Các loại rau ăn nhiều khiến bà bầu dễ sẩy thai
Trong giai đoạn mang thai, việc ăn uống của bà bầu rất quan trọng vì nó ảnh hưởng trực tiếp đến sự phát triển của thai nhi trong bụng. Đặc biệt trong 3 tháng đầu thai kỳ, bà bầu cần phải chú ý đến ăn uống nhiều hơn vì tỷ lệ sẩy thai ở giai đoạn này rất cao. Để giảm thiểu nguy cơ sẩy thai và duy trì thai nhi phát triển khỏe mạnh, mẹ cần nhớ tránh ăn nhiều các loại rau củ sau.
Mướp đắng
Không thể phủ nhận những tác dụng của mướp đắng đối với sức khỏe. Hàm lượng folate cao trong mướp đắng rất cần thiết cho thai kỳ vì giúp giảm nguy cơ khuyết tật ống thần kinh cho trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ. Mướp đắng chứa nhiều vitamin C có thể tăng sức đề kháng cho phụ nữ mang thai và bảo vệ cơ thể khỏi các độc tố. Ngoài ra, mướp đắng cũng giàu vitamin B, một số chất như sắt, kẽm, kali, mangan, magiê đóng một phần quan trọng trong việc bảo vệ sức khỏe của mẹ bầu và giúp thai nhi phát triển.
Tuy nhiên, nếu mẹ bầu quá lạm dụng mướp đắng, nó sẽ gây ra những nguy hiểm khó lường vì vị đắng trong loại quả này có thể khiến dạ dày và tử cung co bóp, dẫn tới sẩy thai. Nguy cơ sẩy thai và sinh non càng cao hơn ở những phụ nữ có sẹo ở tử cung, tử cung ngả về sau hoặc từng sinh mổ trước đó.
Rau sam
Rau sam khi nấu lên có vị gần giống với rau mồng tơi. Đây là loại rau rất dễ trồng, có tính giải nhiệt, thanh lọc cơ thể. Nhưng nếu phụ nữ mang thai ăn nhiều loại rau này, có thể gây kích thích tử cung, dẫn đến sẩy thai.
Rau ngải cứu
Rau ngải cứu có tác dụng lưu thông máu, giảm đau bụng. Xưa kia, ngải cứu thường được dùng cho những mẹ bầu bị động thai. Tuy nhiên, một số nghiên cứu gần đây cho thấy nếu phụ nữ mang thai ăn ngải cứu trong 3 tháng đầu tiên, sẽ làm tăng nguy cơ chảy máu, co thắt tử cung gây sẩy thai và sinh non.
Rau ngót
Ăn nhiều rau ngót có thể gây nên các cơn co tử cung dẫn đến sẩy thai, vì trong rau có chứa nhiều Papaverin. Vì thế không nên ăn nhiều hơn 30g. Những mẹ có tiền sử sẩy thai liên tục, sinh non, hiếm muộn nên hạn chế ăn rau ngót, đặc biệt là nước ép rau ngót lại càng không.
Rau chùm ngây
Rau chùm ngây có hàm lượng vitamin C nhiều hơn 7 lần so với cam, lượng canxi cao gấp 4 lần so với sữa, và lượng protein cao gấp 2 lần so với sữa. Ngoài ra, lượng vitamin A của nó nhiều hơn 4 lần so với cà rốt, nhiều kali hơn 3 lần so với chuối và rất nhiều sắt.
Tuy nhiên, thời xa xưa, chùm ngây được sử dụng như một loại thuốc tránh thai vì có cấu trúc tương tự như estrogen, ngăn ngừa việc mang thai. Khi mang thai, cơ thể mẹ bầu tiết ra hormone khiến tử cung mềm để giữ thai. Tuy nhiên chất Alpha-sitosterol có nhiều trong chùm ngây khiến tử cung co lại và gây sẩy thai.
Theo chuyên gia tư vấn Kim Mai/Báo Gia đình & Xã hội