Những kỹ năng sống quan trọng mẹ Việt thường quên dạy con
Trẻ em cần được trang bị những kỹ năng cần thiết ngay từ thưở bé để có một sự khởi đầu hiệu quả và an toàn.
Được trang bị những kỹ năng sống cần thiết sẽ giúp quá trình trẻ định hình cuộc sống và phát triển toàn diện diễn ra dễ dàng hơn. Thời điểm trẻ còn bé, hay còn gọi là tuổi thơ, là thời điểm vàng vì trẻ có thể tiếp thu rất nhanh chóng những gì được dạy. Kỹ năng trẻ cần có thể chia làm 2 lĩnh vực: kỹ năng phòng vệ và kỹ năng hoà nhập xã hội.
Trẻ cần kiến thức để bảo vệ bản thân và thậm chi những người xung quanh trong trường hợp khẩn cấp. Kỹ năng xã hội giúp trẻ hoà nhập nhanh chóng và dễ dàng. Cha mẹ chính là thầy cô tốt nhất với con mình. Hầu hết những kĩ năng cơ bản này yêu cầu một sự kết nối về tinh thần và chia sẻ. Hãy cùng xem những kỹ năng sống quan trọng và làm cách nào để trẻ tiếp thu tốt nhất.
Kỹ năng phòng vệ
Phòng vệ bản thân không chỉ mang nghĩa như sơ cứu hay hành động trong tình huống đã bị thương nghiêm trọng. Phòng vệ ở đây mang nghĩa đề phòng và tránh được những nguy hiểm có thể xảy ra bất kì lúc nào. Những kỹ năng sống cụ thể như bơi lội, quan sát xung quanh, quan sát thiên nhiên có thể giúp trẻ an toàn trong nhiều tình huống khác nhau. Điều này vô cùng quan trọng để trẻ có thể tự bảo đảm an toàn khi không có sự giúp đỡ bên cạnh.
Tranh thủ mùa hè, cha mẹ hãy cho trẻ tập bơi
Hãy dạy trẻ bơi lội và đạp xe ngay khi còn nhỏ. Hãy dạy trẻ cách tìm kiếm sự giúp đỡ khi gặp nguy hiểm và nhận biết những hiểm hoạ tĩnh từ môi trường xung quanh: nước, lửa, gió hoặc đồ vật từ trên cao. Điều quan trọng nhất là chia sẻ để trẻ thấy vì sao những vật thể thiên nhiên hay thường gặp lại có thể gây nguy hiểm, ví dụ như nước hay lửa.
Hãy giúp trẻ nhớ được số điện thoại của cha mẹ và liên lạc trong trường hợp khẩn cấp. Cha mẹ có thể tập cho trẻ gọi điện thoại, dù với máy bàn hay máy di động. Hành động tập luyện này sẽ giúp trẻ có phản xạ nhanh khi cần. Ngoài ra, hãy nói cho trẻ về các loài vật, kể cả vật nuôi trong nhà, khi nào chúng có thể gây nguy hiểm và khi nào không.
Cần dạy cho bé nhớ số điện thoại của cha mẹ phòng khi đi lạc
Các bậc cha mẹ cần đặc biệt lưu ý dạy trẻ cách nhận biết người lạ và người xấu. Hãy lên danh sách những người trẻ có thể tin tưởng và những tình huống người lạ trẻ phải tuyệt đối tránh.
Kỹ năng hoà nhập xã hội
Khi trẻ đã quen với những kỹ năng phòng vệ, bước tiếp theo là kỹ năng hoà nhập xã hội. Xét về độ quan trọng, kỹ năng này đôi khi quan trọng hơn cả kỹ năng phòng vệ, vì nguy hiểm có thể không xảy ra hàng giờ hàng ngày, nhưng trẻ là một nhân tố trong xã hội và phải ứng xử, hoà nhập mọi lúc mọi nơi. Hoà nhập, tổ chức, vui chơi và hoạt động với tập thể, giao tiếp, suy nghĩ và đưa ra quyết định là những kỹ năng xã hội quan trọng nhất.
Thông thạo những kỹ năng này sẽ giúp trẻ trưởng thành và thành công. Sự phát triển của con người không chỉ về tầm vóc cơ thể, mà quan trọng hơn cả là sự kết hợp với phát triển trí óc và hoà nhập xã hội. Một khi trẻ cảm thấy tự tin và thích thú với môi trường xung quanh, trẻ sẽ dễ dàng học hỏi được nhiều điều khác.
Kỹ năng xây dựng tình bạn
Xây dựng tình bạn bền lâu là một phần quan trọng trong kỹ năng hoà nhập xã hội. Không một cá nhân nào có thể sống riêng rẽ vì mọi sự phát triển của cuộc sống đều phụ thuộc vào cuộc sống xoay quanh. Qua tình bạn, con người có thể chia sẻ nhu cầu, ý tưởng và tìm kiếm sự ủng hộ.
Cha mẹ hãy dạy trẻ cách chia sẻ đồ chơi, sở thích, ý nghĩ và chọn những người bạn tốt. Ngoài ra, càng sớm càng tốt, hãy dạy trẻ cách lắng nghe và tôn trọng sự khác biệt, suy nghĩ và cảm xúc của mọi người xung quanh. Hãy cho trẻ tham gia nhiều hoạt động với các bạn cùng trang lứa, dạy trẻ quan sát, học hỏi và có thái độ khách quan với tất cả mọi người.
Có nhiều bạn bè, trẻ sẽ đỡ nhút nhát và biết quan tâm, chia sẻ nhiều hơn
Kỹ năng suy nghĩ và phân tích
Suy nghĩ và phân tích và kỹ năng bắt buộc với bất kì ai. Mọi cá nhân cần biết phân tích tình huống và đưa ra những quyết định hợp lí, đó chính là căn bản của sự phát triển và thành công. Cha mẹ hãy dạy trẻ độc lập trong suy nghĩ, nắm bắt được nhiều khía cạnh của vấn đề, phân tích để tìm ra giải pháp hợp lí nhất. Nếu trẻ biết suy nghĩ đa chiều và khách quan từ nhỏ, trẻ sẽ dễ dàng nắm bắt được thông tin khi đến tuổi đến trường và kỹ năng hoà nhập xã hội cũng được củng cố hơn rất nhiều.
Khi trẻ bị ngã, thay vì đổ lỗi cho “cái đường làm đau con”, hãy vỗ về và cùng bé phân tích tại sao con lại ngã
Theo Luna (Khám Phá)