Mẹ bầu sẽ vô cùng ngạc nhiên nếu biết ở trong bụng em bé đã làm những việc này
Bên cạnh những chuyển động rõ ràng của thai nhi mà mẹ hoàn toàn có thể cảm nhận được, còn có những hoạt động vô cùng đáng kinh ngạc mà các bé thực hiện ngay cả trước khi chào đời.
1. Bé cảm thấy đau
Dù tranh luận vẫn còn tiếp diễn, nhiều nghiên cứu có xu hướng xác nhận giả thuyết: bé có thể cảm nhận nỗi đau từ khoảng 8 tuần tuổi trong bụng mẹ. Theo đó, cơ quan thụ cảm nỗi đau xuất hiện quanh miệng bé khoảng 4-5 tuần sau khi được thụ thai. Tiếp sau là sự phát triển của sợi thần kinh – vốn mang rất nhiều kích thích tới não. Khoảng 6 tuần sau thụ thai, bé lần đầu tiên phản ứng với sự động chạm. Cho tới trước 18 tuần sau thụ thai, cơ quan thụ cảm nỗi đau đã xuất hiện khắp trên cơ thể bé.
2. Mơ
Giấc mơ của bé được biểu hiện qua chuyển động rất nhanh của mắt. Vào tuần thứ 32 trong bụng mẹ, giấc ngủ của bé chiếm 90-95% thời gian trong ngày. Một số giờ ngủ được dành cho các giai đoạn khác nhau của giấc ngủ, bao gồm REM (giai đoạn mắt chuyển động nhanh – cũng là giai đoạn của những giấc mơ), ngủ sâu hay trong trạng thái nửa tỉnh nửa mê.
Trong giai đoạn REM, mắt bé chuyển động như mắt người trưởng thành. Một số nhà khoa học thậm chí tin rằng thai nhi mơ trong lúc ngủ. Như trẻ sau sinh, thai nhi có thể mơ về những điều bé biết – những cảm giác bé cảm nhận được trong bụng mẹ.
3. Nghĩ
Sóng não của bé đã được ghi nhận sớm nhất là lúc 6 tuần tuổi. Việc đo đạc sóng não thai nhi, đặc biệt là qua môi trường tử cung, quả thực không hề dễ dàng gì. Nhưng một số nghiên cứu đã khẳng định, ngay từ khi mới 6 tuần tuổi, người ta đã phát hiện được sóng não của bé. Điều đó cho thấy cuộc sống trong bụng mẹ không hề đơn giản chút nào và dù mới là thai nhi, nhưng bé đã bắt đầu biết suy nghĩ.
4. Ngáp
Sau một đêm dài, một cái ngáp sảng khoái có thể là động tác tiếp theo bé thực hiện. Các nhà khoa học tại Đại học Durham và Lancaster cho biết, lý do vì sao thai nhi ngáp chưa được làm rõ, nhưng động tác này có thể liên quan tới sự trưởng thành của hệ thần kinh trung ương. Theo đó, để một số bộ phận của não trưởng thành đúng cách, bé cần một kích thích nhất định và ngáp có thể là kích thích đó.
5. Nhạy cảm với ánh sáng
Các nhà nghiên cứu đã phát hiện ra, một thai nhi hoàn toàn có khả năng nhạy cảm trước ánh sáng. Bằng cách chiếu một ngọn đèn vào bụng người mẹ, mắt thai nhi đã hấp háy khi ánh sáng lướt trên mặt bé. Một số bác sĩ cho rằng, bé có thể nhận ra một dải sáng rất nhạt nếu nguồn sáng mạnh chiếu trực tiếp vào bụng mẹ. Siêu âm cũng tiết lộ rằng, thai nhi dần dần tập nhắm và mở mắt thường xuyên hơn khi gần tới ngày dự sinh. Đó có thể là cách bé luyện tập để làm quen với ánh sáng của thế giới bên ngoài khi chào đời.
6. Giật mình
Bé có thể giật mình sợ hãi trước bất cứ âm thanh bất ngờ nào như tiếng mẹ hắt xì. Một số nghiên cứu cũng chỉ ra rằng, những âm thanh phát ra từ điện thoại di động hay chuông cửa cũng có thể làm gián đoạn giấc ngủ của thai nhi. Phản ứng của bé bao gồm quay đầu, há miệng hay nháy mắt. Tuy nhiên, phần lớn thai nhi sẽ dần trở nên quen thuộc hơn với những âm thanh được lặp đi lặp lại.
7. Cười đùa bằng cách nảy người lên
Bé thích thú nảy người lên để đáp lại những tiếng cười vui vẻ của mẹ. Mẹ càng cười lớn thì trò lộn nhào của bé càng diễn ra hăng say. Điều này cho thấy, thai nhi không chỉ phản ứng lại với các kích thích vật lý mà còn cả trạng thái tâm lý, cảm xúc của mẹ. Đó cũng là lý do các bà bầu luôn được khuyên cố gắng giữ trạng thái vui vẻ, an nhiên suốt thai kỳ.
8. Ngửi
Bé sẽ nhảy lên nếu ngửi thấy những mùi khó chịu như mùi thuốc lá hoặc tận hưởng những mùi dễ chịu như mùi đồ ăn mẹ nấu. Thực tế cho thấy, người mẹ mang thai ăn cho cả hai người và chất lượng bữa ăn của mẹ quan trọng không kém số lượng. Cơ quan thụ cảm vị giác phát triển ở thai nhi vào khoảng tuần thứ 7 hoặc thứ 8.
Trước 14 tuần, có một số bằng chứng khẳng định, bé có thể nếm vị đắng, ngọt hoặc chua trong nước ối. Cùng với các cơ quan khác, bé dùng vị giác để khám phá thế giới xung quanh mình. Siêu âm thậm chí cho thấy thai nhi có thể liếm nhau thai và thành tử cung.
9. Hít thở
Dù bé nhận oxy qua dây rốn, các cơ phổi đã phát triển khi bé bắt chước hoạt động thở của mẹ. Quả đúng như vậy, nếu xét về nghĩa hít vào thở ra thì thai nhi không thực sự biết thở. Trong bụng mẹ, phổi bé đầy dịch nên dù bé có muốn thở thì cũng không thể. Đó cũng là lý do tại sao bạn không nên lo lắng nếu phát hiện bé bị tràng hoa quấn cổ vào một thời điểm nào đó trong thai kỳ. Bé không lấy không khí theo đường này và dây rốn thường sẽ tự mình tháo rời ra. Nhưng điều đó không có nghĩa là bé không luyện tập cách thở.
Càng về cuối thai kỳ, bạn có thể cảm thấy con mình nấc cụt – đó là sự chuẩn bị cho bé để hít thở không khí lúc chào đời. Hơi thở thực sự đầu tiên của bé thường là được biết tới chính là tiếng khóc đầu tiên sau sinh.
10. Thức khuya
Hiệp hội các bà mẹ mang thai Mỹ cho biết, nhiều bé hoạt động rất nhiều về đêm. Nhưng ban ngày cũng có thể như vậy. Chỉ là do bạn không ý thức được hoạt động của bé rõ như ban đêm do bạn cũng bận rộn với công việc của mình.
Có nhiều nguyên nhân khiến bé thức khuya tới vậy trong bụng mẹ. Có thể trong ngày, bạn di chuyển và vận động nhiều nên làm ảnh hưởng tới khả năng đi vào giấc ngủ của bé. Khi bạn ngừng di chuyển, vận động, bé có thể thấy bất ngờ và băn khoăn không biết việc gì đang diễn ra. Ngoài ra, những tác động bên ngoài như tiếng nói phát ra từ tivi hay một món ăn nhẹ mùi rất thơm của bạn cũng có thể khiến bé thao thức.
Theo Pregnancy