Vì sao các mẹ luôn hoang tưởng con mình thông minh?
Trẻ có khả năng nhanh nhạy, sắc bén, thế nên khi thấy những biểu hiện đó, các mẹ luôn phóng đại và cứ tưởng con mình rất thông minh.
Các mẹ luôn hoang tưởng “Con tôi là thần đồng”
Bất cứ biểu hiện nào của các bé tầm 2-5 tuổi đều khiến các mẹ bất ngờ và tự tin là con mình rất thông minh, lý giải về tâm lý của các mẹ, PGS. TS Nguyễn Hồi Loan (ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn, ĐHQGHN) cho biết: “Về cơ bản, người ta hay nhầm lẫn, cứ nghĩ rằng trẻ là thần đồng, ví dụ trẻ biết đọc báo sớm, biết tính toán mặc dù chưa đi học. Hoặc nó biết hát, bắt theo nhịp điệu của bài hát nào đó trên ti vi, nó có thể hát theo được. Cái đó là một trong những tư chất có khả năng bắt chước, tiếp nhận tập nhiễm trong đời sống xã hội mà nó tiếp xúc với bố mẹ hoặc các phương tiện khác nhau để phát triển những điều đó”.
TS. Vũ Thu Hương (ĐHSPHN) cũng cho rằng, cha mẹ thường lầm tưởng những tố chất, biểu hiện của con là thông minh. Bởi “Người ta đã kiểm tra và thẩm định trẻ con ngay trong bào thai có thể biết được tâm trạng của người mẹ là vui hay buồn. Cho nên khi ra đời, khả năng cảm nhận của chúng cực kỳ tốt. Do vậy, nó có thể học hỏi, bắt chước rất chuẩn. Càng lớn, khả năng cảm nhận càng giảm dần, và càng già thì khả năng càng kém.
Bà mẹ nào cũng nghĩ rằng, con mình là số 1. Ảnh minh họa
Vì khả năng cảm nhận của người lớn kém hơn so với các con rất nhiều, thế nên, khi người ta thấy đứa trẻ làm lại cái gì đó quá nhanh, thì nghĩ rằng nó thông minh và hơn mình. Ví dụ, ai đó đọc một số điện thoại, người mẹ đọc một lần không nhớ được, nhưng với con cũng như thế, nghe vu vơ thôi nhưng lại lặp lại y chang. Điều đó cho thấy, đây không phải là khả năng thông minh gì cả mà do cảm nhận của con”.
Các mẹ, nhất là đối với các bà mẹ trẻ luôn nghĩ con mình thông minh bởi mọi hy vọng, mọi niềm tin đều trông chờ, đổ dồn vào đứa con (đặc biệt là con đầu). Và tất cả mọi thứ, những biểu hiện ý kiến của con đều được đẩy lên, cộng với cơ sở cảm xúc, tình cảm của người mẹ dành cho con. Cho nên, đôi khi những hiện tượng này được phóng đại.
Bà mẹ nào cũng nghĩ rằng, con mình là số 1. Thế nên, trong các buổi trò chuyện, khi các bà mẹ trẻ ngồi với nhau, chủ yếu nói chuyện, kể về con cái của mình… Điều đó giống như một sự khoe khoang, tự hào. Vì vậy, những biểu hiện này đôi khi được các mẹ quá phóng đại.
Phóng đại quá mức trí thông minh của bé có thể làm hại chúng
Khi bàn về tính khoe khoang, ưa hình thức của các bà mẹ, TS Vũ Thu Hương cho rằng: “Điều này không tốt một chút nào, thực sự, việc khoe ban đầu khiến con rất thích, nhưng lâu dần sẽ gây áp lực cho con. Một vài biểu hiện không thể hiện bản chất, nhưng mình nghĩ nó thông minh, lần sau mình khao khát muốn khoe nữa, và đứa trẻ sẽ bị áp lực”.
Các bà mẹ là những người biết, hiểu rất rõ về con mình ở đâu, ở vị trí nào bởi chính các mẹ là người trực tiếp thường xuyên tiếp xúc với trẻ, biết và chứng kiến sự phát triển của trẻ. Thế nhưng, dường như, các bà mẹ luôn cố tình quên đi điều đó.
Phóng đại quá mức sẽ khiến bé cảm thấy áp lực. Ảnh minh họa
PGS. TS Nguyễn Hồi Loan trích dẫn câu “Mẹ hát con khen hay” để lý giải tâm lý rất thường tình trong đời sống xã hội của con người. Tuy nhiên, nếu hiện tượng này cứ tiếp tục khi đứa trẻ lớn lên thì đó là người mẹ có vấn đề về tâm lý. Người mẹ có một sự hoang tưởng về con cái của mình. Chính điều này đã làm thui chột đứa trẻ, dạy đứa trẻ phát triển lệch lạc.
Ông cũng chỉ ra việc những đứa trẻ phải gánh chịu những áp đặt suy nghĩ của các bà mẹ: “Có thể, bọn nó quá tự kiêu, quá đề cao chính mình và không chơi được với bạn bè, không quan hệ và giao tiếp với bạn bè khác bởi lúc nào nó cũng nghĩ nó number one. Chính việc quá đề cao điều đó, tự coi mình là số một, nó sẽ nghĩ những đứa trẻ khác dưới đẳng cấp nên không chơi. Tất nhiên, bạn bè cũng sẽ không ai chơi với nó, nó sẽ trở nên cô độc. Đây là một điều rất nguy hiểm trong sự phát triển của trẻ”.
Tâm lý chung của các bà mẹ Việt Nam khi thấy trẻ lớn lên, khả năng đó dần bị mai một, thường rất thất vọng và đổ lỗi cho con mình lười, con có tố chất nhưng con không chịu cố gắng. Và cuối cùng, gây áp lực rất nhiều cho con trong chuyện học hành, cái đấy chính là tiền đề của bệnh thành tích.
Cả hai chuyên gia giáo dục đều đưa ra lời khuyên rằng, các bà mẹ phải sáng suốt vì những biểu hiện được cho là thông minh đấy không chính xác. Dần dần nó sẽ thay đổi rất nhiều. Các bà mẹ trẻ hãy tĩnh tâm khi nhìn nhận con cái mình ở một chừng mực nhất định, đừng có quá thổi phồng những mặt nọ mặt kia của con cái, đừng xem đấy là một thần tượng, tài năng. Khi nhận diện không chính xác, sẽ làm hại con mình.
Theo Hoài An (PNO)