Trẻ sơ sinh ngủ nhiều bú ít: Mẹo nào cho mẹ?
Trẻ sơ sinh ngủ nhiều bú ít là điều khiến cha mẹ vô cùng bận tâm lo lắng vì sợ ảnh hưởng đến sự phát triển của bé. Vậy, liệu có cách nào để giúp mẹ giải quyết được vấn đề này không? Hãy cùng nhau tham khảo bài viết sau, mẹ nhé!
Đối với trẻ sơ sinh, nhu cầu ngủ và ăn đều rất cao và chúng cần được cân bằng để đảm bảo cho sự phát triển toàn diện của bé. Một ngày bé có thể ngủ từ 16-18 tiếng hoặc hơn và cứ mỗi từ 2-3 tiếng bé cần bú một lần, với bé uống sữa công thức sẽ lâu hơn. Tuy nhiên, có trường hợp bé lại ngủ liên tục không thức dậy đòi bú hoặc chỉ dậy khi tè dầm rồi bắt đầu ngủ tiếp.
Nếu tình trạng này kéo dài liên tục quả thực sức khỏe và sự phát triển của bé sẽ bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Do đó mẹ cần tìm hiểu nguyên nhân cũng như các khắc phục tình trạng này càng sớm càng tốt.
Nhu cầu ăn và ngủ của trẻ sơ sinh đều rất cao và chúng cần được cân bằng để đảm bảo cho sự phát triển toàn diện
1/ Trẻ sơ sinh ngủ nhiều, lý do vì đâu?
Mô hình giấc ngủ của trẻ mới sinh khác hẳn với người lớn, mỗi giấc ngủ của bé có thể kéo dài từ 30 phút đến 3 hoặc 4 giờ không kể ngày hay đêm. Nguyên nhân chính khiến trẻ sơ sinh ngủ nhiều đó là giúp cơ thể bé phát triển và lớn lên. Điều này lý giải cho việc vì sao trẻ sơ sinh lớn rất nhanh đấy, mẹ ạ.
– Trẻ lớn lên khi ngủ: Đối với những bé ngủ ngon, ngủ đủ giấc thì não bộ sẽ tiết ra hooc-môn tăng trưởng giúp bé nhanh lớn và khỏe mạnh hơn.
– Phát triển não bộ: Giấc ngủ ngon đảm bảo cho sự phát triển não bộ, giúp bé thông minh hơn, tăng cường khả năng ghi nhớ.
– Tinh thần thoải mái: Ngủ đủ giấc có tác dụng giúp tinh thần bé thoải mái và điều này đồng nghĩa với việc bé sẽ vui vẻ, cười đùa nhiều hơn.
– Tăng cường hệ miễn dịch: Hệ miễn dịch của trẻ sơ sinh sẽ càng được cũng cố và trở nên khỏe mạnh hơn nhờ vào giấc ngủ ngon và sâu.
Ngoài ra, việc trẻ sơ sinh ngủ nhiều bú ít, ngủ li bì còn có thể do bé mắc phải một số bệnh lý khác như:
– Bé bị mất nước: Cơ thể trẻ bị mất nước có thể do nôn trớ, tiêu chảy, sốt hoặc ra nhiều mồ hôi. Trẻ ngủ nhiều, ngủ liên tục trong trạng thái mệt mỏi là một trong những biểu hiện đặc trưng của bệnh.
– Trẻ bị sốt: Thông thường trẻ sơ sinh bị sốt ngủ rất nhiều, có thể kéo dài liên tục đến vài giờ.
– Trẻ bị viêm màng não: Đây là một căn bệnh nguy hiểm đặc biệt đối với trẻ sơ sinh vì có khả năng gây tử vong cao hoặc để lại nhiều di chứng nặng nề. Bệnh có các triệu chứng như bé ngủ nhiều, ngủ li bì hoặc hôn mê, bú ít…
2/ Giải pháp cho mẹ khi trẻ sơ sinh ngủ nhiều bú ít
Trong thời gian sau khi sinh, các chuyên gia dinh dưỡng vẫn khuyến khích mẹ rằng không nên để bé ngủ quá lâu mà không cho bú. Bởi lúc này, dạ dày của bé còn rất nhỏ nên không thể bú được nhiều vì vậy cần cho bé bú liên tục để đảm bảo cung cấp đầy đủ dưỡng chất. Ngoài ra, sữa mẹ lại rất dễ tiêu hóa do đó bé sẽ đói nhanh hơn.
Khi bé ngủ quá lâu, mẹ cần đánh thức bé dậy để cho bú
Khi thấy con ngủ quá lâu mẹ cần đánh thức bé dậy để cho bú, việc đánh thức này sẽ không ảnh hưởng gì đến sức khỏe và bé sẽ nhanh chóng quay lại giấc ngủ. Mẹ có thể áp dụng vài mẹo sau để “gọi” con dậy:
– Chạm nhẹ vào bé: Trẻ sơ sinh rất nhạy cảm, chỉ cẩn một cái chạm nhẹ vào má cũng có thể khiến bé cử động, tỉnh giấc.
– Bỏ bớt lớp chăn quấn: Bé sẽ ngủ ngon và sâu giấc hơn khi được bọc trong lớp chăn ấm áp, vì vậy khi muốn con tỉnh dậy để bú mẹ hãy bỏ lớp chăn này nhé.
– Làm mát: Một khi bé ngủ quá sâu và khó đánh thức mẹ có thể dùng một chiếc khăn nhúng nước ấm rồi lau nhẹ lên mông, lưng, tay, chân. Việc này sẽ giúp bé thức giấc nhanh chóng.
– Cho bé bú mẹ: Trẻ sơ sinh có phản xạ mút tự nhiên khi đặt ti mẹ vào miệng, khi đó bé sẽ bắt đầu bú sữa mẹ và sẽ dần tỉnh ngủ.
Đối với những trẻ sơ sinh ngủ nhiều bú ít hoặc bỏ bú lâu ngày do bệnh lý mẹ cần theo dõi và đưa bé đến gặp bác sĩ. Tránh để tình trạng kéo dài vì sẽ ảnh hưởng xấu đến sự phát triển của bé.
Theo Marrybaby