Bố mẹ hãy dạy con về tình dục từ khi con 2 tuổi
Cha mẹ đừng ngạc nhiên khi thấy con trẻ có những hành vi tình dục từ bé, mà cần hiểu biết về những hành động đó của con để giáo dục giới tính cho con đúng mực.
Sự phát triển của cơ quan sinh dục kéo theo sự phát triển tâm lý và hành vi tình dục. Bản năng tình dục là bản năng tự nhiên tồn tại sẵn có trong cơ thể mỗi người. Vì vậy cha mẹ đừng ngạc nhiên khi thấy con trẻ có những hành vi tình dục từ bé, mà cần hiểu biết về những hành động đó của con để giáo dục giới tính cho con đúng mực.
Giai đoạn dưới 2 tuổi: Trẻ em biết quan sát những bộ phận trên cơ thể và ý thức được cấu trúc hình thể của mình. Các cậu bé thích sờ chim mình, túm lấy nó và nghịch, nhất là vào buổi sáng khi ngủ dậy thấy chim của mình căng hơn.
Từ 2-4 tuổi: Trẻ ý thức được giới tính của mình, biết tự xếp mình vào giới nào, có trẻ biết và xác định được sự khác biệt của hai giới tính. Các con phân biệt theo những dấu hiệu thuần túy hình thức như cách ăn mặc, kiểu tóc, sở thích về đồ chơi (con gái thích chơi đồ hàng, búp bê; con trai thích chơi súng, ô tô, đá bóng…).
Giai đoạn từ 4-6 tuổi: Giai đoạn này trẻ rất thích khám phá. Không ít bố mẹ đã rất lúng túng với câu hỏi mà trẻ đưa ra: Con được sinh ra thế nào? Tại sao bạn ấy có chim, con lại không có? Tại sao bạn ấy đứng tè được?…
Khi gặp những tình huống này, nhiều người đã né tránh và càng né tránh thì trẻ lại càng tò mò muốn biết. Do vậy, cách tốt nhất là trả lời câu hỏi của trẻ dần dần từng bước một và cho trẻ tiếp cận với các kiến thức giới tính đặc trưng qua tranh ảnh phù hợp lứa tuổi.
Trong khi chơi, nhiều bé thích chơi trò bác sĩ, trò cô dâu chú rể. Bé đem vào trò chơi này những kinh nghiệm trực quan của mình. Do đã quan tâm chút ít tới đặc trưng của mình, bé thích gần gũi, tiếp xúc với những đứa trẻ cùng giới tính. Điều này bộc lộ rõ hơn ở các em trai.
Từ 7-9 tuổi: Trẻ đã để ý tới các thiên hướng giới tính và vấn đề tình dục. Chuyện bạn trai bạn gái khác nhau thế nào hay được đề cập nhiều hơn. Nếu không được thông tin đầy đủ, mỗi em tự xây dựng cho mình một lý thuyết riêng về chuyện giới tính. Ở tuổi này đã xuất hiện tình bạn nhất thời giữa các cô bé với các cậu bé.
Từ 10-12 tuổi: Đây là giai đoạn bản năng giới tính của trẻ được bộc lộ rõ nét. Trẻ đã biết những hành vi tình dục của người lớn và nhiều em còn nói tục tĩu bằng những câu chuyện tiếu lâm về tình dục. Đây có thể là nghe lỏm, cũng có thể do các em tự sáng tác. Nhiều em gái đã bước vào lứa tuổi dậy thì, bắt đầu phát triển cơ quan sinh dục.
Các em trai tuy phát triển chậm hơn so với bạn gái nhưng nhiều em cũng có dấu hiệu dậy thì. Một số cậu đã vượt mức phát triển bình thường. Cậu thấy có cái gì đó không yên, xao động trong mình, thích những sách báo có nội dung tình dục, mang tới trường những cuốn sách có minh họa. Trong lúc cùng xem chung, chúng cảm thấy có chút xao động tình dục. Những cậu phát triển sớm hay cố ý huých các cô bé với ý đồ va chạm được vào người các cô.
Giai đoạn 13-15 tuổi: Các cô, các cậu đã bắt đầu để ý tới nhau, đã xuất hiện tình cảm yêu đương nhưng âm thầm. Phần lớn các bạn gái đã dậy thì, đã có kinh nguyệt. Các cậu bé thì cũng phổng phao hẳn và muốn tỏ ra mình là người lớn. Một số cậu bé đã có những giọt tinh trùng đầu tiên trong những giấc mơ hoặc khi thủ dâm.
Con gái tuổi này đã quan tâm tới cặp vú của mình, xấu hổ khi thấy chúng lớn sớm, hay chùng người lại để giấu độ lớn của chúng. Còn các cậu bé đã để ý tới cái phần nhô cao trong ngực áo các cô. Khi trêu đùa nhau, các cậu cố ý chạm vào chúng. Giai đoạn này trẻ thích sưu tầm tranh ảnh khỏa thân, kể cho nhau nghe những chuyện tình ái và thường hay thủ dâm. Cha mẹ cần cảnh giác khi thấy trẻ cùng giới rủ rê nhau vì trẻ dễ đua đòi đồng tính giả, sẽ ảnh hưởng tâm lý khi lớn lên.
Từ 15-18 tuổi: Là giai đoạn có tình yêu đôi lứa, thậm chí có quan hệ tình dục. Đây là sự phát triển tự nhiên và tất yếu. Vì vậy cha mẹ cần trang bị cho con kiến thức và hành vi tình dục an toàn, để tránh lây bệnh, đặc biệt là HIV/AIDS. Việc cấm đoán hay can thiệp quá mức ở lứa tuổi này sẽ khiến con đối phó và ngày càng giấu giếm, không bộc lộ tâm tư tình cảm với cha mẹ, khi ấy việc giáo dục sẽ càng khó khăn hơn.
Theo Afamily/ Sức khỏe & Đời sống