5 cách giúp trẻ hiểu giá trị của đồng tiền
Khuyến khích con tận dụng đồ cũ, làm gương cho trẻ trong việc sẵn sàng chia sẻ đồ với người thân, cho tiền tiêu vặt… sẽ giúp bé học cách tiết kiệm và quản lý tiền.
Dạy con trở thành một người tiêu tiền có ý thức cũng quan trọng giống như việc dạy trẻ trở thành người có đạo đức. Dưới đây là những việc bạn có thể làm để giúp con hiểu được giá trị của đồng tiền. Đây là nền tảng để con bạn có được sự ổn định tài chính trong tương lai.
Khuyến khích trẻ tận dụng đồ cũ
Một sai lầm cha mẹ thường mắc là tiêu tiền một cách phung phí cho trẻ. Chỉ cần suy nghĩ một chút về vấn đề này bạn sẽ nhận ra đã mua đồ cho trẻ thường để thỏa mãn bản thân hơn là đáp ứng nhu cầu của chúng. Mua những bộ quần áo mới hoặc đồ chơi mới cho trẻ là tốt nhưng khi con lớn lên, bạn cần thận trọng trong thói quen chi tiêu vì trẻ sẽ học cách tiêu tiền từ bạn.
Để bắt đầu, hãy dạy cho trẻ nguyên tắc sử dụng lại đồ cũ ngay từ khi còn nhỏ. Cho bé đến thư viện mượn và trả sách. Trẻ cũng sẽ học được ý thức trách nhiệm qua việc này.
Ảnh minh họa: Businessnews.
|
Chia sẻ với anh chị em
Trẻ học từ ví dụ, vì vậy nếu bạn biết chia sẻ với chồng (vợ), trẻ cũng sẽ có ý thức chia sẻ với anh chị em. Nếu con bạn ở độ tuổi gần nhau thì tốt nhất là mua những món đồ chơi để trẻ có thể chơi cùng nhau.
Đây là bước đầu tiên hướng tới việc dạy trẻ tiết kiệm chi tiêu cho những thứ không quá cần thiết.
Cho trẻ tiền tiêu vặt
Lời khuyên này đi kèm với một điều kiện. Hãy giúp con bạn chịu trách nhiệm về tiền. Nếu trẻ không có cơ hội tiêu tiền, chúng sẽ không thể học hỏi.
Khi con bạn lên 10, hãy bắt đầu cho trẻ tiền tiêu vặt. Quyết định số tiền bằng cách thảo luận xem trẻ sẽ tiêu tiền vào việc gì. Lý tưởng là hãy cùng cho trẻ thanh toán một số khoản chi phí chung như tiền điện, tiền nước để bé có ý thức tiết kiệm. Trẻ thường có thói quen lãng phí điện bằng cách bật các bóng đèn không cần thiết nhưng nếu biết điều đó ảnh hưởng tới túi tiền của mình, trẻ sẽ không bật điện bừa bãi.
Sự khác biệt giữa xa hoa và cần thiết
Dạy cho trẻ biết sự khác biệt giữa hai khái niệm này là điều cần thiết. Mặc dù bạn có thể phải tăng tiền tiêu vặt cho trẻ theo thời gian nhưng đảm bảo là không đi chệch hướng. Hãy đánh giá về nhu cầu tài chính của trẻ.
Nhớ rằng sự tiếp xúc sớm với tiền có thể gây hại cho trẻ nếu bé không được giám sát đúng đắn. Nếu con bạn đòi tăng tiền tiêu vặt hoặc tiền để mua những thứ không cần thiết, hãy nói chuyện rõ ràng và kiên quyết với trẻ.
Việc đưa ra những lời khuyên không phải lúc nào cũng giúp ích, vì vậy thay vào đó, hãy có cuộc trò chuyện nghiêm túc với trẻ. Nêu lý do mua một chiếc máy tính bảng không cần thiết bằng việc mua một chiếc máy giặt cho gia đình và vì vậy bạn sẽ không đáp ứng yêu cầu của trẻ.
Ghi nhật kí chi tiêu
Cùng với sự gia tăng khoản tiền tiêu vặt, trẻ có thể chi tiêu quá tay, vì vậy hãy yêu cầu bé có một cuốn sổ ghi chép chi tiêu. Theo dõi việc chi tiêu của bản thân sẽ giúp trẻ kiểm soát được tiền của mình và tiết kiệm một cách khôn khoan. Nếu con bạn đã biết làm phép tính và tự hoàn thành bài tập toán của mình, việc chuẩn bị một bảng tính toán chi phí sẽ không phải là khó với trẻ. Điều này cũng giúp rèn luyện kỹ năng toán học của trẻ.
Theo vnexpress.net/ Timesofindia