Kiểu cha mẹ dễ có con thất bại

Nếu bạn luôn kè kè điện thoại khi về nhà, không cho con đi ngủ đúng giờ… khả năng thành công của con bạn khi trưởng thành sẽ rất ít.
Mặc dù gặp khó khăn trong việc khẳng định phương pháp nuôi dạy con nào là lý tưởng vì các nhà nghiên cứu thường không theo sát các gia đình lâu dài, có một số hành vi ở bố mẹ được các nhà khoa học khẳng định là có thể gây ra các vấn đề cho con cái như trầm cảm, lo âu trong cuộc sống sau này.
Theo các nghiên cứu tâm lý, dưới đây là 9 đặc điểm của những bố mẹ có thể biến con thành người thất bại: 
Không khuyến khích con tự lập
Năm 1997, một nghiên cứu của Đại học Vanderbilt cho thấy những bố mẹ quá bao bọc, kiểm soát con về mặt tâm lý sẽ ảnh hưởng tiêu cực tới tương lai của trẻ, khiến con thiếu tự tin và hay dựa dẫm.
Khuyến khích trẻ – đặc biệt nếu con ở độ tuổi teen – tự lập là có lợi, đặc biệt trong việc nâng cao khả năng giải quyết xung đột, xây dựng các mối quan hệ cá nhân.
Ngoài ra, nghiên cứu này cho thấy bằng chứng rằng sự tự lập có thể giúp trẻ tăng khả năng kháng lại được những áp lực, rủ rê từ bạn bè cùng lứa. 
(Ảnh minh họa)
Hay la mắng con
Một nghiên cứu năm 2013 của Đại học Pittsburgh cho thấy phạt con bằng cách mắng nhiếc thậm tệ như la hét, chửi rủa hay dùng lời sỉ nhục có thể gây hại cho sự phát triển và thành công của con bạn về lâu dài.
Nghiên cứu kéo dài 2 năm này cũng phát hiện mắng nhiếc con gây ảnh hưởng tiêu cực chẳng kém so với phạt con bằng đòn roi, gây các vấn đề về hành vi và triệu chứng trầm cảm.
“Đây thực sự là một bài toán khó cho bố mẹ: Trẻ có hành vi không tốt khiến phụ huynh phải thốt ra những lời mắng nhiếc nhưng cách phạt này lại có thể đẩy những đứa con tuổi vị thành niên của họ đến những vấn đề hành vi tương tự”, tác giả nghiên cứu chia sẻ.
Kiểm soát con quá mức
Mặc dù quan tâm, sát sao tới con là điều tốt nhưng tới mức “vè vè bên cạnh như máy bay trực thăng” hay kiểm soát con một cách gắt gao thì có thể làm tăng mức độ lo lắng và trầm cảm ở trẻ.
“Những sinh viên luôn bị bố mẹ quản lý gắt gao dễ trầm cảm và hay bất mãn trong cuộc sống”, các nhà khoa học viết trong một nghiên cứu năm 2013 với gần 300 sinh viên đại học trên tạp chí Child and Family Studies.
Một nghiên cứu khác năm 2011 của Đại học Tennessee chỉ ra mối liên quan giữa việc bố mẹ kiểm soát quá mức tới chứng trầm cảm ở những người trưởng thành trẻ tuổi. Các nhà nghiên cứu thấy rằng những trẻ có bố mẹ kiểu này ít cởi mở với các ý tưởng mới, thiếu tự tin và hay sử dụng thuốc giảm đau như một cách giải tỏa.
Để con đi ngủ tùy tiện
Các nhà nghiên cứu Anh phát hiện một mối liên quan giữa giờ ngủ thất thường và các hành vi ngày càng tệ hại, bao gồm hiếu động thái quá, lệch lạc về đạo đức, xung đột với bạn bè và khó khăn về biểu lộ cảm xúc.
Ngoài ra, giờ ngủ thất thường có thể ảnh hưởng tới sự phát triển não bộ. “Chúng ta biết rằng sự phát triển của trẻ từ sớm có ảnh hưởng sâu sắc tới sức khỏe và hạnh phúc của trẻ sau này. Giấc ngủ không đảm bảo, đặc biệt là trong giai đoạn phát triển quan trọng, có thể ảnh hưởng rất lớn về sức khỏe tới cả đời trẻ”, một trong các tác giả nghiên cứu, Yvonne Kelly, nói với Medical News Daily.
Cho con xem TV từ nhỏ
Mặc dầu màn hình TV được nhiều bố mẹ coi là cách dỗ con hữu hiệu, nó thực sự gây ra nhiều lo ngại. Một nghiên cứu năm 2007 đăng trên tạp chí Pediatrics cho thấy, trẻ xem nhiều TV trước 3 tuổi sẽ ảnh hưởng tới vốn từ vựng, khả năng tham gia các hoạt động và khiến trẻ dễ bị bạn bè bắt nạt khi vào tiểu học.
Xem nhiều TV còn liên quan tới các vấn đề về tập trung, cũng như khả đọc, làm toán. Một số nghiên cứu chỉ ra rằng các chương trình giáo dục trên truyền hình như “Sesame Street” hay “Barney” là có lợi nhưng chỉ với trẻ 2,5-5 tuổi.
Độc đoán
Chuyên gia tâm lý Diana Baumride phát hiện từ những năm 1960 rằng có 3 kiểu nuôi dạy con cơ bản: Dễ dãi, độc đoán và hiểu biết.
Lý tưởng nhất là cách dạy con hiểu biết – bố mẹ cố gắng chỉ bảo cho con một cách hợp lý, dựa trên sự hiểu biết của mình, tạo được sự tin cậy của con. Cách dạy con tệ nhất là gì? Đó là kiểu bố mẹ độc đoán, luôn yêu cầu con mà không hề giao tiếp cởi mở với trẻ. Họ thường đưa ra các yêu cầu với con như: “Con phải đạt điểm 10 vì mẹ đã bảo thế rồi”. Đó là những lời áp đặt nghiêm khắc, vô lý khiến trẻ cảm thấy hoang mang vì chẳng hiểu vì sao lại cần như vậy. 
Ngược lại, các bố mẹ hiểu biết sẽ giải thích việc đạt điểm tốt giúp trẻ có được những lợi thế gì trong quá trình học hành và tương lai sau này.
Lúc nào cũng kè kè điện thoại di động khi ở bên con
Điện thoại di động làm bố mẹ dễ bị phân tán. Một nghiên cứu công bố đầu năm nay trên tạp chí về tâm lý Translational Psychiatry cho thấy các bố mẹ không chú ý tới con khi bên trẻ có thể ảnh hưởng tiêu cực tới sự phát triển của con cái.
Sự chú tâm vào các đồ công nghệ mà lơ là con rõ ràng là điều chẳng hay ho gì. Một số bác sĩ ở các phòng cấp cứu cho rằng chính điện thoại thông minh là nguyên nhân khiến tình trạng trẻ gặp chấn thương ngày càng tăng, khi các em không được bố mẹ để mắt tới. 
Một nghiên cứu khác của Đại học bang Pennsylvania năm 2015 cho thấy việc sử dụng điện thoại thông minh “là nguy cơ có thật cho sự an toàn và phát triển của  trẻ”.
Quá lạnh lùng hoặc xa cách con
Chẳng hại gì khi bạn thể hiện cho con thấy bạn yêu trẻ. Chẳng gì có thể thay thế được việc xây dựng tình cảm tích cực, gắn bó giữa bố mẹ với con cái. 
Nhiều nghiên cứu cho thấy bố mẹ lạnh nhạt có thể gây các vấn đề về hành vi cũng như cảm giác bất an và rối nhiễu cảm xúc ở trẻ nhỏ và trẻ vị thành niên. Những em bé không nhận được sự khích lệ, gần gũi của bố mẹ cũng hay thu mình lại và dễ lo âu, theo một nghiên cứu năm 1986.
Dùng roi vọt để phạt con
Tác động của đòn roi với trẻ từng được nghiên cứu từ những năm 1980 và cách phạt này thường đi liền với các hành vi hiếu động quá mức, hung hăng và chống đối ở trẻ.
Trong một nghiên cứu năm 2000, các tác giả thấy rằng, những trẻ thường xuyên bị bố mẹ đánh thì hay phá bĩnh trong những năm đầu đến trường.
Vào năm 1916, một phân tích của Đại học Texas khẳng định trên cơ sở một nghiên cứu kéo dài 50 năm trên 160.000 trẻ, cho thấy, đánh con sẽ khiến trẻ đối mặt với nguy cơ về sức khỏe tâm thần và khó nhận thức.
Theo vnexpress.net

Có thể bạn muốn xem

Sau ba tuổi thì đã muộn!

Lời nhắn nhủ “Sau ba tuổi thì đã muộn” cũng là tên của cuốn sách...
View more

“Thật đáng tiếc”

Tôi đã nói câu này với đứa con gái 4 tuổi của mình thay cho...
View more

Nhịn là nhục, nhường là thua?

Rất nhiều tội ác của giới trẻ hôm nay khởi xuất từ nóng giận nhất...
View more

Dạy con một, bố mẹ đã biết cách?

Nhiều người cho rằng, khi chỉ có một mình thì trẻ dễ bị hư hỏng....
View more