Quai bị khi mang thai, bé cưng có bị ảnh hưởng?
Bệnh quai bị có thể để lại nhiều biến chứng như viêm cơ tim, viêm màng não, buồng trứng…nếu không được điều trị kịp thời. Đặc biệt, bà bầu bị quai bị không chỉ gây hại cho sức khỏe mẹ mà còn có thể ảnh hưởng đến thai nhi.
Virus Paramyxovirus là nguyên nhân gây ra bệnh quai bị, đây là loại virus có tính hòa tan tế bào nên có thể gây viêm nhiễm buồng trứng hay thậm chí lây sang thai nhi thông qua nhau thai. Bệnh rất dễ lây lan quan đường hô hấp, đường ăn uống. Vì vậy, mẹ bầu nên cẩn thận và nếu phát hiện mắc phải bệnh quai bị thì cần điều trị càng sớm càng tốt.
1/ Quai bị ảnh hưởng như thế nào đền mẹ bầu?
Hệ miễn dịch của phụ nữ mang thai thường kém hơn so với bình thường nên khi mắc bệnh quai bị, những triệu chứng có tốc độ phát triển nhanh hơn. Mẹ bầu sẽ bị sốt cao từ 39-49 độ, nhức đầu, cơ thể trở nên mệt mỏi, đau cổ họng, amidan bị sưng to. Đặc biệt, một hoặc hai bên má (tuyến mang tai) sưng to rồi bắt đầu lan tỏa ra phía trước, sau và phía dưới.
Hệ lụy khi bị quai bị trong thời gian mang thai là rất lớn, không chỉ ảnh hưởng đến sức khỏe của mẹ mà còn tác động xấu đến thai nhi trong bụng. Khi bà bầu bị quai bị trong 3 tháng đầu của thai kỳ có thể làm tăng nguy cơ gây sảy thai, mẹ bị quai bị khi mang thai 3 tháng cuối gây sinh non hoặc thai chết lưu.
Đau họng, sốt, mệt mỏi, sưng to 1 hay 2 bên má là triệu chứng của bệnh quai bị
2/ Những điều cần làm khi bà bầu bị quai bị
– Ngay khi có dấu hiệu sốt kèm theo các triệu chứng như sưng viêm quai hàm, mẹ bầu nên nhanh chóng đi gặp bác sĩ.
– Bệnh quai bị làm cho mẹ gặp khó khăn trong vấn đề ăn uống, vì vậy, bầu nên ưu tiên những thức ăn mềm và lỏng như: súp, cháo, uống sữa, uống nhiều nước, dành nhiều thời gian để nghỉ ngơi.
– Giữ gìn vệ sinh khoang miệng sạch sẽ để hạn chế tình trạng vi khuẩn tiếp tục gây viêm nhiễm, nhất là sau các bữa ăn và trước khi đi ngủ để làm sạch các mảng thức ăn thừa.
– Điều trị bệnh khi mang thai là điều cần thiết, tuy nhiên mẹ bầu không nên tự ý dùng thuốc, đặc biệt là các loại thuốc kháng sinh. Chỉ nên dùng thuốc theo sự hướng dẫn của bác sĩ.
– Thường xuyên đi khám, siêu âm thai ngay cả khi khỏi bệnh để biết trong thời gian bị bệnh có gây biến chứng gì đến thai nhi hay không.
3/ Cách phòng ngừa bệnh quai bị
– Trước khi mang thai, bạn nên tiêm phòng vắc xin phòng ngừa quai bị. Tuyệt đối không đợi đến khi có thai mới bắt đầu tiêm phòng, bởi trong vắc xin ngừa quai bị chứa virus sống chúng có khả năng xâm nhập gây ảnh hưởng đến thai nhi. Mẹ bầu cần lưu ý, tránh mang thai ít nhất một tháng sau khi tiêm phòng.
– Virus gây bệnh quai bị có tốc độ lây lan nhanh khi người bệnh ho hoặc hắt hơi. Vì vậy mẹ cần tránh tiếp xúc với người đang bị bênh.
4/ Dinh dưỡng cho mẹ nhanh khỏi bệnh
Ngoài thực đơn dinh dưỡng đủ các nhóm chất dinh dưỡng, bạn có thể tham khảo thêm những mẹo dân gian giúp rút ngắn thời gian phát bệnh sau đây.
– Món chè đậu: Dùng khoảng 200g đậu xanh, 50g đậu tương và đường trắng vừa đủ. Nấu nhừ 2 loại đậu này rồi cho thêm đường vào chia làm nhiều lần ăn trong ngày.
– Mướp đăng có công dụng giải nhiệt hiệu quả, rất tốt cho người bị quai bị. Vì vậy có thể chế biến mướp đắng thành nhiều món ăn khác nhau như canh, xào.
– Nấu khoảng 30g đậu xanh với một ít cải trắng, đậu ninh nhừ cả vỏ rồi cho rau cải vào tiếp tục nấu. Dùng 2-3 lần/ngày và liên tục trong 3-5 ngày, bệnh quai bị sẽ thuyên giảm nhanh chóng.
Theo Marrybaby