Trẻ tiêu chảy bị suy kiệt khi trị bằng cách dân gian
Nhiều mẹ thấy con tiêu chảy thì cho uống nước đọt ổi, cho ăn lá mơ mà không biết cách chữa này có thể làm bệnh của con nặng hơn.
Đưa con đến Bệnh viện Nhi Đồng 1 (TP HCM) trong tình trạng bé xanh xao, suy kiệt, một bà mẹ trẻ nhà ở Đồng Nai cho biết bé mắc tiêu chảy 3 ngày và đã được điều trị bằng nhiều cách nhưng bệnh ngày càng nặng hơn.
Lá ổi non không thể trị được dứt điểm bệnh tiêu chảy. Ảnh: Myranet
Trò chuyện với bác sĩ, phụ huynh cho biết ngoài cho bé uống thuốc giảm cơn đi ngoài, chị còn đâm đọt ổi vắt lấy nước cho con uống. “Tôi nghe mẹ tôi bảo đây là cách trị bệnh tiêu chảy hiệu quả nhưng không hiểu sao càng uống vào thì bé càng khóc quấy và đi tiêu nhiều hơn”, người mẹ nói.
Cùng đưa con trong tình trạng kiệt sức đến khoa Tiêu Hóa, Bệnh viện Nhi Đồng 1 khám, chị Tuyết nhà ở Tây Ninh cũng cho hay bé bị tiêu chảy hơn 2 ngày và đã được bà cho uống nước đọt ổi để cầm tiêu chảy, tuy nhiên bệnh tình không thuyên giảm mà còn nghiêm trọng hơn.
Sau thăm khám cho hai bé, các bác sĩ xác định cả hai bé đều bị tiêu chảy do virus và cách trị trên chỉ khiến bệnh tình thêm nặng hơn. Đây không phải là những trường hợp cá biệt, trước đó nhiều phụ huynh cũng đã có cách trị tương tự.
“Nhiều người tin vào cách chữa dân gian, hễ trẻ bị tiêu chảy là nhai lá ổi non cho uống mà không biết lá ổi hoàn toàn không thể trị được dứt điểm tiêu chảy. Nhất là loại tiêu chảy do virus gây nên”, một bác sĩ nói.
Các nghiên cứu cho thấy, lá ổi non có chứa chất tanin làm săn niêm mạc ruột dẫn đến nhanh chóng làm ngưng tình trạng đi ngoài phân lỏng. Tuy nhiên, các triệu chứng lâm sàng thuyên giảm chỉ là giả tạo. Các chất trong lá ổi không thể trị được nguyên nhân gây bệnh.
Cùng với lá ổi, nhiều phụ huynh còn dùng lá mơ, lá rau sam, cỏ sữa, nước gạo rang để cho trẻ uống, song theo các bác sĩ, những loại thảo dược này hoàn toàn không tốt bằng cách cho trẻ bù nước, uống dung dịch oresol theo đúng hướng dẫn trên bao bì, hoặc nếu có điều kiện thì nên đưa trẻ đến gặp bác sĩ chuyên khoa để được thăm khám.
Bác sĩ Trương Hữu Khanh, trưởng khoa Nhiễm – Thần kinh, Bệnh viện Nhi Đồng 1 cho biết trẻ mắc tiêu chảy do vi khuẩn, nấm, ký sinh trùng và virus, trong đó 50% trường hợp tiêu chảy cấp nhập viện do virus Rota.
“Trẻ tiêu chảy do virus thường gây ra dễ bị mất nước nặng vì trẻ vừa nôn ói và tiêu chảy lên đến 20 lần trong ngày. Chính vì thế việc điều trị theo cách dân gian không những không trị khỏi bệnh mà còn làm bệnh có nguy cơ nặng hơn”, ông Khánh nói.
Cách tốt nhất giúp trẻ phòng bệnh là giữ vệ sinh cho trẻ trong ăn uống và sinh hoạt. Ngoài ra phụ huynh nên cho trẻ uống vaccine ngừa virus rota từ 2 tháng tuổi, cách làm này giúp trẻ được phòng ngừa chủ động đối với tiêu chảy cấp do virus này gây nên.
Theo Thiên Chương.