Cách dạy con khi bé mắc lỗi cư xử
Trẻ nhỏ chưa có nhiều kinh nghiệm sống nên rất hay mắc lỗi cư xử với mọi người xung quanh. Trong những trường hợp như vậy, bố mẹ cần có cách dạy con hợp tình hợp lý để bé hiểu ra sai lầm và biết cách khắc phục.
Tùy theo trường hợp bé mắc lỗi cư xử, bố mẹ sẽ có cách dạy con phù hợp
Trẻ gặp người lớn không chịu chào
Bố mẹ luôn dạy bé chào hỏi mọi người xung quanh, thế nhưng một ngày nọ không hiểu lí do gì bé nhất định không chào ông bà hoặc một người lớn tuổi mà bé quen. Cách dạy con trong trường hợp này, đó là bố mẹ cần giải thích cho bé hiểu, một đứa trẻ ngoan là như thế nào, bố mẹ cảm thấy tự hào khi con biết cư xử lễ phép, biết chào hỏi những người xung quanh. Và nếu bé vẫn không làm theo, bạn nên là tấm gương cho con. Khi con thấy bạn chào hỏi lễ phép ra sao, bé sẽ học hỏi ngay ở bạn.
Nói trống không với người lớn
Đây là lỗi mà rất nhiều em nhỏ mắc phải và dễ trở thành thói quen rất khó sửa. Bạn nên dạy con một số kỹ năng khi nói chuyện với người lớn, nói chuyện điện thoại… Dạy bé cách “Dạ thưa”, “Xin lỗi”, “Làm ơn” và cả cách xưng hô có chủ ngữ, vị ngữ trong những hoàn cảnh cụ thể. Để bé nói năng lễ phép thành thạo cần có sự giúp đỡ uốn nắn của người lớn, vì vậy bạn cần chú ý lớn ăn tiếng nói hàng ngày của trẻ.
Không biết cảm ơn
Mẹ nên dạy cho con hiểu hai chữ “Cảm ơn” như một nguyên tắc lịch sự mà bé cần sử dụng một cách thành thạo. Khi ai đó trao cho con một cái gì đó, hoặc một lời nói tốt, một lời khen ngợi thì con phải tỏ lòng biết ơn. Để cho bé thấy điều đó một cách rõ nhất thì bạn nên thực hành từ cảm ơn với bé hàng ngày và với những người xung quanh để cho bé thấy. Bạn nhờ bé lấy thứ gì đó thì sau đó bạn nên đáp trả bằng nụ cười và từ cảm ơn. Bé sẽ rất vui khi được mẹ cảm ơn và bé sẽ hiểu được cảm giác hạnh phúc của người khác khi bé cảm ơn họ.
Chen ngang cuộc nói chuyện của người lớn
Nói leo, chen ngang cuộc nói chuyện của người lớn là thói quen không tốt. Bạn có thể giải thích với con, khi con muốn nói ý thì hãy đợi người lớn nói xong rồi con nói, lúc đó mọi người sẽ lắng nghe ý kiến của con. Hoặc trong trường hợp mọi người đang nói chuyện mà con có ý kiến thì nên giơ tay con có ý kiến. Thói quen này xấu này nếu không sửa, bé sẽ nói leo trong giờ học, bé thích gì sẽ nói nấy và chen ngang lời của cô giáo, vì vậy, cha mẹ cần chỉnh bé trong cách dạy con hàng của mình.
Tranh giành đồ chơi với bạn
Trẻ nhỏ thường ham chơi nên hay tranh giành đồ chơi với bạn, thậm chí đánh nhau với bạn. Vì vậy, bố mẹ cần chú ý cách dạy con đức tính nhường nhịn, sẻ chia với người khác. Khi đến nhà người khác, con không được động vào đồ chơi của người khác khi chưa nhận được ý kiến chấp nhận của chủ nhà. Và quan trọng con phải biết kiềm chế cảm xúc, con phải biết bình tĩnh trong mọi tình huống, tuyệt đối không được khoác lác, hơn thua, tranh giành và đánh nhau với đứa trẻ khác.
Theo Marrybaby