Quẳng gánh lo đi, nuôi dạy con mới tốt!

Bước sang lứa tuổi mầm non, trẻ đã bắt đầu ý thức được suy nghĩ và hành động của mình. Cuộc chiến nuôi dạy con vì thế ngày càng trở nên cam go hơn. Thực tế, sẽ chẳng có gì gọi là cuộc chiến nếu bạn biết cách chia tay bớt những nỗi lo dư thừa.
Không có ba mẹ nào hoàn hảo. Chính kinh nghiệm, tình yêu thương và cố gắng của bạn sẽ mang lại thành quả như ý trong việc nuôi dạy con
Bye bye nỗi lo cân nặng
Người Việt thích trẻ con tròn tròn, mũm mĩm, cân nặng vượt chuẩn vì cho rằng như vậy bé mới khỏe mạnh và đáng yêu. Vô tình, quan niệm ấy đang lấy sự tròn trịa, mập mạp của bé để làm thước đo tài nuôi con của mẹ cũng như sức khỏe của trẻ. Và để phấn đấu nuôi con giỏi, khỏe mạnh, nhiều phụ huynh chăm chút, thúc ép con ăn để tăng cân nhanh.
Chuyện ăn uống của con vô tình trở thành cuộc chiến đầy áp lực, căng thẳng. Theo các bác sĩ, bạn cần có cách nhìn đúng đắn hơn về cân nặng của bé. Luôn duy trì cho trẻ mức cân nặng hợp lý với chiều cao và độ tuổi. Thậm chí khi bé roi roi nhưng vẫn năng động, khỏe mạnh, ba mẹ hay ông bà cũng không nên quá lo lắng.
Lời khuyên của Tiến sĩ Eneli tại Đại học Emory, Mỹ: “Điều mà tôi muốn nhắn nhủ các bậc phụ huynh rằng bạn nên nuôi con theo lối sống lành mạnh, hướng dẫn con có thói quen tốt đối với thức ăn và điều quan trọng mà bạn cần ý thức là không bao giờ là quá sớm để hướng dẫn con ăn uống hợp lý, cân bằng và khỏe mạnh”.
Con tự đi bô, đừng sốt ruột mẹ nhé!
Không có thời điểm nào là hoàn hảo để tập cho trẻ đi vệ sinh. Việc sẵn sàng hay chưa tùy thuộc vào mỗi trẻ. Có trẻ bắt đầu tập lúc 20 tháng tuổi nhưng có bé đến 30 tháng tuổi vẫn chưa sẵn sàng. Một khi trẻ hội đủ những yếu tố cần thiết, việc luyện tập sẽ trở nên dễ dàng hơn. Mẹ chỉ nên bắt đầu tập luyện cho trẻ khi trẻ đã có những kỹ năng cần thiết bao gồm:
– Có thể nhịn khi muốn đi vệ sinh.
– Giữ được tã giấy khô trong vòng hơn 2 tiếng hoặc hơn.
– Luôn có biểu hiện cho biết trẻ muốn đi vệ sinh.
Độ tuổi nào cũng cần tôn trọng
Độ tuổi mầm non, tiểu học là giai đoạn trẻ hình thành nhân cách. Từ lời nói đến cử chỉ, hành động đối xử của những người xung quanh, đặc biệt là người tiếp xúc với trẻ hàng ngày đều sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến quá trình này. Nếu trẻ làm sai, người lớn nên tìm hiểu nguyên nhân, phân tích đúng, sai thỏa đáng để trẻ nhận thức được vì sao việc làm đó không đúng. Từ đó giúp trẻ tạo lập ý thức nên làm điều gì và không nên làm điều gì.
Hình thức mắng nhiếc, miệt thị với lời lẽ nặng nề, phản cảm sẽ làm trẻ bị tổn thương, hoảng sợ. Trẻ cũng có lòng tự trọng bản thân, việc chế giễu, bêu riếu xúc phạm trẻ trước bạn bè hay đám đông là điều tối kỵ. Đó là biện pháp phản giáo dục, không giúp trẻ nhận ra lỗi lầm; ngược lại sẽ mang đến tâm lý tự ti, bất cần và ngấm ngầm chống đối từ bé.
Hà tiện gì lời khen?
Tâm lý cha mẹ ai cũng muốn nghiêm khắc, đòi hỏi con trên cả khả năng vốn có. Nếu khen ngợi nhiều, ba mẹ e ngại sẽ làm con ảo tưởng dẫn đến hư hỏng. Vì thế, hầu hết các bậc phụ huynh đều khá dè dặt, tiết kiệm lời hay, ý đẹp dành cho con của mình.
Song, nếu biết đặt mình vào vị trí của con, nhận thấy được sự vui mừng, hạnh phúc của trẻ khi được người lớn khen ngợi, các bậc cha mẹ sẽ biết đưa ra lời khen vừa đủ, để trẻ tự hào, vững tin vào bản thân. Điều này giúp bé từng bước tiếp tục khẳng định mình và trở nên mạnh mẽ, sẵn sàng chủ động hòa nhập vào cuộc sống.
Trẻ hoàn toàn có thể nhận biết được thế nào là một lời khen chân thành hay qua quýt. Vì thế, khi khen ngợi, khuyến khích con trẻ, cần phải xuất phát từ tấm lòng bao dung, độ lượng và cách bộc lộ khéo léo. Ngoài ra, cha mẹ nên khen con thẳng thật và có cơ sở, khen đúng ưu điểm và sự vượt trội của trẻ.
Chăm chút “cái gốc”
Rất nhiều phụ huynh xem nhẹ vấn đề bảo vệ răng miệng cho con mà không biết rằng, phần lớn các bệnh trong cơ thể đều xuất phát từ răng miệng. Theo nghiên cứu gần đây trên tạp chí Sức khỏe, Mỹ, có khoảng 700 loại vi khuẩn ẩn chứa trong khoang miệng và hầu hết chúng đều liên quan hoặc có thể là nguyên nhân gây ra các bệnh tim mạch.
Đưa trẻ đến bác sĩ răng hàm mặt lần đầu tiên khi trẻ được 6 tháng tuổi để phát hiện các vấn đề sức khỏe toàn thân có liên quan đến răng miệng. Trẻ 1 tuổi đã mọc 8 răng cửa nên dùng bàn chải đánh răng có lông mềm với kích thước nhỏ. Với trẻ dưới 3 tuổi, mẹ nên cẩn thận khi cho bé sử dụng kem đánh răng có chứa florua. Nhắc nhở bé đánh răng 2 lần mỗi ngày vào buổi sáng và tối. Mỗi lần đánh răng ít nhất là 2 phút. Cách 3 tháng nên thay bàn chải đánh răng cho bé một lần.
Bé ơi, ngủ ngoan nào!
Giấc ngủ rất quan trọng đối với cả trẻ em và người lớn. Đó là khoảng thời gian để cả cơ thể và bộ não được nghỉ ngơi nhằm chuẩn bị cho chuỗi hoạt động sôi nổi vào ngày hôm sau. Nếu không được nghỉ ngơi đủ, cơ thể bé sẽ rất mệt mỏi và đầu óc thiếu minh mẫn. Trẻ mầm non ngủ khoảng 9-12 tiếng vào ban đêm, 1-3 tiếng vào ban ngày.
Với những bé có giấc ngủ ban ngày lâu hơn, ban đêm bé sẽ ngủ ít hơn và ngược lại. Hầu hết trẻ em đều cần ngủ nhiều, đôi khi nhiều hơn mức ba mẹ cho phép. Thông thường, khi một đứa trẻ có thói quen ngủ ít hoặc từ chối đi ngủ hoặc đi ngủ trước 10 giờ tối có thể là biểu hiện của chứng khó ngủ hay mất ngủ. Để cải thiện tình hình này, mẹ cần giúp bé có thói quen đi ngủ đúng giờ bằng cách thiết lập một thời khóa biểu ngủ nghỉ thích hợp và luôn bám sát theo đó.
Kiểm soát cơn giận
Không chỉ tác động mạnh đến cảm xúc của mình, cơn giận của người lớn cũng ảnh hưởng tiêu cực đến tâm trạng và cách cư xử của trẻ em. Khi kiểm soát cơn giận dữ với trẻ, con bạn cũng sẽ học cách bình tĩnh lại. Nên nhớ rằng bình tĩnh có thể rèn luyện và giúp chế ngự sự lo lắng. Khi cha mẹ đang lo âu, trẻ cũng sẽ cảm thấy bất an. Điều này giống như “virus truyền nhiễm” vậy.
Bạn có thể nghĩ theo cách này: Nếu không thể giữ được bình tĩnh, những gì bạn đang cảm thấy sẽ vô tình tạo ra một bầu không khí căng thẳng giống hệt cảm xúc của bạn lúc bấy giờ. Tự nhắc nhở bản thân rằng những gì bố mẹ làm sẽ tác động trực tiếp đến hành vi, suy nghĩ của trẻ.
Nói chuyện với con “càng nhiều, càng ít”
Lời nói là một trong những hình thức thể hiện tư duy của trẻ. Để ngôn ngữ của trẻ phát triển bình thường, cần có sự tương tác trong giao tiếp với người thân, cha mẹ, ông bà, các bạn cùng lứa tuổi… Cha mẹ cần dành thời gian cho con, cùng chơi đồ chơi với con. Đó là “kênh” quan trọng để con được mở mang sự hiểu biết. Khi còn nhỏ, trẻ cần được bế ẵm, trò chuyện, nựng nịu. Có thể chưa nói được, nhưng việc lắng nghe và được nghe là tương tác giúp trẻ phát triển khả năng ngôn ngữ của mình.
Không ai hoàn hảo cả!
Không hoàn hảo, nhưng bất cứ ai cũng đều có thể trở thành một bà mẹ, ông bố tuyệt vời theo cách của riêng mình. Bạn phải học cách xin lỗi con khi sai, có như vậy mới dạy con biết cách nhận lỗi và không đổ tội cho hoàn cảnh. Mẹ hạnh phúc là mẹ dạy con về giới hạn.
Có những lúc mẹ cần được một mình, khi đó con tôn trọng và làm việc của con, y như khi con làm việc riêng của con nhưng mẹ không can thiệp và ý kiến. Cùng với quá trình nuôi dạy và chăm sóc con, bản năng làm mẹ sẽ không ngừng phát triển.
Theo Marrybaby.vn

Có thể bạn muốn xem

Sau ba tuổi thì đã muộn!

Lời nhắn nhủ “Sau ba tuổi thì đã muộn” cũng là tên của cuốn sách...
Xem thêm

“Thật đáng tiếc”

Tôi đã nói câu này với đứa con gái 4 tuổi của mình thay cho...
Xem thêm

Nhịn là nhục, nhường là thua?

Rất nhiều tội ác của giới trẻ hôm nay khởi xuất từ nóng giận nhất...
Xem thêm

Dạy con một, bố mẹ đã biết cách?

Nhiều người cho rằng, khi chỉ có một mình thì trẻ dễ bị hư hỏng....
Xem thêm
Hotline
Nhắn tin Zalo
Nhắn tin facebook
button