Mẹ hút thuốc, con bị tâm thần
Các nhà nghiên cứu tại Trường Y tế Công cộng Mailman thuộc ĐH Columbia, Trung tâm Y khoa ĐH Columbia, Viện Tâm thần bang New York – Mỹ và các đồng nghiệp ở Phần Lan cho biết hút thuốc lá trong giai đoạn thai kỳ của người mẹ làm tăng nguy cơ bị bệnh tâm thần phân liệt cho trẻ.
Các nhà khoa học đã đánh giá gần 1.000 trường hợp bị bệnh tâm thần phân liệt trong số các trẻ được sinh ra ở Phần Lan từ năm 1983 đến 1991. Chính nồng độ nicotin trong máu người mẹ gia tăng khiến nguy cơ bị bệnh tâm thần phân liệt ở trẻ cũng tăng lên.
Nghiên cứu này là bằng chứng xác tín nhất cho đến nay về khả năng hút thuốc lá trong thai kỳ của người mẹ có liên quan đến bệnh tâm thần phân liệt. Tạp chí American Journal of Psychiatry đã đăng tải công trình này.
Hút thuốc lá trong thai kỳ của người mẹ có liên quan đến bệnh tâm thần phân liệt. (Ảnh minh họa)
Lượng nicotin trong máu người mẹ gia tăng theo nhau thai vào dòng máu của thai nhi rồi đến não, gây ra những bất thường cho sự phát triển thần kinh của trẻ sau này. Theo thống kê, có đến 38% số người mẹ hút thuốc gây bệnh tâm thần phân liệt cho trẻ.
Chuyên san Nature Neuroscience đăng tải công trình nghiên cứu của giáo sư tâm thần học Marina Picciotto, thuộc Khoa Thần kinh và Dược học ĐH Yale (Mỹ) cho biết việc tiếp xúc sớm với nicotin đã kích thích những thay đổi về di truyền, ảnh hưởng đến việc hình thành các kết nối của tế bào não kéo dài sau sinh. Từ đó, tạo nên những thay đổi ở trẻ như: rối loạn tăng động giảm chú ý, nghiện ngập và các rối loạn về hành vi. Những dấu hiệu sau sẽ giúp người mẹ nhận biết bệnh tâm thần phân liệt và rối loạn tăng động giảm chú ý ở trẻ:
– Bệnh tâm thần phân liệt: Ở giai đoạn khởi phát, trẻ hay bị mất ngủ, học tập kém, lo âu, cáu gắt, đau đầu, khép kín, mau quên. Ở giai đoạn toàn phát, trẻ nói một mình, cho rằng có người đang âm mưu hại mình, ảo giác về tiếng nói trong đầu.
– Rối loạn tăng động giảm chú ý: Trẻ hay mơ màng, không tuân theo các chỉ dẫn và không chú ý lắng nghe khi thực hiện các nhiệm vụ hoặc hoạt động có tính tổ chức, dễ dàng bị phân tâm, hay cựa quậy tay chân, nói quá nhiều, cắt ngang hoặc xen vào cuộc nói chuyện hay trò chơi của người khác.
Theo Bác sĩ Ngô Văn Tuấn (Người lao động)