Bà mẹ kiên trì sửa tính nghịch ngợm cho con bằng âm nhạc
Bé Bông là con gái nhưng hiếu động hơn con trai, không lúc nào chịu ngồi im. Từ lúc biết chơi đàn, bé đã thay đổi hẳn.
Bé nghịch ngợm, hiếu động và không thể tập trung làm việc gì đó quá 10 phút là đặc điểm chung của nhiều trẻ dù ở độ tuổi nào, khiến các bố mẹ phải đau đầu, lo lắng. Chị Ngọc Quý, bà mẹ có con gái 6 tuổi ở Hoàn Kiếm Hà nội, cho biết: “Bé Bông nhà mình mặc dù là con gái nhưng nghịch hơn con trai, không lúc nào chịu ngồi im. Bố mẹ nói nặng, nói nhẹ cũng không nghe”. Chị Quý đã phải lên mạng tra cứu, học hỏi kinh nghiệm của các bà mẹ khác để tìm ra cách rèn tính cách cho con và cuối cùng, chị đã tìm được một phương pháp hiệu quả, không roi vọt mà rất “ngọt ngào”.
Theo chị Quý, “hầu hết các bé đều thích ca hát, hoặc không thì cũng thích nhạc nên việc cho con tiếp xúc với âm nhạc, học chơi một loại nhạc cụ là cách hiệu quả giúp bé có thể tăng cường khả năng tập trung, tuy nhiên đòi hỏi sự kiên trì, nhẫn nại của bố mẹ rất nhiều”. Chị Quý đã quyết định cho bé Bông học đàn piano và sau 6 tháng, bé Bông có những tiến bộ rõ rệt. Bé đã chịu ngồi đánh đàn liền 30 phút và từ đó có thể duy trì khả năng tập trung khi nghe cô giáo giảng bài.
Từ một cô bé không lúc nào chịu ngồi yên, sau vài tháng học đàn, bé Bông đã biết kiên nhẫn hơn.Ảnh: PWA.
Việc làm đầu tiên các bố mẹ nên làm là quan sát xem con có năng khiếu âm nhạc không, nếu con không có năng khiếu nào rõ rệt nhưng thích nghe nhạc, nghe hát, thích hát hay thậm chí cứ nghe thấy tiếng trống là nhún nhảy theo nhịp thì cũng có thể tham khảo theo cách của chị Quý. Theo chia sẻ của bà mẹ một con, lúc bé Bông mới 13 tháng, đang ti sữa, thấy mẹ bật CD bài hát Cả nhà thương nhau là lập tức bỏ bình sữa, chạy lại nhún nhảy, bi bô hát theo.
Bước tiếp theo là bố mẹ lựa chọn cho con học một loại nhạc cụ phù hợp với độ tuổi, sở thích và năng khiếu của con. Với những bé có thiên hướng và năng khiếu âm nhạc đặc biệt thì việc lựa chọn chơi một loại nhạc cụ phù hợp với con là không khó. Tuy nhiên, phần lớn các bé đều chỉ dừng lại là thích xem chương trình ca nhạc thiếu nhi, có thể hát được một số bài hay nhún nhảy theo nhạc… nên việc lựa chọn này cần có bố mẹ “ra tay”. Việc đầu tiên là bố mẹ hãy cho con xem các chương trình ca nhạc có nhiều loại nhạc cụ khác nhau, cho con xem phim hoạt hình có các nhân vật chơi đàn, kèn, trống, phim có nhạc nền hay… hoặc có thể cho con đến tham quan các câu lạc bộ, cung thiếu nhi hay trung tâm dạy nhạc và sau đó, hãy nói chuyện với con để có thể biết con hứng thú với loại nhạc cụ nào. Theo chị Quý, các con có thể hứng thú với piano, organ, guitar hay violon… hoặc đơn giản chỉ thích học hát, học múa. Bố mẹ hãy lắng nghe và tôn trọng ý kiến của các con.
Khi đã chọn được loại nhạc cụ phù hợp với con, bố mẹ hãy lưu ý rằng, việc cùng con học, tập luyện và biểu diễn mới là yếu tố quyết định, đòi hỏi cả một quá trình. Nhiều bố mẹ cho con đi học đàn đầu tư thầy dạy, nhạc cụ đắt tiền nhưng sau đó chẳng quan tâm đến việc học của con. “Trẻ con thường cả thèm chóng chán và dễ bỏ cuộc, nhưng nếu được bố mẹ luôn sát cánh, chúng sẽ kiên trì theo đuổi. Vì vậy, bố mẹ thay vì đầu tư tiền của vào thầy dạy, nhạc cụ thì hãy đầu tư thời gian cùng con luyện tập, làm khán giả và là bạn diễn của con”, chị Quý cho biết. Trẻ con từ đó sẽ học được cách tập trung hoàn thành một tác phẩm. Nếu con nản, bố mẹ sẽ là người động viên con, khuyến khích con để con có thể kiên trì học tiếp. Như trường hợp của bé Bông, chị Quý cho biết, “cho con học đàn, không phải mong muốn con sẽ trở thành nghệ sĩ nổi tiếng nhưng nhờ học đàn, con có thể khắc phục được tính hiếu động, mất tập trung của mình”.
Theo Ngôi sao