Thao tác xử lý nhanh khi trẻ có dị vật trong tai, mũi bố mẹ cần biết
Việc bố mẹ tự ý xử lý dị vật rơi vào tai, mũi của trẻ mà không kịp thời đưa trẻ đến bác sĩ có thể dẫn đến những hậu quả đau lòng không ai ngờ tới.
Trong những ngày qua, trên nhiều diễn đàn mạng xã hội xôn xao câu chuyện của một bà mẹ khi đi làm về chứng kiến cảnh con trai gần như “tắc thở” vì bị một hạt cườm tròn nằm sâu trong hốc mũi. Được biết, nạn nhân của sự việc là một bé trai đang học lớp mẫu giáo ở một trường mầm non nằm trên địa bàn quận Cầu Giấy, Hà Nội.
Viên bi (cườm) được bác sĩ lấy ra từ mũi bé sau khi đi học mẫu giáo về.
Chỉ sau vài giờ đồng hồ thông tin về sự việc trên được đăng tải đã thu hút hàng nghìn người quan tâm, bình luận và chia sẻ lại câu chuyện.
Sự cố này không phải là chuyện hiếm gặp trong cuộc sống bởi trẻ nhỏ thường rất hiếu động và dễ bị thu hút bởi những vật nhỏ xinh. Chúng có thể cho vào miệng gặm, nuốt hoặc nhét vào lỗ tai, mũi… Hành động này của trẻ vô cùng nguy hiểm và nếu cha mẹ không phát hiện kịp thời có thể dẫn tới việc trẻ bị viêm mũi, viêm tai, nghẹt thở thậm chí tử vong.
Trước đó, vào tháng 9/2015, bé T.K.C, 30 tháng tuổi (ở huyện Kế Sách, Sóc Trăng) đã phải nhập viện Bệnh viện Tai mũi họng Cần Thơ do có một cục pin ở trong mũi bé. Theo lời của cha bé thì gia đình có mua lồng đèn phát nhạc về cho con chơi nhưng trong lúc không chú ý bé gỡ pin ra nhét vào mũi, sau đó la khóc. Gia đình phát hiện cục pin trong mũi bé bèn tìm cách lấy ra nhưng bé khóc nhiều nên cục pin ngày càng lọt sâu vào trong. Bác sĩ cho biết do thời gian ở trong mũi lâu nên acid ở pin làm phỏng niêm mạc mũi bé.
Dấu hiệu nào để bố mẹ phát hiện ra trẻ có dị vật trong tai, mũi?
Có rất nhiều trẻ sau khi nhét vật lạ vào mũi, tai rồi thì quên mất và chẳng nhận ra sự bất thường. Vì vậy, khi thấy trẻ có những biểu hiện sau đây, người lớn hãy kiểm tra xem có vật gì bất thường trong tai, mũi bé hay không.
Dị vật trong mũi
Trẻ rất hiếu động, vì vậy việc trẻ nhét các vật thể lạ vào tai, mũi là điều bố mẹ có thể thường xuyên bắt gặp (Ảnh minh họa)
– Nếu có vật lạ trong mũi, bé sẽ bị chảy nước mũi ở một bên, hoặc bị hắt hơi, sổ mũi, ngạt mũi và hơi thở có âm thanh khác thường. Điều này khác hoàn toàn với việc bé bị cảm lạnh bởi khi bị cảm lạnh thì thông thường, bé sẽ bị chảy nước mũi cả hai bên. Không những vậy, nếu vài ngày sau mà dị vật vẫn chưa được bố mẹ phát hiện ra thì mũi bé có thể sẽ bị sưng lên, viêm tấy, có mùi tanh, thậm chí có mủ. Nặng hơn, trẻ sẽ bị sốt, đau đầu… thậm chí là chảy máu mũi.
– Còn khi bé có vật lạ trong tai, các hiện tượng sẽ không biểu hiện rõ rệt như có vật lạ trong mũi. Chính vì vậy, khi trẻ phàn nàn có vật gì lạ lạ trong tai, kêu đau tai, quấy khóc và sờ vào tai nhiều lần (với trẻ chưa biết nói) thì bố mẹ đừng nghĩ đó là lời phàn nàn vẩn vơ của trẻ con. Trong một số trường hợp, tai của bé sẽ chảy nước, bé cảm thấy rất khó chịu.
Dị vật trong tai
Đừng nghĩ rằng khi bé nói đau tai mà mẹ không nhìn thấy gì trong tai là lời phàn nàn vẩn vơ của trẻ con. (Ảnh minh họa)
Làm thế nào để xử lý vật lạ rơi vào tai, mũi bé?
Việc đầu tiên bạn cần làm khi phát hiện có vật thể lạ trong tai hoặc mũi bé là giữ tâm lý bình tĩnh và cố gắng trấn an con. Thêm vào đó, bạn phải đặc biệt lưu ý không được quát nạt làm trẻ khóc bởi như vậy sẽ vô tình khiến trẻ sẽ hít sâu hơn, tạo điều kiện cho vật lạ tiến vào sâu hơn trong mũi đó.
– Nếu cha mẹ nhìn thấy dị vật trong tai, mũi bé thì có thể xử lý nhanh tại nhà.
Trước hết, cần phải xác định được vật thể lạ đó là gì và vị trí của chúng nằm ở sâu hay nông. Nếu dị vật là pin đồ chơi, vật kim loại hoặc côn trùng thì bạn cần phải chú ý cách xử lý dị vật nếu không muốn gây nguy hiểm cho bé. Bên cạnh đó, nếu dị vật nằm sát bên ngoài vành tai hoặc lỗ mũi và bạn có thể nhìn thấy rõ nó thì cách xử lý cụ thể như sau:
Với dị vật nằm trong mũi: Mẹ dùng ngón tay đè bên cánh mũi không có dị vật, sau đó yêu cầu bé xì thật mạnh. Ngoài ra, mẹ cũng có thể yêu cầu con bịt chặt hai tai, sau đó dùng một tay ấn chặt mũi không có dị vật, thổi thật mạnh vào miệng để dị vật trong mũi bắn ra ngoài. Đây là cách làm logic theo cơ chế khí lưu của mối liên hệ tai – mũi – họng.
Cách cấp cứu tạm thời khi có vật thể lạ rơi vào trong mũi trẻ.
Với dị vật nằm trong tai: Nghiêng đầu trẻ về phía tai có dị vật, lắc nhẹ đầu và dùng tay nhẹ nhàng kéo tai trẻ để dị vật rơi ra ngoài. Nếu dị vật không rơi ra ngoài khi lắc tai, bạn có thể trấn an bé ngồi yên để dùng kẹp gắp dị vật ra ngoài (với điều kiện bạn phải nhìn thấy dị vật). Còn nếu dị vật là côn trùng, mẹ nên dùng đèn pin soi vào để chúng theo đường ánh sáng và bò ra ngoài. Nhưng khi côn trùng không chịu đi ra ngoài theo đường ánh sáng, mẹ có thể xử lý bằng cách nhỏ nước muối hoặc nước sạch vào tai, nằm nghiêng về bên đối diện để côn trùng có thể tự bò ra ngoài.
– Nếu dị vật nằm sâu bên trong và bố mẹ không thể thấy rõ dị vật thì cách tốt nhất là đưa bé đến bác sĩ sớm nhất có thể để lấy dị vật ra bằng các dụng cụ chuyên môn, tuyệt đối không cố lấy dị vật ra khỏi tai, mũi bé. Hãy nhớ rằng việc bạn cố gắng lấy dị vật ra khỏi tai, mũi bé mà không thành công có thể khiến dị vật chui vào sâu hơn, khiến bé rơi vào tình trạng nguy hiểm.
Bố mẹ cần lưu ý rằng sự can thiệp kịp thời của các bác sĩ và các dụng cụ y tế là cực kỳ quan trọng. Ví dụ khi một hạt đậu bị mắc kẹt lâu, nó có thể sẽ nở to hơn và khó lấy ra hơn. Một số dị vật khác còn có thể gây ra những tổn thương nghiêm trọng cho bé như pin, hay dị vật kim loại.
Hãy đưa bé đến bác sĩ càng sớm càng tốt nếu dị vật nằm quá sâu hoặc là gặp phải những dị vật như pin, kim loại (Ảnh minh họa)
Làm thế nào để phòng chống tai nạn thương tích trẻ em do dị vật?
Việc trẻ nhỏ đưa một vật vào mũi và tai là việc rất dễ gặp trong đời sống thông thường. Vì vậy, để hạn chế những tai nạn do dị vật gây ra, bố mẹ hãy lưu ý những điều sau:
– Rà soát xem tất cả đồ chơi trong nhà có phù hợp với lứa tuổi của bé hay không.
– Luôn chú ý quan sát cẩn thận trong lúc bé chơi đùa. Cách tốt nhất là bạn nên dạy bé nhận thức được việc nhét đồ vật vào tai hay mũi mình là việc xấu, bé không được làm thế.
– Luôn hỏi han bé xem bé có khó chịu gì khi đi học về hay đi chơi về hay không.
Theo Ngọc Anh / Trí Thức Trẻ