Trẻ tăng động – đừng nhầm là… hiếu động
Nhiều người dễ nhầm lẫn giữa trẻ mắc chứng tăng động giảm chú ý và trẻ nghịch ngợm, tuy nhiên nếu để ý kỹ bạn sẽ nhận ra sự khác biệt giữa những đứa trẻ này.
Thông thường, khi xem phim hoạt hình, truyện tranh, trẻ nhỏ thường phải tập trung cao độ để theo dõi từ đầu tới cuối, thế nhưng đối với trẻ tăng động, dù bộ phim đó có hay đến đâu, chúng cũng không thể tập trung để ngồi xem trong một thời gian dài. Mọi người thường nhầm lẫn giữa trẻ tăng động và trẻ nghịch ngợm, tuy nhiên ở điểm này, trẻ nghịch ngợm có thể tập trung hoàn toàn vào những thứ mà chúng đặc biệt thích thú, cũng như thể hiện sự khó chịu khi bị ai đó can thiệp làm phiền.
Trong môi trường lạ, trẻ thường cần tới khả năng tự khống chế mình, nhưng trẻ tăng động lại thiếu mất khả năng đó. Trẻ nghịch ngợm có thể tự điều chỉnh mình khi chúng thấy chưa quen với môi trường, chúng chỉ nghịch khi thấy môi trường phù hợp, trong khi đó trẻ tăng động không phân biệt được khi nào cần kiềm chế, khi nào có thể tự do chơi đùa.
Đừng nhầm trẻ tăng động là… hiếu động. (Ảnh minh họa)
Những biểu hiện dễ thấy ở trẻ tăng động có thể liệt kê ra như sau:
1. Thường mắc phải sai lầm do bất cẩn khi làm bài tập về nhà hay bất kỳ công việc nào được cha mẹ giao phó, thiếu sự chú ý với các tiểu tiết.
2. Không thể tập trung khi chơi trò chơi, xem hoạt hình, đọc truyện tranh,…
3. Khi bạn nói chuyện cùng trẻ, trẻ khiến bạn tưởng như chúng đang nghe, nhưng thật ra không phải vậy.
4. Không thể nghe mệnh lệnh từ người khác, luôn hoàn thành nhiệm vụ muộn hơn thời điểm được giao.
5. Khó có thể học tập và làm việc theo nhóm.
6. Chán ghét và thường xuyên trốn tránh việc nhà cũng như bài tập ở trường.
7. Thường làm mất đồ như đồ chơi, dụng cụ học tập và thậm chí cả sách vở.
8. Dễ dàng bị ảnh hưởng từ môi trường bên ngoài và phân tán tư tưởng.
9. Thường xuyên quên những việc cần làm cơ bản trong cuộc sống hàng ngày.
10. Dường như chúng được lắp một động cơ trong người, hoạt động không ngừng nghỉ.
11. Chân tay chúng không ngừng ngọ nguậy dù bạn ra lệnh ngồi yên một chỗ.
12. Thường xuyên rời khỏi chỗ ngồi của mình khi đang trong lớp học.
13.Chạy loạn lên hoặc trèo hết cái nọ tới cái kia ở môi trường không được phép.
14. Khó có thể chơi những trò chơi cần sự im lặng.
15. Thường xuyên mơ màng, lơ đãng với tất cả những điều đang diễn ra quanh mình.
(Ảnh minh họa)
Chăm sóc trị liệu cho trẻ mắc chứng tăng động
1. Trị liệu tâm lý
Có hai phương pháp trị liệu là trị liệu về hành vi và trị liệu về nhận thức. Khi nhận thấy trẻ có mối quan hệ không được hòa hợp với bạn bè, mất đi khả năng kiềm chế, có những lời nói khác thường, bạn nên đưa trẻ đi trị liệu. Trị liệu hành vi lợi dụng nguyên lý phản ứng lại với những điều kiện xung quanh từ đó khiến đứa trẻ bộc lộ rõ ràng những tính cách, tâm lý tích cực lẫn tie cực của mình. Sau đó dạy cho trẻ kỹ năng thích hợp để giao lưu với xã hội, dùng những hành vi có hiệu quả để thay thế những hành vi không phù hợp.
2. Trị liệu bằng thuốc
Trị liệu bằng thuốc có thể giúp cải thiện phần nào năng lực chú ý cũng như giảm bớt hoạt động ở trẻ, nâng cao thành tích học tập. Thông thường những thuốc này có thành phần kích thích thần kinh, giúp tăng phân loại các kích thích từ môi trường từ đó trẻ có thể phân biệt điều gì nên chú ý, điều gì không.
3. Thay đổi môi trường quản lý và giáo dục
Những đứa trẻ tăng động cần có một môi trường quản lý đặc biệt và giáo dục tâm lý riêng, tránh những hành vi khinh khi, trách phạt hay giáo dục một cách bạo lực. Phương pháp phù hợp với chúng là thường xuyên cổ vũ, biểu dương khi chúng làm đúng, nâng cao mức độ tự tin và tự giác của trẻ. Có thể sắp xếp cho trẻ ngồi gần giáo viên, tránh sự mất tập trung của trẻ khi lên lớp, mức độ bài tập được giao cũng cần phù hợp với thời gian hoạt động của trẻ.
4. Huấn luyện cho cha mẹ
Một điều vô cùng quan trọng và cũng có ảnh hưởng không nhỏ tới trẻ chính là môi trường sinh sống tại nhà của chúng. Cha mẹ cần phải giải quyết những vấn đề trong gia đình một cách ổn thỏa, không cãi nhau để ảnh hưởng tới tâm lý của trẻ, tránh cho trẻ bị kích động. Ngoài ra cha mẹ cũng cần phải nắm bắt một cách toàn diện những kiến thức liên quan tới chứng tăng động giảm chú ý để có những phương pháp xử lý thích hợp, nắm bắt tâm lý trẻ nhanh chóng.
Theo Tuyết Trang / Congluan