‘Nghệ thuật’ trách phạt giúp con ngoan ngoãn, thành công

Cổ nhân có câu: “Thương cho roi cho vọt. Ghét cho ngọt cho bùi”, lại có danh ngôn: “Chín phần mười của sự giáo dục là động viên khích lệ”…
Cổ nhân có câu: “Thương cho roi cho vọt. Ghét cho ngọt cho bùi”, lại có danh ngôn: “Chín phần mười của sự giáo dục là động viên khích lệ” (Anatole France – nhà thơ, nhà báo, tiểu thuyết gia người Pháp đoạt giải Nobel Văn học). Vậy thì việc giáo dục con trẻ ngày nay là nên thiên về “roi vọt” hay “động viên khích lệ”?
Thực tế, trong cuộc sống không thể tránh khỏi những tình huống mà chúng ta vẫn phải nhắc nhở, phải trách phạt các bé. Nhưng, phạt như thế nào để trẻ “tâm phục khẩu phục” mà không gây ra những hệ lụy chẳng ai mong muốn về sau? Bài viết này, chúng tôi dùng gọn một từ “trách phạt” theo nghĩa rộng gồm cả nhắc nhở, phê bình, mắng,…
Thông thường, chúng ta hay trách phạt trẻ trong những trường hợp con làm trái ý hoặc không đáp ứng mong đợi, mong muốn của mình. Chúng ta muốn trẻ phải nghe lời, phải làm bài tập đầy đủ, phải đi học và về nhà đúng giờ, phải đạt điểm số cao, phải sắp xếp nhà cửa gọn gàng, gặp người lớn tuổi phải chào,… nhưng trẻ không làm được điều đó. Rất nhiều bậc cha mẹ đã cáu giận, thậm chí “nổi cơn tam bành” mà dùng lời lẽ thô lỗ, khó nghe với con như: “đồ hư hỏng”, “đồ vô tích sự”, “cút đi cho khuất mắt tao”, “làm gì hỏng nấy”,… Trong khi, mục đích của việc trách mắng là để trẻ khắc phục được nhược điểm đó và lần sau làm tốt hơn, vì vậy cần chỉ ra hành vi cụ thể mà trẻ làm chưa tốt chứ không nên nhắm vào đứa trẻ và khái quát thành quan điểm về nhân cách của trẻ. Nếu dùng từ thô lỗ như vậy sẽ ảnh hưởng đến sự phát triển nhân cách của trẻ và tổn thương tâm lý của trẻ. Một hậu quả nữa là trẻ sẽ bắt chước những điều trên khi nói với bạn bè và người thân trong gia đình, y như chúng ta đã nói với trẻ.
Nhiều lúc cũng do mong con mình ngoan, mong cho con mình bằng bạn bằng bè nên khi con mắc lỗi cha mẹ bé đã nổi giận, đã “mất khôn” và không kiểm soát được cảm xúc nên mới dùng lời lẽ thô lỗ hoặc thậm chí dùng đòn roi với con. Vậy thì làm thế nào để kiểm soát được cơn giận để bình tĩnh khi trách phạt con, giúp con tâm phục khẩu phục để rồi thay đổi, tiến bộ hơn? Bố mẹ hãy tham khảo những gợi ý dưới đây nhé! Giả sử trong một tình huống cụ thể, khi con nói chuyện riêng trong lớp nhiều lần và bị cô giáo cho làm bản kiểm điểm đồng thời lấy chữ kí của bố mẹ. Khi đó bố mẹ không nên vội nóng giận mà hãy:
1. Dừng lại và quan sát
Hãy hít một hơi thật sâu, dừng lại một lúc và quan sát “đầu đuôi câu chuyện”. Làm thế này chúng ta sẽ lấy lại được bình tĩnh và hiểu rõ hơn sự việc, tránh việc chưa hiểu lý do mà có thể trách oan con.
2. Đi đường vòng, tìm điểm tốt
Mặc dù con đang mắc khuyết điểm nhưng nên nhớ rằng bất kì ai cũng có điểm tốt và đều thích khen, con của mình cũng nhiều điểm tốt lắm chứ! Có thể khen con là hiếu thảo với bố mẹ, chăm chỉ giúp mẹ việc nhà, ăn nhanh,… trước khi trách phạt. Với tình huống trên, bạn có thể nói: “Bố/mẹ biết con rất quý các bạn trong lớp, thích giúp đỡ các bạn, hôm trước con vừa xin mấy cuốn vở để tặng bạn An ở trong lớp đó thôi,…. Nhưng khi con nói chuyện như thế là sai rồi, vì sẽ làm ảnh hưởng đến việc học tập, ảnh hưởng đến các bạn,…”.
3. Đồng cảm với con
Cần tỏ ra tâm lý, cảm thông với con về những khuyết điểm mà tuổi thơ, tuổi học trò dễ mắc phải. Chẳng hạn, bạn có thể nói: “Hồi nhỏ đi học bố/mẹ cũng chơi thân với một vài bạn trong lớp, cũng hay tíu tít nói chuyện với nhau, cũng có đôi lúc bị thầy/cô nhắc nhở nhưng sau đó bố/mẹ đã khắc phục được….”.
4. Chỉ ra khuyết điểm cụ thể, không nói chung chung, không khái quát thành quan điểm
Chỉ ra khuyết điểm càng cụ thể càng tốt, không được tổng quát từ một khuyết điểm này thành “vô vàn” khuyết điểm khác, có một số bố mẹ khi bực con, nóng giận quá và nổi cơn tam bành “lôi” hết các khuyết điểm khác của con ra. Chẳng hạn, vừa biết việc cô giáo yêu cầu con mình phải làm bản kiểm điểm là bố mẹ kể hết tội của con từ đầu năm đến nay nào là ngủ dậy muộn, phòng ngủ luộm thuộm, vừa ăn vừa đọc sách, điểm kiểm tra môn toán thấp,… hoặc là “mày là đứa vô tích sự”, “quanh năm làm bản kiểm điểm”,…
5. Cùng con tìm giải pháp, không truy cứu nguyên nhân
Không nên khăng khăng tra cứu nguyên nhân khi con làm sai một việc gì đó mà nên đặt câu hỏi gợi ý và cùng con tìm ra giải pháp khắc phục. Với ví dụ trên không nên hỏi “Tại sao con lại nói chuyện trong lớp”mà nên hỏi: “Theo con, làm thế nào để con tập trung học bài, không nói chuyện với bạn trong giờ học nữa?”.
Tùy vào từng tình huống cụ thể, điều quan trọng là bố mẹ cần bình tĩnh, cố gắng không nóng giận để xử lý từng bước một như gợi ý trên, chắc chắn những đứa trẻ sẽ biết lắng nghe, sửa sai và thành công hơn trong cuộc sống.
Theo Congluan

Có thể bạn muốn xem

Sau ba tuổi thì đã muộn!

Lời nhắn nhủ “Sau ba tuổi thì đã muộn” cũng là tên của cuốn sách...
Xem thêm

“Thật đáng tiếc”

Tôi đã nói câu này với đứa con gái 4 tuổi của mình thay cho...
Xem thêm

Nhịn là nhục, nhường là thua?

Rất nhiều tội ác của giới trẻ hôm nay khởi xuất từ nóng giận nhất...
Xem thêm

Dạy con một, bố mẹ đã biết cách?

Nhiều người cho rằng, khi chỉ có một mình thì trẻ dễ bị hư hỏng....
Xem thêm
Hotline
Nhắn tin Zalo
Nhắn tin facebook
button