Trẻ sơ sinh bị đầy bụng: Mẹ nên làm gì?
Tình trạng trẻ sơ sinh bị đầy bụng rất thường xảy ra. Đây không phải là vấn đề sức khỏe đáng lo ngại nhưng vẫn khiến các bé hết sức khó chịu và quấy khóc nhiều. Mẹ phải làm gì để giải cứu con?
Nguyên nhân trẻ sơ sinh bị đầy bụng
Trẻ sơ sinh bị đầy bụng nhiều nhất là trong 3 tháng đầu đời của bé. Lúc này, hệ tiêu hóa của bé vẫn đang từng bước trưởng thành. Tình trạng này cũng sẽ thường xuyên ghé thăm khi bé ở vào 6 – 12 tháng. Đó là giai đoạn hệ tiêu hóa đang làm quen với rất nhiều loại thực phẩm khác nhau trong quá trình ăn dặm.
Khi trẻ sơ sinh bị đầy bụng, bé thường co chân lên sau đó duỗi ra, cong lưng. Mẹ có thể quan sát thấy dấu hiệu này để biết con đang khó chịu ở vùng bụng.
Tình trạng trẻ sơ sinh bị đầy bụng là điều đầu tiên mẹ nên nghĩ tới khi thấy con quấy khóc mà không rõ lý do
Những nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng đầy bụng khó chịu này gồm có:
Không tiêu hóa được các loại protein trong thực phẩm và sữa
Có thể hệ tiêu hóa của bé không xử lý được một số loại protein đến từ thức ăn của mẹ hoặc từ sữa. Khi bé bú mẹ hoặc bú bình mà thường xuyên bị đầy hơi, có thể do cơ thể bé không tiêu hóa được đường lactose có trong sữa mẹ hoặc sữa công thức.
Quá tải đường lactose từ sữa mẹ
Những em bé thường xuyên bú mẹ quá no hoặc sử dụng bình bú thay vì bú mẹ trực tiếp cũng có thể bị quá tải lactose, dẫn đến đầy hơi, chướng bụng. Nguyên nhân là do lượng men lactase trong cơ thể bé không đủ để tiêu hóa hết đường lactose bé dung nạp vào. Tình trạng này xảy ra do người mẹ không cân bằng được lượng sữa đầu và sữa sau khi cho bé bú. Nếu mẹ quá vội vã đổi bên ngực cho con bú khi bé chưa bú hết sữa ở một bên bầu ngực cũng làm cho bé bú quá nhiều sữa đầu, lớp sữa này thường chứa nhiều đường lactose dễ gây đầy hơi cho bé.
Do ảnh hưởng từ chế độ dinh dưỡng của mẹ
Trong thời gian bé bú mẹ, những gì mẹ ăn sẽ tác động trực tiếp đến bé. Khi mẹ ăn quá nhiều thực phẩm gây đầy hơi, bé cũng sẽ dễ bị đầy hơi. Một số thực phẩm có thể khiến trẻ sơ sinh bị đầy bụng bao gồm:
Các loại đậu
Bắp cải Bruxen (bắp cải nhí)
Bắp cải
Súp lơ và súp lơ xanh
Yến mạch
Bơ
Mận và mận khô
Đào
Lê
Cam chanh
Thông thường, khi bé bị đầy hơi, đau bụng, mẹ nên kiểm tra lại bữa ăn gần nhất của mình gồm những gì và theo dõi. Nếu tình trạng xảy ra với cùng một loại thực phẩm vào những lần ăn sau đó, mẹ nên hạn chế bớt số lượng. Không nên loại bỏ hoàn toàn những món ăn này khỏi chế độ dinh dưỡng của mẹ hoặc trong thực đơn ăn dặm của bé trong tương lai, vì điều này có thể khiến bé bị thiếu chất.
Những cách đơn giản để giúp bé đẩy hơi thừa ra ngoài
Cho bé ợ hơi thường xuyên
Dù bú mẹ hay bú bình, bé cũng đều nuốt phải không khí thừa. Giải quyết tình trạng này không hề khó chút nào, chỉ cần cho bé ợ hơi thường xuyên trong ngày là đủ. Có nhiều tư thế khác nhau để cho bé ợ hơi, chẳng hạn như cho bé ngồi tựa bụng vào cánh tay mẹ, bế bé đứng lên và để đầu bé tựa vào vai mẹ, hay để bé nằm sấp trên đùi mẹ. Mẹ có thể cho bé ợ hơi khi chuyển từ bên bầu ngực này sang bầu ngực kia hoặc khi đã bú được nửa bình sữa để đẩy hết hơi thừa trong bụng bé ra ngoài trước khi tiếp tục bú. Cách này rất tốt cho các bé thường xuyên nôn trớ, ọc sữa hoặc bị trào ngược.
Động tác đạp xe và massage bụng cho bé
Để giải phóng bớt hơi thừa, mẹ có thể cầm hai chân bé, di chuyển nhẹ nhàng như động tác đạp xe đạp. Ngoài ra, massage bụng cũng giúp kích thích ruột đào thải hơi thừa, giúp bé thấy dễ chịu hơn.
Bổ sung men tiêu hóa hoặc thuốc chống đầy hơi
Mẹ có thể tham khảo ý kiến của bác sỹ để chọn cho con một loại men tiêu hóa thích hợp, hoặc một phương thuốc chống đầy hơi hiệu quả trong trường hợp trẻ sơ sinh bị đầy bụng. Lưu ý, việc bổ sung thêm men hoặc thuốc giảm đầy hơi có thể sẽ không phát huy hiệu quả nếu bé bị quá tải lactose.
Thay đổi dụng cụ cho bú
Nếu nhận thấy con rất thường xuyên bị đầy hơi, mẹ nên xem lại bình bú mà mình đã chon. Sản phẩm đó có hỗ trợ bé giảm lượng hơi thừa khi mút sữa vào hay không? Nếu câu trả lời là không, hãy tìm kiếm một sản phẩm thích hợp hơn.
Chú ý tư thế bú của bé
Việc cho con ngậm ti mẹ đúng cách sẽ giúp bé bú nhiều sữa hơn đồng thời giảm hơi thừa. Nếu mẹ cho con bú bình, hãy đảm bảo khi bú, phần đầu của bé cao hơn phần thân.
Cho bé uống nước
Đối với các bé trên 6 tháng tuổi, mẹ hãy thử kiểm tra lại lượng nước con uống mỗi ngày. Uống thiếu nước cũng có thể là nguyên nhân làm be bị đầy hơi. Do đó, mẹ cần bổ sung đầy đủ lượng nước cần thiết cho bé.
Theo Marrybaby