôn bao bọc con, bài học trẻ sẽ rút ra là: luôn luôn dựa dẫm vào người khác.
“Bạn muốn con sau này trưởng thành tự lo được cho gia đình nhỏ của mình, hay vẫn dựa dẫm vào vợ/ chồng hoặc mọi người xung quanh? Hãy biết buông tay để con biết tự lập và trưởng thành”, nhà tâm lý nói.
Ông dẫn chứng, chẳng hạn, một trẻ khi bị ngã, nếu người mẹ ngay lập tức chạy đến, vồ vập xuýt xoa, trẻ sẽ càng khóc ré lên, và lần sau, khi ngã, nó sẽ khóc lóc đến khi mẹ tới nựng nịu đỡ dậy mới thôi. Nếu mẹ biết con ngã không nguy hiểm, chỉ bị trầy xước nhẹ, thì cứ tỏ như làm ngơ, trẻ có thể phủi đất đứng lên nếu không sao, hoặc đau, con sẽ chạy tới bên mẹ kêu, lúc này người mẹ hỏi han và giúp con. Như vậy rèn cho trẻ biết khi cần có thể tìm tới mẹ, còn không, mẹ để con tự do, tập lo cho bản thân.
Theo ông Văn Thanh Sỹ, trẻ được ấp ủ quá còn có thể chậm trưởng thành hơn so bè cùng trang lứa, và khi ra ngoài xã hội dễ bị lấn lướt.
Cùng quan điểm này, bà Nguyễn Thị Mỹ Linh, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu – Ứng dụng Tâm lý và Truyền thông cộng đồng, TP HCM cho rằng, những đứa trẻ bị bao bọc quá mức thường kém tự lập, thiếu các kỹ năng sống cần thiết và khi thoát ra khỏi gia đình thì khó thích nghi. Những trẻ này được gọi là “gà công nghiệp”, chậm trưởng thành và không mạnh mẽ.
Bản thân người mẹ tự tạo áp lực lớn cho mình, khiến cuộc sống luôn nặng nề. “Bình thường, công việc, gia đình đã tạo sức ép lớn lên người phụ nữ, nếu còn cộng thêm sự lo lắng thái quá cho con cái thì cuộc sống của họ quá mệt mỏi”, bà nói. Ngoài ra, khi tập trung quá nhiều cho con, chị em có thể bỏ quên vai trò người vợ trong việc quan tâm, gần gũi chồng cũng như các mối quan hệ, giao tiếp xã hội của mình.
Theo nhà tâm lý, lý do khiến ngày nay không ít bà mẹ quá ấp ủ con là họ cảm thấy môi trường bên ngoài không an toàn, nên không yên tâm khi con rời khỏi vòng tay mình. Các gia đình hiện đại có ít con, thường chỉ 1-2 bé, trong khi điều kiện sống khá lên, nên luôn muốn chăm chút, nâng niu con.
“Điều tốt nhất cho con không phải là bố mẹ cố gắng làm mọi điều cho trẻ, mà là hướng dẫn con tự bảo vệ được mình, có như vậy trẻ mới sống tự tin và gặt hái được thành công. Nhiều người quan niệm, con còn bé thì phải bảo bọc, chăm nom, đến khi con lớn, 18-19 tuổi thì mình buông tay để con tự lo là sai lầm, vì khi đó, trẻ không đủ kỹ năng để tự bước, càng dễ va vấp hơn”, bà Mỹ Linh chia sẻ.
Vương Linh
Theo VnExpress