Vì sao trẻ nhỏ dễ bị viêm tiểu phế quản?
Viêm tiểu phế quản là tình trạng nhiễm trùng xảy ra ở các ống khí nhỏ gọi là tiểu phế quản dẫn khí đến phổi. Một khi các tiểu phế quản bị viêm, chúng sưng lên và bị lấp đầy bởi chất nhầy khiến các bé hô hấp khó khăn
Tình trạng viêm tiểu phế quản thường là do nhiễm virus ở đường hô hấp, phổ biến nhất là RSV. Những trường hợp nhiễm RSV chiếm khoảng một nửa số ca viêm tiểu phế quản. Một số loại virus khác cũng gây viêm tiểu phế quản bao gồm rhinovirus, virus cúm. Một số điều kiện khách quan khiến bé dễ bị viêm tiểu phế quản bao gồm việc đi học nhà trẻ và tiếp xúc với khói thuốc lá. Quãng thời gian bé thường mắc bệnh nhất nằm ở giai đoạn 3-6 tháng đầu đời và trong 2 năm đầu tiên.
Viêm tiểu phế quản không chỉ ảnh hưởng đến thể chất mà cả tinh thần, khiến bé khó chịu và quấy khóc không ngừng
Bé nào dễ mắc bệnh?
Viêm tiểu phế quản sẽ không phải là vấn đề đáng lo đối với các bé khỏe mạnh, nhưng những bé sinh non, những bé có bệnh tim hay bé đã từng có bệnh phổi, những bé có hệ miễn dịch yếu do đang mắc bệnh nào đó khác hoặc đang phải dùng thuốc thì rất dễ bị bệnh nặng và có thể sẽ phải nhập viện để theo dõi.
Một lưu ý khác cho các bố mẹ, đó là các bé đã từng bị viêm tiểu phế quản trong giai đoạn sơ sinh sẽ có nhiều khả năng sẽ phát triển bệnh hen suyễn khi lớn hơn. Các nhà khoa học chưa lý giải được mối liên hệ này, nhưng việc nắm bắt thông tin sẽ giúp các bố mẹ chủ động theo dõi và phát hiện tình trạng hen suyễn sớm.
Nhận biết tình trạng viêm tiểu phế quản
Ban đầu, bệnh có triệu chứng tương tự cảm lạnh thông thường:
Mũi nhiều dịch, nghẹt mũi
Chảy mũi
Sốt
Ho
Những dấu hiệu này kéo dài 1 đến 2 ngày kèm theo tình trạng ho và thở khò khè ngày càng tăng. Một số dấu hiệu đặc trưng hơn của bệnh sẽ xuất hiện, bao gồm:
Thở nhanh và nông
Nhịp tim nhanh
Lõm cổ, lõm hõm xương sườn khi thở
Khó ngủ, trằn trọc, khó thở
Ói sau khi ho
Bé lười bú và đi tiểu ít hơn. Mẹ hãy chú ý tình trạng lười bú có thể dẫn đến mất nước.
Các bé sinh non và có sức đề kháng yếu còn có thể có triệu chứng ngưng thở trước khi các triệu chứng bệnh nặng khác xảy ra.
Một số bé sơ sinh bị bệnh nặng còn thấy mệt ngay cả khi thở và điều này khiến bé không lấy đủ không khí, cơ thể trở nên xanh tái, nhất là ở môi và móng tay.
Trẻ nhỏ là đối tượng dễ bị viêm tiểu phế quản nhất
Tình trạng nhiễm trùng dẫn đến viêm tiểu phế quản có thể lây lan rất nhanh, vì virus hay các tác nhân gây bệnh sẽ lẫn trong các giọt dịch li ti mà người bệnh tiết ra như nước bọt, dịch mũi lúc ho, hắt hơi. Những giọt bé xíu này lơ lửng trong không khí và dễ dàng đưa virus xâm nhập vào cơ thể của các bé khi bé hít thở hay chơi ở nơi có bầu không khí nhiễm trùng.
Sở dĩ các bé sơ sinh và trẻ nhỏ dễ bị viêm tiểu phế quản là do ống mũi và các khí quản, tiểu phế quả của các bé còn khá nhỏ hẹp, dễ bị tắc khi sưng hay có dịch nhầy hơn so với người lớn. Đây là những điều kiện thuận lợi để tình trạng viêm tiểu phế quản diễn tiến ngày một trầm trọng.
Hiểu rõ đặc điểm của bệnh và những điều kiện lý tưởng khiến bệnh dễ trở nặng, bố mẹ nên chủ động đề phòng cho con bằng cách:
Đeo khẩu trang cho bé khi ra ngoài trời hay ở chỗ đông người chen lấn để hạn chế hít phải các loại tác nhân gây bệnh
Cách ly bé và những bệnh nhân bệnh hô hấp
Làm vệ sinh mũi cho bé, rửa mũi và hút mũi mỗi khi bé bị sổ mũi, nghẹt mũi
Những lưu ý khi chăm sóc bé bị viêm tiểu phế quản
Viêm tiểu phế quản thường kéo dài khoảng 12 ngày, nhưng những bé bị bệnh nặng có thể ho và khò khè trong nhiều tuần. Giai đoạn bệnh nặng nhất thường nằm ở 2 đến 3 ngày sau khi bé bắt đầu bị ho. Bé sẽ có dấu hiệu khó thở, khò khè nhiều trước khi vượt qua giai đoạn này và phục hồi.
Trừ khi bác sỹ chỉ định kháng sinh, các bố mẹ không nên tự ý mua thuốc. Viêm tiểu phế quản thường là do virus gây ra, và các loại thuốc kháng sinh sẽ không có tác dụng đối với virus. Ngoài ra, bé có thể sẽ cần dùng một số loại thuốc giúp mở khí quản, phế quản để bé dễ dàng thở.
Bố mẹ nên lưu ý đưa bé đi khám bệnh ngay khi thấy các triệu chứng:
Khó thở, thở rít, thở khò khè, thở lõm ngực và sườn
Bé bị ngưng thở
Bé nôn nhiều và không chịu uống sữa hay bú mẹ
Bé trở nên mơ màng, buồn ngủ hơn bình thường
Bé trông rất mệt mỏi
Bé sốt cao không hạ
Theo Marrybaby