Đừng chúi mũi vào điện thoại nữa, hãy làm những điều này để con không trở thành đứa trẻ “người máy”
Bố mẹ quá phụ thuộc vào điện thoại, ít giao tiếp với con có thể khiến trẻ chậm nói, đờ đẫn, nhút nhát, rụt rè…
Sự phụ thuộc vào quá nhiều thiết bị công nghệ đã hạn chế một cách đáng báo động thời gian tương tác và nói chuyện trực tiếp giữa bố mẹ và con cái. Điều này đã trì hoãn vô thời hạn sự kết nối giữa các thành viên trong gia đình, kéo theo nhiều vấn đề nghiêm trọng khác đối với sự phát triển của trẻ nhỏ.
Cha mẹ hiện đại là thế hệ luôn cảm thấy thiếu thời gian dành cho con bởi sự bận rộn công việc. Sự bận rộn thể hiện ở việc họ phụ thuộc quá nhiều vào các thiết bị điện tử như máy tính bảng, điện thoại thông minh. Kiểm tra điện thoại liên tục đã trở thành một thói quen khó bỏ của nhiều cha mẹ và điều này không chỉ ảnh hưởng xấu đến sự gắn kết tình cảm của gia đình mà còn là yếu tố tác động đáng kể đến khả năng học hỏi của trẻ.
Đọc sách, ca hát, chơi đùa cùng bố mẹ là những trải nghiệm kết nối và giao tiếp xã hội đầu tiên cực kì quý giá đối với trẻ. (Ảnh: HA)
Dưới đây là ba cách bố mẹ có thể làm để giúp phát triển kỹ năng giao tiếp của con
1. Chơi những trò chơi không có sự can thiệp của thiết bị điện tử
Những giai điệu vần nhịp đơn giản như “Ú òa” dành cho trẻ sơ sinh, hay những bài hát đơn giản thực sự có ý nghĩa lớn trong việc thúc đẩy tương tác mặt-đối-mặt, dạy cho trẻ kỹ năng tương tác lần lượt và củng cố ý thức của trẻ về cấu trúc của hội thoại.
Những hoạt động như hôn gió, vẫy chào tạm biệt và vỗ tay đều có thể giúp trẻ phát triển các kỹ năng hội thoại và tương tác. Đặc biệt, tất cả những trò chơi này đều chỉ cần đến bàn tay.
2. Cùng tập trung vào một hoạt động
Cùng nhau đọc sách, cùng chơi một đồ chơi, cùng nhìn vào một chú chó trong công viên, tất cả cho phép bố mẹ và trẻ tập trung vào một thứ cùng một thời điểm để tạo ra một không gian “cùng nhau tập trung” – một yếu tố quyết định trong quá trình phát triển giao tiếp và ngôn ngữ ở trẻ. Đó cũng là một kỹ năng xã hội quan trọng cho phép trẻ chia sẻ trải nghiệm với người khác và hiểu được suy nghĩ của người khác.
Cùng con tập trung vào một hoạt động nào đó chính là bài học đầu tiên về một kỹ năng giao tiếp xã hội mà bố mẹ có thể dạy cho con. (Ảnh: HA)
Cùng nhau tập trung giúp trẻ hiểu được rằng bạn quan tâm đến những gì trẻ nói và làm. Khi bố mẹ chỉ tập trung vào điện thoại, họ sẽ không tạo ra được không gian dành cho sự tập trung cùng nhau với trẻ, vì thế bỏ lỡ những cơ hội quý giá để giúp trẻ phát triển các kỹ năng trên.
3. Gửi và nhận các thông điệp phi ngôn ngữ
Nói và hiểu ngôn từ chỉ là một phần của thế giới giao tiếp. Những tín hiệu phi ngôn ngữ như giao tiếp bằng mắt, nét mặt, điệu bộ, cử chỉ mang đến những thông tin quan trọng khác. Trẻ có thể nhận ra những cảm xúc và hiểu được thông điệp từ đó.
Khi bố mẹ sử dụng điện thoại thông minh, những tín hiệu phi ngôn ngữ này bị hạn chế hoặc triệt tiêu hoàn toàn. Kết quả là trẻ mất cơ hội tiếp nhận những tín hiệu phi ngôn ngữ từ bố mẹ, trong khi hệ thống tín hiệu này là một phần của quá trình học cách giao tiếp. Đồng thời bố mẹ cũng mất cơ hội tiếp nhận những thông tin mà trẻ đang cố gắng gửi cho họ thông qua các điệu bộ, cử chỉ, ánh mắt… Đây là những tín hiệu quan trọng nhất với trẻ trong giai đoạn trẻ chưa nói được nhiều từ.
Lời khuyên dành cho bố mẹ phụ thuộc vào đồ công nghệ
Điện thoại thông minh có thể là một cách để liên kết với người khác và giúp cuộc sống của chúng ta dễ dàng hơn, nhưng việc lạm dụng nó có thể tác động tiêu cực tới quá trình tương tác giữa bố mẹ và con. Mặc dù rất khó để có thể “ném” điện thoại hoàn toàn ra khỏi tầm mắt (đặc biệt khi mà hầu hết bố mẹ đều sử dụng điện thoại để quay phim, chụp ảnh con cái), bố mẹ vẫn có thể sử dụng đồ công nghệ một cách có lợi nhất cho sự phát triển của con mình. Dưới đây là một số gợi ý:
1. Tạo ra những khoảng thời gian cố định không có sự xuất hiện của đồ công nghệ
Hàng ngày, hãy cố gắng tạo ra thói quen không tivi, điện thoại, chơi game máy tính… vào những thời điểm nhất định. Giờ ăn tối và trước khi đi ngủ là thời điểm quan trọng nhất, nhưng hoàn toàn có thể mở rộng thêm những khoảng thời gian khác, đặc biệt đối với gia đình có trẻ nhỏ. Bạn cũng có thể hạn chế sự xuất hiện của đồ công nghệ bằng cách tạo ra những khu vực không có sự tồn tại cảc thiết bị này ngay trong nhà mình, ví dụ như khu vực bàn ăn. Nếu bàn ngồi tại bàn ăn và nhắn tin bằng điện thoại, nghĩa là bạn đang không có kết nối với trẻ. Hãy dạy cho trẻ kỹ năng kết nối mọi người bằng chính hành động kết nối với trẻ của bạn.
Rất nhiều bố mẹ sử dụng điện thoại như một công cụ đắc lực để ghi lại hình ảnh và những khoảnh khắc đáng yêu của con, tuy nhiên, điều đó không đồng nghĩa với việc bạn không thể đặt máy xuống và chơi đùa cùng con một cách thực sự và trọn vẹn. (Ảnh minh họa)
2. Lên kế hoạch cho những chuyến đi dã ngoại không thiết bị điện tử
Một chuyến đi tới nông trang hay vườn bách thú, công viên, đi bơi… Hầu hết bố mẹ đều muốn chụp ảnh con mình và chia sẻ lên facebook, nhưng một hoạt động hoàn toàn không cần thiết phải ghi lại trong tất cả các trường hợp. Hãy bỏ điện thoại sang một bên và tận hưởng từng khoảnh khắc của chuyến đi để tập trung vào việc tương tác, giao tiếp với nhau.
3. Sử dụng công nghệ theo hướng tương tác
Tốt nhất là cùng nhau sử dụng đồ công nghệ mà bạn đang có với trẻ. Hãy cùng nhau nói về những gì bạn nhìn thấy, đặt câu hỏi cho trẻ, và từ đó tạo ra kênh thông tin đối thoạt mặt-đối-mặt.
Tại sao công nghệ không thể thay thế bố mẹ?
Sự phát triển ngôn ngữ và lời nói ở trẻ có mối quan hệ mật thiết với khả năng tư duy, mối quan hệ xã hội, kỹ năng đọc và viết, và thành công trong học tập tại trường học.
Trong ba năm đầu đời, khoảng 80% sự phát triển của não bộ diễn ra. Quá trình này được duy trì và nuôi dưỡng thông qua sự tương tác ngôn ngữ và phi ngôn ngữ liên tục giữa bố mẹ và trẻ, vì thế bất cứ khi nào có thể, hãy tập trung cho những khoảng thời gian tương tác chất lượng bên nhau, thay vì tập trung vào đồ công nghệ.
Thời gian chất lượng bên con là món quà tuyệt vời và vô giá đối với cả cha mẹ và những đứa trẻ mà không có bất cứ điều gì có thể thay thế được. (Ảnh minh họa)
Phải chăng ta nên hoàn toàn từ bỏ công nghệ? Tất nhiên là không, nhưng một điều chắc chắn rằng dù công nghệ có phát triển đến đâu, nó cũng sẽ không bao giờ có thể thay thế được vị trí của tương tác trực tiếp, đặc biệt là với bố mẹ trong quá trình phát triển ngôn ngữ và giao tiếp ở trẻ.
Theo Afamily