Vì sao trẻ dậy thì sớm?
Nhiều người cho rằng do chế độ dinh dưỡng ngày nay tốt hơn ngày xưa nên trẻ thường dậy thì sớm hơn. Tuy nhiên, phụ huynh cũng cần lưu ý tìm ra nguyên nhân khiến bé dậy thì sớm để kịp thời chữa trị nếu đó là bệnh lý.
Dấu hiệu trẻ dậy thì sớm
Trẻ dậy thì sớm thường có dấu hiệu “trổ mã”, chiều cao phát triển từ 7-15cm/năm. Các em gái đã có ngực (có thể to một bên), âm đạo tăng tiết chất nhầy, có kinh trước tám tuổi, lông mu và lông nách xuất hiện trước hoặc sau khi tuyến vú to lên. Các em trai “bể tiếng”, ria mép lún phún, mọc trứng cá, có cơ bắp, xuất hiện lông ở vùng kín, thể tích tinh hoàn tăng >4ml, dương vật to, dài, sẫm màu.
Nguyên nhân dẫn đến hiện tượng dậy thì sớm
Quá trình dậy thì sớm thường kéo dài ba đến 5 năm, do nhiều nguyên nhân:
– Dậy thì sớm thật: Có sự kích hoạt của não, do u não, tổn thương não, teo não, động kinh.
– Dậy thì sớm giả (vô căn): Là những nguyên nhân không do tác động hormone sinh dục từ tuyến yên, gây nên u nang buồng trứng, u tinh hoàn… Dậy thì sớm do bệnh lý rất khó phòng ngừa, các bậc phụ huynh và các em phải nắm được những giai đoạn, dấu hiệu phát triển sinh lý của cơ thể để tự phát hiện sự bất thường.
– Thực phẩm: Trẻ ăn quá nhiều chất đạm, chất béo, bị béo phì, dẫn tới cốt hóa xương sớm, tăng tiết hormone giới tính sớm. Điều đó giải thích tại sao trẻ phát triển chiều cao sớm sau đó bị khựng lại so với trẻ bình thường. Có thể phòng tránh được bằng cách cho trẻ ăn uống hợp lý, vệ sinh, tránh dư cân.
– Môi trường: Bao gồm môi trường tự nhiên và môi trường văn hóa (hoàn cảnh sống, điều kiện giáo dục, giao tiếp xã hội). Nhiều nghiên cứu cho thấy, việc lạm dụng các loại thuốc, hóa mỹ phẩm chứa nội tiết tố, thực phẩm chứa hormone tăng trưởng… là một trong những nguyên nhân khiến trẻ dậy thì sớm.
Nhiều phụ huynh thấy con có biểu hiện dậy thì sớm không đưa đi bác sĩ thăm khám, thậm chí còn tự hào vì con mình khỏe mạnh, phát triển hơn các bạn cùng trang lứa. Hậu quả là đến tuổi trưởng thành, trẻ sẽ lùn hơn so với chiều cao tiêu chuẩn, vì hormone sinh dục kích thích các đầu xương bị cốt hóa sớm, khiến trẻ không thể phát triển chiều cao.
Về tâm lý, một số trẻ bị khủng hoảng cảm xúc vì hoang mang, lo lắng và tự ti về thân thể của mình. Một tình trạng đáng báo động là trẻ dậy thì sớm thường tò mò, ham muốn tình dục sớm, bắt chước “làm chuyện người lớn”, dẫn đến hậu quả mang thai ngoài ý muốn.
Khi nào thì bé được xem là dậy thì sớm?
Bình thường các bé gái sẽ bắt đầu bước vào tuổi dậy thì từ khi 8 – 13 tuổi còn các bé trai sẽ là 10 – 15 tuổi, nhưng khi các bé gái bắt đầu có biểu hiện dậy thì trước 8 tuổi hoặc các bé trai dậy thì trước 10 tuổi thì đó được gọi là dậy thì sớm.
Theo Thanh Nguyên/ Phụ Nữ 8