Thời @: Dạy con thế nào cho phải?
Từ nhỏ chị đã dạy con biết đọc và yêu sách. Những năm tháng tuổi thơ con, thư viện là nơi quen thuộc hơn cả sau không gian ấm áp của ngôi nhà.
Ngày con đỗ đại học, sau khi chạy tới báo tin cho người thầy yêu kính, con bé chạy ngay tới thư viện để báo với các cô thủ thư thân thiết suốt chục năm trời. Sách thay chị, dạy con những điều hay lẽ phải mà chị chưa kịp hoặc chưa tiện dịp bảo ban.
Con bé học Đại học Y. Nữ sinh viên còn một năm nữa ra trường rồi mà vẫn đạp xe lọc cọc tới lớp với chỉ hai đôi dép thay đổi: Đôi nhựa đi trời mưa, đôi dép xốp đi trời nắng. Dép rách hở cả mõm, nó vẫn nằng nặc bảo mẹ khâu vào đi tiếp, không chịu mua mới.
Chị khuyên nó phải biết chăm chút hình thức hơn, nó bảo ở trường con chẳng ai đánh giá người khác qua đôi dép. Người ta chỉ bình phẩm này nọ nếu nó đứng hạng bét trong lớp hay trường, ít khi nhìn xem nó đi xe gì, xỏ dép gì hay quan tâm tới chuyện nó con ai.
Ở nhà, chồng chị làm nhân viên cho một công ty nước ngoài, đóng vai trò trụ cột kinh tế cho cả gia đình. Chị là nhân viên cơ quan nhà nước, lương đều đều 3 năm tăng một lần, nói ít không phải, nhưng thực sự chẳng làm được gì nên chuyện ngoài nuôi thân và nhúc nhắc kéo theo một cái tàu há mồm.
Con bé bảo mẹ cố nuôi em thêm một năm nữa, ra trường rồi nó sẽ thay mẹ đảm nhiệm việc này. Nó cũng bảo, sau này ra trường, nó không thi vào cơ quan nhà nước, vì theo nó, ngoài chuyên môn, nó chẳng có gì để thuyết phục người ta. Mà bây giờ, cơ quan nhà nước tuyển người lại toàn đặt yếu tố chuyên môn vào hạng chót. Nó nói thích làm ở cơ quan nước ngoài như bố, để được thả sức cống hiến, để khỏi phải nịnh bợ, luồn cúi…
Có những chuyện nó làm chị bực mình dù… luôn đúng. Đi ngoài đường, mua chai nước uống xong, nó cũng bỏ vào ba lô đem tới chỗ có thùng rác mới vứt. Có lúc chở nó đi gặp đèn đỏ, chị xấu hổ vì nó kêu ca trách mẹ đã lấn bánh xe vượt quá vạch chờ quy định. Buổi tối nó đi học thêm, tiện đường hai vợ chồng chị qua lớp đón, nó kiên quyết không chịu ngồi ba người một xe mà bắt bố chở mẹ về trước rồi quay lại đón. Chị phát cáu bảo, tối thế có cảnh sát đâu mà sợ thì nó đáp, mình tuân thủ pháp luật đâu phải vì sợ cảnh sát hả mẹ!
Những chuyện tương tự thế khá nhiều. Thi thoảng chị vẫn cáu vì sự “cứng đầu” và cứng nhắc của nó, dù chị biết nó đúng. Vả chăng, tất cả những điều nó nói đều là bởi nó đã nghe chị nói, đã đọc được đâu đó trong sách, báo. Chỉ có điều những non nớt về trải nghiệm sống đã khiến nó chưa được “mềm mại” như chị.
Chị cũng đã từng một thời như nó, tin tuyệt đối những điều tốt đẹp trong sách vở và kiên quyết từ chối, thậm chí chống lại những thói tật xộc xệch, nhếch nhác quanh mình. Nhưng hơn 40 năm sống trên đời, càng ngày, chị càng thấy sự thật trong sách và ngoài đời khác nhau nhiều lắm. Hai với hai chả bao giờ là bốn cả. Nhưng nói sao cho con hiểu đây.
Chị không thể dạy con hãy cứ sống đúng như sách, bởi nếu thế, con chị sẽ không biết và không có khả năng đương đầu trước cuộc đời. Nhưng chị lại cũng không muốn con trở thành một thứ xu thời, cố chạy theo để thỏa mãn những gì cuộc đời sắp bày trước nó. Sợ con vụng về, dại dột, nhưng chị cũng không dám dạy con trở thành người quá khôn khéo, lèo lá. Thực sự là chị chẳng biết nên dạy con thế nào cho phải. Rốt cuộc chị chỉ hy vọng vào một lẽ sống hằng tâm niệm: Con người ta sống thế nào sẽ nhận về thế ấy. Thôi thì “hãy cứ hồn nhiên và bình yên” con nhé!
Theo Dân Trí