Tại sao ba phải sợ con?
Đây là câu hỏi mà Norman – nhân vật chính trong bộ phim Norman và giác quan thứ sáu (ParaNorman) – khi bị ba cậu la mắng đã tròn mắt ngạc nhiên hỏi lại mẹ sau khi nghe mẹ an ủi giải thích: “Đôi khi người khác nói những lời ích kỷ, không đúng, phán xét con, làm tổn thương con chỉ vì họ sợ”.
Norman đã không hiểu tại sao ba mình lại có thể sợ mình, tại sao ba lại có thể cấm mình làm những chuyện không gây phiền ai, không hại ai, việc mà chính do khả năng đặc biệt của cậu đã giúp cho cậu có thể nói chuyện với người bà yêu quý đã mất. Và Norman càng ngạc nhiên hơn khi mẹ lại giải thích thêm “Ba không sợ con, ba sợ cho chính ba, ba sợ cho những nguy hiểm có thể xảy ra cho con”.
Bộ phim Norman và giác quan thứ sáu được sản xuất với thể loại hoạt hình. Nhưng tôi không nghĩ đó là bộ phim dành cho trẻ con. Mà đó là phim dành cho những người lớn chúng ta, những người làm cha mẹ và hay cho mình quyền người lớn, trách nhiệm bảo vệ bọn trẻ để rồi ra những quyết định khiến bọn trẻ phải trả giá đắt bằng sự tổn thương có thể kéo dài… đến 300 năm đầy hư cấu như câu chuyện trong phim của cô bé phù thuỷ.
Đôi khi chính chúng ta cũng thường bực tức khó chịu khi bị cấm vào Facebook, một trang mạng xã hội thôi mà, có gì mà phải cấm phải ngăn chặn. Và chúng ta cũng tự giải thích cho chính mình có thể giám đốc công ty sợ chúng ta xao lãng giờ làm việc… nên cấm.
Nào ai không có nỗi sợ hãi, dù đó là nỗi sợ hãi vô cớ. Như tôi đã cấm cậu con trai mười tuổi của mình để mái xéo, cho dù con trai có giải thích đó là kiểu tóc mà con trai rất thích, đó là kiểu tóc dù xéo nhưng không phủ che mắt. Tôi cương quyết với việc cấm tóc mái xéo, tôi không bị lung lay bởi nước mắt của con trai bé bỏng, tôi không run rẩy khi con trai “đe doạ” sẽ giận tôi và không ôm tôi một tuần.
Tôi cấm vì sợ! Tôi sợ sự lệch lạc giới tính, tôi sợ sự đua đòi theo trào lưu hiphop, tôi sợ một ngày tôi không quản lý nổi con mình trước những nhu cầu và sở thích chẳng hạn xỏ lỗ tai, xăm mình. Tôi tự tưởng tượng ra rất nhiều nỗi nguy hiểm phía trước đang đứng sẵn đâu đấy đón chờ tôi khi con tôi ngày một lớn.
Khi xem bộ phim hoạt hình về cậu bé Norman, tôi đã rớt nước mắt khi nhìn thấy cảnh cô bé xinh đẹp thể hiện sự tức giận và lòng khao khát trả thù những người lớn đã phán cô bé tội chết, chỉ vì cô có khả năng nói chuyện với những hồn ma. Cô bé nói mong ước lớn nhất của cô không phải là trò chuyện với hồn ma hay nghe đọc chuyện cổ tích, cô chỉ thích có mẹ và được gần bên mẹ. Tại sao những người lớn kia lại có thể ra quyết định tách cô mãi mãi rời xa mẹ.
Có bao nhiêu lần trong đời chúng ta đã ra những quyết định sai trái, áp đặt, và không biết lắng nghe bọn trẻ con và khiến chúng tổn thương đến mức nghĩ rằng tất cả “thế giới đều là những kẻ xấu vô tình vô tâm cần phải trả thù”. Tôi rất thích một câu nói của bà nội Norman: “Nỗi sợ không xấu, nhưng đừng làm nỗi sợ thay đổi bản chất của con”.
Tôi nhớ khi tôi còn là cô bé học sinh lớp tám, tôi đã khóc gần như cả tuần lễ và cũng đã thề nguyền lớn lên sẽ trả thù ba tôi chỉ vì ba tôi đã đốt hai cuốn truyện tuyển tập cổ tích Việt Nam của tôi. Ba tôi cấm tôi đọc nhiều sách dù đó là truyện cổ tích, cấm tôi làm thơ viết văn. Vì với ba tôi sự lãng mạn văn chương sẽ khiến con gái dễ hư hỏng, yêu sớm, hư sớm, v.v. Tôi bị ép buộc học toán, học Anh văn thật giỏi, và những điểm 9 môn văn của tôi luôn bị ba tôi xem như tôi cố tình chọc giận ba.
Cô bạn thân của tôi có cô con gái thật xinh và cá tính, một lần cô ấy bảo với tôi rằng, cô luôn chờ đón cảm giác một ngày nào đó phải nghe con gái nói muốn đi làm diễn viên múa bụng chứ không phải làm giám đốc như cô ấy.
Một cậu bé có khả năng nhảy hiphop tài tình có thể khiến bạn vỗ tay nhiệt tình khen ngợi, nhưng khi đó chính là con trai bạn thì chưa chắc bạn đã vui vẻ đón nhận tài năng của cháu lúc cháu bảo với bạn muốn trở thành diễn viên đường phố, chứ không phải một anh phi công hay anh kỹ sư như cha mẹ mong muốn.
Trước khả năng đặc biệt của con trẻ, khả năng đặc biệt theo hướng tích cực thì tôi không bàn ở bài viết này, nhưng những khả năng đặc biệt khiến người hàng xóm của bạn hơi e dè về con, khiến người quen của bạn hơi sợ hãi, thì liệu bạn có vì sự e ngại của những ánh mắt người khác nhìn bạn nhìn con mà trở nên vô lý với con, trở thành người cha người mẹ ích kỷ, độc đoán? Điều này thật khó trả lời cho cả tôi và bạn.
Tuy nhiên, khi chưa biết phải trả lời như thế nào thì cả tôi và bạn hãy nhắc nhở chính mình: “Đừng bao giờ buông ra những lời độc ác hay những nhận xét cay độc xấu tính về ai đó – đặc biệt là những đứa trẻ – khi nhìn thấy họ có khả năng đặc biệt khiến bạn sợ chứ không phải họ là người xấu”.
Trần Thị Nhung
Theo SGTT
Theo SGTT