Viêm mũi xuất tiết có nguy hiểm cho bé?
Viêm mũi xuất tiết là một bệnh khá phổ biến ở trẻ em, thường xuất hiện khi bé bị cảm hay đang bị viêm mũi họng. Làm thế nào để mẹ nhận biết và xử lý như thế nào để bé cưng mau vượt qua tình trạng này?
Thời tiết nắng mưa thất thường, những lúc chuyển mùa rất dễ khiến trẻ bị cảm ho, sổ mũi… Đối với những triệu chứng cảm ho bình thường, mẹ có thể tự chăm sóc trẻ tại nhà. Tuy nhiên, khi trẻ có dấu hiệu ho nhiều, khò khè, mũi chảy dãi, nhiều đờm, có thể trẻ đã bị viêm mũi xuất tiết (hay còn gọi là viêm mũi xuất huyết, viêm mũi xoang xuất tiết). Mẹ không nên chủ quan với tình trạng này vì bé có thể gặp phải các biến chứng khó lường.
Viêm mũi xuất tiết là gì?
Viêm mũi xuất tiết là bệnh thường gặp ở trẻ em trong mùa lạnh, đặc biệt là trong những thời điểm chuyển mùa từ nóng sang lạnh hoặc trong những ngày trời chuyển nắng – mưa. Với những triệu chứng như cảm cúm nhưng bé lại khò khè kéo dài và khó thở nên nhiều mẹ nhầm lẫn với bệnh viêm xoang. Thật ra đây chỉ là tình trạng mũi và họng có dịch nhầy, thường xuất hiện trong trường hợp viêm mũi họng cấp, cảm cúm. Viêm mũi xuất tiết ở trẻ em thường xảy ra ở các bé trai nhiều hơn bé gái.
Dấu hiệu viêm mũi xuất tiết
Cũng như cảm, sỗ mũi thông thường, viêm mũi xuất tiết thường bắt đầu bằng dấu hiệu hắt hơi, rồi chảy nước mũi trong. Tuy nhiên, trẻ nhanh chóng bị sưng niêm mạc mũi và ngạt, tắc mũi thường xuyên. Dưới đây là các dấu hiệu đặc trưng của bệnh viêm mũi xoang xuất tiết ở trẻ em:
Ngạt mũi: Thường bé sẽ bị ngạt cả hai bên mũi và tình trạng tăng nặng khi thay đổi thời tiết hoặc do cơ thể suy yếu.
Chảy mũi: Bé bị chảy dịch mũi nhiều, liên tục. Dịch mũi chảy xuống họng khiến bé bị ho kéo dài.
Niêm mạc mũi đỏ, sưng: Khi khám hoặc nội soi mũi, mẹ dễ dàng thấy các bé bị viêm mũi xuất tiết thường có phần trong lỗ mũi, cuối cuống mũi sưng đỏ, phần sàn mũi có tụ nhiều dịch.
Viêm mũi xuất tiết với dịch nhầy tích tụ nhiều trong hốc mũi khiến bé yêu vô cùng khó chịu
Nguyên nhân gây viêm mũi xuất tiết ở trẻ em
Nguyên nhân gây bệnh có thể do lây từ bạn bè, gia đình. Tuy nhiên, thời tiết thay đổi đột ngột, độ ẩm quá cao và môi trường bị ô nhiễm, khói thuốc lá, khói bụi, hóa chất… cũng là điều kiện lý tưởng gây ra căn bệnh này. Sở dĩ bệnh thường gặp ở trẻ em vì sức đề kháng của con còn yếu.
Ngoài những nguyên nhân trên, các bé có cơ địa dị ứng, sức đề kháng yếu sẽ dễ bị bệnh “tấn công” hơn các bé có sức khỏe tốt.
Những biến chứng khi trẻ bị viêm mũi xoang xuất tiết
Các bé bị viêm mũi xuất tiết phù nề kéo dài có thể dẫn đến viêm mũi, họng, viêm xoang. Nghiêm trọng hơn, tình trạng có thể gây giảm thị lực và viêm tai giữa.
Phòng tránh và chữa trị viêm mũi xuất tiết cho trẻ
Ba mẹ hoàn toàn có thể chủ động ngừa viêm mũi cho con với những cách đơn giản sau:
Đeo khẩu trang: Nên tập cho trẻ thói quen đeo khẩu trang khi ra đường. Nhất là thời tiết sáng sớm và chiều khi đưa đón con đi học, cha mẹ nên cho bé đeo khẩu trang và mặc áo tay dài đủ ấm
Tăng sức đề kháng cho con: Cho bé ăn nhiều loại thức ăn giúp tăng sức đề kháng như nước chanh, cam, tỏi, hành tây… Lưu ý: Tỏi và hành tây phòng tránh cảm, sổ mũi rất tốt nhưng lại nóng, dễ gây táo bón cho bé nên cha mẹ chỉ nên dùng như gia vị hoặc cho bé ăn cùng các loại rau có tính mát, nhuận tràng.
Vệ sinh mũi cho con: Khi bé tiếp xúc với những nguồn không khí ô nhiễm, nhiều khói bụi trên đường đi học, đi chơi… ba mẹ có thể nhỏ một vài giọt nước muối sinh lý vào mỗi bên mũi để làm sạch mũi cho bé. Đây cũng là cách trị sổ mũi cho trẻ hiệu quả. Ngoài ra, với trẻ sơ sinh chưa biết cách xì mũi, hỉ mũi thì ba mẹ có thể dùng giấy mềm, quấn thành bấc loa kèn để nhẹ nhàng làm sạch phía trong mũi cho con.
Khi bé đã có dấu hiệu viêm mũi xuất tiết, mẹ nên đưa con đi khám bệnh để được kê thuốc thích hợp. Không nên tự đoán triệu chứng của con rồi mua thuốc về dùng vì điều này có thể khiến bệnh trầm trọng hơn, mẹ nhé.
Theo Marrybaby