Phải làm gì để khuyến khích con tự chơi?
Khi con tự chơi, bé sẽ thu được những trải nghiệm riêng biệt, học cách khám phá sự vật, cách giải quyết vấn đề, cách giữ sự tập trung và hình thành nên một tính cách tự lập. Đồng thời, mẹ cũng sẽ có nhiều thời gian để làm việc khác thay vì cứ phải dõi theo con.
Dưới đây là những bí quyết hữu hiệu để mẹ khuyến khích con tự chơi.
Tạo những điều kiện thuận lợi
Tùy vào những điều kiện khác nhau mà con bạn sẽ tập trung vào trò chơi hay không. Đừng trông đợi một nhóc tỳ có thể thoải mái chơi đồ chơi khi mà bé đang bị đói, mệt, hay giận dữ. Khả năng tự chơi một mình cũng khác nhau theo cá tính của mỗi bé. Chẳng hạn, có bạn nhỏ thích bám mẹ và thích mẹ luôn có mặt bên mình khi chơi. Trong khi đó, các bạn nhỏ khác lại trở nên độc lập hơn và muốn khám phá những giới hạn như với lấy ly tách trên bàn hay trèo cửa sổ. Trong cả hai trường hợp này, không thể chỉ ra là bé nào tự chơi tốt hơn. Điều quan trọng là bố mẹ cần phải biết đặc điểm riêng của con để xây dựng kỹ năng tự chơi một mình cho bé. Trước hết, hãy để con vui chơi trong tình trạng tâm lý thoải mái, không bị đói bụng, không phải là lúc đang ốm mệt.
Ngoài ra, hãy nhớ rằng kỹ năng tự chơi không tự nhiên xuất hiện chỉ sau 1 đêm. Một em bé hơn 1 tuổi chỉ có thể tập trung chơi trong khoảng 15 phút. Nhưng nếu bạn cho con nhiều cơ hội để tự chơi, thời gian này sẽ tăng dần lên. Dù có nghe thấy con tự lẩm nhẩm nói chuyện một mình, bạn cũng đừng can thiệp vào khoảng thời gian và không gian riêng trong trò chơi của bé. Đây là lúc để con phát triển rất nhiều kỹ năng quan trọng, bao gồm kỹ năng vận động, ngôn ngữ, tư duy.
Để con tự chơi là cách tốt nhất để bé phát huy những kỹ năng của mình
Tạo ra những hoạt động thực sự lý thú
Với bất kỳ trò chơi hay hoạt động nào, hãy ghi nhớ 4 từ sau: thú vị, thường xuyên, có quy luật và có sự định hướng. Đầu tiên, hãy để con “nhập cuộc” với một trò chơi hay hoạt động mà bé thích, chẳng hạn như lôi quần áo khỏi ngăn tủ rồi thử từng bộ và diễn một vai nào đó (tất nhiên là khi bạn có thể chịu được sự bừa bộn). Sau đó, khi con đã bị cuốn vào trò chơi, hãy để bé tự do sáng tạo theo cách của mình và bạn có thể ngồi đọc tạp chí hay làm việc gì đó mình muốn. Nếu con ném đồ chơi vào bạn, hãy tung trả lại cho bé với một nụ cười tươi tắn trên môi và tiếp tục công việc của bạn. Hãy dành thêm vài ngày hay thậm chí là vài tuần để gia tăng khoảng cách của mình với con trong trò chơi, nhưng lưu ý là không bao giờ để con một mình mà không có sự theo dõi của bố mẹ. Bé con chưa biết thế nào là không an toàn, thế nên, để con tự chơi mà không gặp nguy hiểm thì bạn vẫn cần phải thường xuyên coi sóc.
Chọn lựa và giới hạn số lượng đồ chơi
Tốt nhất, chỉ nên cho con chơi 1 món đồ chơi mỗi lần. Hãy suy nghĩ bạn sẽ chơi trò gì trước khi quyết định chọn lấy đồ chơi khỏi tủ đựng. Tất nhiên, bé sẽ không tập trung chơi được lâu và bạn cần phải tác động để trò chơi tiếp tục. Hãy đặt một câu hỏi hay đưa ra gợi cho con, chẳng hạn: “Con có thể xếp thêm một lâu đài nữa không”, hay “Con đã giả được tiếng mèo, bây giờ thử xem con gà kêu thế nào đi”. Tuy vậy, đừng trực tiếp tham gia vào trò chơi.
Hãy cố tắng duy trì những giờ tự chơi như thế mỗi ngày và ngay cả khi con muốn bạn giúp, hãy cho bé cơ hội để tự giúp mình trước, đừng vội vàng bước lại để chỉ dẫn.
Điều cuối cùng, bạn không thể trông đợi con luôn luôn thích thú với việc chơi một mình, nhưng hãy cho con cơ hội để tự chơi khi có thể.
Theo Marrybaby.vn