Bố mẹ Việt: Dạy con, đừng chạy theo đám đông!
Giáo dục sớm cho con hay trả lại cho con tuổi thơ đúng nghĩa cho trẻ là hai luồng quan điểm dạy con trái ngược nhau đang khiến các mẹ bỉm sữa Việt và cả các chuyên gia giáo dục trẻ em xôn xao tranh luận.
Những ngày qua, bài viết của TS Vũ Thu Hương, giảng viên khoa Giáo dục tiểu học (Trường ĐH Sư phạm Hà Nội) với quan điểm: “Hiện nay tôi thấy các mẹ dở hơi lắm. Có mẹ con còn đang ẵm ngửa đã đem thẻ chữ ra dạy rồi đợi con lớn sẽ thông minh” đã nhận được nhiều ý kiến trái chiều từ các mẹ bỉm sữa, đặc biệt là những người đang nuôi dạy con theo phương pháp giáo dục sớm. Trong bài viết của mình, TS Vũ Thu Hương cho rằng từ 0-6 tuổi, trẻ hoàn toàn không có khả năng tư duy lôgic. Vì vậy, TS đã đưa ra lời khuyên với trẻ ở giai đoạn này, thay vì cho con học ngoại ngữ, giáo dục sớm, nên cho trẻ học kĩ năng sống, đạo đức sống…
Bài viết của TS Vũ Thu Hương không chỉ nhận được nhiều phản hồi từ đông đảo các mẹ bỉm sữa mà còn được nhiều chuyên gia giáo dục, tâm lý trẻ em đưa ra ý kiến bình luận khác nhau.
Chị Nguyễn Thị Mai Hương – công tác tại khoa Giáo dục đặc biệt trường ĐH Sư phạm Hà Nội, từng nghiên cứu, giảng dạy và ứng dụng các thành tựu của tâm lý – giáo dục và tâm lý lâm sàng đối với quá trình hình thành và phát triển nhân cách của trẻ đã có một bài viết chia sẻ quan điểm về giáo dục sớm cho trẻ. Chị Mai Hương cho rằng: “Tôi được biết hiện nay các cha mẹ ở một số nước trong đó có Việt Nam sử dụng phương pháp giáo dục sớm để dạy trẻ đọc sớm, tuy nhiên, tôi không tán thành việc sử dụng phương pháp này với trẻ từ 0-6 tuổi. Tôi thiết nghĩ, chúng ta có thể sử dụng thành tựu của phương pháp Glenn Doman với trẻ trên 6 tuổi. Tôi không phê bình phương pháp này mà tôi nghĩ đến việc ứng dụng phương pháp này ở thời điểm nào thì thực sự phù hợp dựa trên quan điểm tôn trọng trẻ ở mọi khía cạnh”.
Chị Nguyễn Thị Mai Hương.
“Hiện tại chúng ta đang lo sợ về vấn đề an toàn thực phẩm tràn lan và bệnh ung thư! Những câu chuyện về việc rau trồng mới 3 ngày đã đem đi bán, ngọn su su hay rau bí ngâm thuốc một đêm đã dài vài gang, cà chua đỏ au được phun thuốc khắp nơi, thịt gia súc gia cầm không rõ nguồn gốc cùng chất tăng trọng… Vậy nỡ lòng nào chúng ta “ép” đứa trẻ “chín sớm” như vậy ? Đó là kỳ vọng của cha mẹ thôi chứ đâu phải hoàn toàn là nhu cầu của con trẻ. Cha mẹ sợ con “thua kém con người ta”, cha mẹ muốn được “mở mày mở mặt”. Hay phải chăng cha mẹ muốn con biết đọc sớm để mình nhàn rỗi hơn, không phải đọc sách cho con nghe nữa… Chúng ta đang vô tình hoặc cố ý làm thui chột khả năng tưởng tượng, sáng tạo vô cùng phong phú trong giai đoạn phát triển nhạy cảm ở mọi giác quan của trẻ, mà tuổi thơ chỉ có một lần, không bao giờ quay trở lại”.
Một quan điểm khác cũng không tán đồng với việc dạy chữ sớm cho trẻ đó là quan điểm của chuyên gia nghiên cứu tâm lý trẻ từ 0 – 18 tuổi Yến Phạm: “Mình không những không cổ vũ mà còn không bao giờ tán đồng việc dạy chữ sớm cho trẻ, dạy trẻ học cái này cái kia (kể cả học để đánh đàn hay nói tiếng anh từ sớm) với mong muốn con hơn người. Dù hiểu cha mẹ nào chẳng yêu con nhưng cầu xin bố mẹ đấy, hãy bỏ chữ tham mà vui sống.
Chuyên gia Yến Phạm không ủng hộ việc dạy chữ sớm cho trẻ.
Nếu tham, hãy tham con mình có được tiềm thức tốt, biết cảm nhận, yêu thương, có hành vi ứng xử tốt, không bạo lực, và xây đắp nội tại bình an cho trẻ. Còn một số thứ nữa mà sẽ không lấy lại được ở tuổi lớn hơn, đó là sự vô tư, sức sáng tạo dưa trên sự tưởng tượng đầy tính mơ mộng, và khả năng bắt chước thần kỳ. Những thứ ấy tạo nên được một đứa trẻ đầy tiềm thức tốt đẹp, biết xử sự, biết sống độc lập và yêu thương, đồng thời đầy tính sáng tạo và tưởng tượng. Bạn không biết rằng nó cứu rỗi cuộc đời con bạn và thăng hoa cuộc đời con sau này như thế nào đâu!”.
Không đồng tình với những quan điểm trên, chị Trần Bích Hà – từng đi nhiều nước và nghiên cứu, tiếp cận cách giáo dục của nhiều nước tiên tiến, đã dạy con tự lập từ nhỏ, đã phân tích khá nhiều vấn đề xung quanh vấn đề giáo dục sớm.
Chị Bích Hà cho rằng: “Dạy và học không có nghĩa là cứ phải phân ranh giới thầy và trò. Bố mẹ dạy con bằng hành động hàng ngày, bằng cách chơi và học cùng con, trong đó bao gồm cả những việc như đem thẻ chữ chỉ và đọc cho con nghe, liên hệ với những đồ vật có chữ cái bắt đầu trùng với chữ cái đó. Đó là học và chơi, là phương pháp giáo dục sớm được áp dụng ở tất cả các nước tiên tiến”.
“Bố mẹ dạy con bằng hành động hàng ngày, bằng cách chơi và học cùng con, trong đó bao gồm cả những việc như đem thẻ chữ chỉ và đọc cho con nghe, liên hệ với những đồ vật có chữ cái bắt đầu trùng với chữ cái đó”.
Riêng với việc cho trẻ học ngoại ngữ, chị Bích Hà thẳng thắn bày tỏ: “Gia đình nào có điều kiện thì nên cho con học ngoại ngữ càng sớm càng tốt. Điều kiện ở đây là nếu bố hoặc mẹ biết ngoại ngữ nào thì có thể chơi và học cùng con, sử dụng ngoại ngữ đó cùng với tiếng mẹ đẻ”.
Là một người rất tâm huyết với việc nuôi dạy con, chị Bích Hà kết luận: “Dạy con đơn giản mà khó khăn. Dạy con, trước tiên, hãy dành cho con tình yêu thương xuất phát tự trái tim, không vụ lợi, không tính toán. Đồng tiền không thể mua được thời gian bố mẹ dành cho con – đó là cái bạn cần nhớ. Đừng chạy theo đám đông một cách mù quáng, để rồi lôi con cái vào trận “cuồng phong” của học thêm. Thay vào đó, hãy cùng con khám phá cuộc đời, và bạn phải học để có khả năng chia sẻ, hướng dẫn, trợ giúp con. Đừng nghe những lời đường mật, những kẻ vỗ ngực tự xưng ta là đại diện của phương pháp này, quan điểm nọ – hãy tìm kỹ, hiểu rõ, trước khi giao phó con cho bất cứ ai, để học thêm bất cứ kỹ năng hoặc kiến thức gì”.
MC Minh Trang – người được biết đến với nhiều kinh nghiệm nuôi dạy con đã truyền cảm hứng và trở thành “cẩm nang tham khảo” làm cha mẹ gần gũi và thiết thực cho rất nhiều bố mẹ trẻ cũng bày tỏ quan điểm cá nhân về việc giáo dục sớm cho trẻ: “Sẽ là sai nếu nhồi nhét, nếu ép buộc, nếu bỏ qua sở thích và cá tính đặc trưng của con, sẽ càng sai nếu lấy kết quả giáo dục sớm của một vài trường hợp cá biệt để kỳ vọng ở khả năng của con mình, rồi đâm ra so sánh, thất vọng, chê bai con khi con không đạt được mục tiêu bố mẹ tự vẽ ra. Sẽ là sai nếu cả ngày bố mẹ đi làm về chỉ có 1-2h với con, chẳng kịp hỏi han xem ở lớp mẫu giáo hôm nay có gì vui, mà lại chỉ chăm chăm ngồi đối diện với con, cùng một đám giáo trình, giáo cụ…”.
MC Minh Trang: “Giáo dục sớm không phải để con sau này học vượt, học đạt điểm cao, mà giúp con có sự hiểu biết và cảm nhận đa dạng về bản thân con, về thế giới xung quanh, để vui, để thiết tha với cuộc sống mà con đang sống”.
Tiếp đó, bà mẹ hai con xinh đẹp này đã giải thích rõ hơn về việc giáo dục sớm cho trẻ: “Nhưng nếu dạy con về ốc sên, rồi tối đến cùng con cầm đèn pin nhỏ đi soi tìm những con ốc sên, xem chúng bò ra sao, ăn lá cây như thế nào… ở mảnh vườn nhỏ của khu chung cư; dạy con về hệ hô hấp, hệ tiêu hóa, về cơ thể người, để con biết tránh xa những người đang hút thuốc lá, nhai thật kỹ khi ăn cơm, không chạy nhảy sau khi ăn xong, giúp con nuôi dưỡng ước mơ về nghề nghiệp tương lai là trở thành bác sĩ… thì chẳng phải chúng ta đang giúp con có một tuổi thơ thật thú vị và nhiều màu sắc hơn sao?”.
Cuối cùng, MC Minh Trang chiêm nghiệm: “Với mình, giáo dục sớm không phải để con sau này học vượt, học đạt điểm cao, mà giúp con có sự hiểu biết và cảm nhận đa dạng về bản thân con, về thế giới xung quanh, để vui, để thiết tha với cuộc sống mà con đang sống”.
Theo Afamily